'Bóng đá là hạng sang, nhạc Hàn là hạng bét'

Nếu một fan Kpop chạy 8 km đuổi theo xe của thần tượng, chưa chắc nhân vật này đã được tung hô như một người hùng.

Nếu một fan Kpop chạy 8 km đuổi theo xe của thần tượng, chưa chắc nhân vật này đã được tung hô như một người hùng.

Có gì khác nhau giữa hâm mộ thể thao và hâm mộ âm nhạc? Có gì phân định bóng đá là đẳng cấp hạng sang còn âm nhạc Hàn Quốc là rẻ tiền hạng thấp? Tại sao một nhóm bạn trẻ bày tỏ tình yêu với thần tượng Kpop lại bị lên án là mông muội, trẻ trâu, nỗi nhục quốc thể trong khi những người cuồng bóng đá lại được tôn vinh là lành mạnh, văn minh?

Khi Arsenal đến Việt Nam, cộng đồng người hâm mộ của CLB này đã phát điên và tìm mọi cách để chứng minh tình yêu với đội bóng. Họ tập hợp ở sân bay, giơ băng rôn khẩu hiệu, gào to tên của Wenger cùng các học trò. Họ tìm hiểu lịch đi thăm Hà Nội của Arsenal, tụ tập ở những nơi có Arsenal, đuổi theo xe chở các cầu thủ đến các địa danh của thành phố.

Những con người ấy tràn đầy nhiệt huyết, những gương mặt ấy rạng ngời hạnh phúc, cũng chỉ bởi họ đã được gặp thần tượng. Vậy niềm vui, sự nhiệt tình của những bạn trẻ khi được đối diện với các nhóm nhạc Hàn Quốc có khác biệt gì?

 
Có gì khác nhau giữa hình ảnh này...
 
... và hình ảnh này.

Khi Arsenal đến Việt Nam, một chàng trai đã bất ngờ được tôn vinh như người hùng vì đã chạy bộ 8 km theo xe của đội bóng. Báo chí hồ hởi gọi chàng là "Running man", cổ động viên nồng nhiệt chào đón chàng như một niềm tự hào của giới hâm mộ.

Hãy thử lật ngược lại vấn đề, nếu đó là hình ảnh của một fan Kpop đuổi theo chiếc xe chở nhóm nhạc Hàn Quốc, liệu truyền thông và cộng đồng mạng có dành cho nhân vật ấy sự ưu ái, khen ngợi? Hay sẽ lại là biết bao đá tảng mỉa mai "fan cuồng nông cạn", cũng như những định kiến đã in hằn vào tiềm thức của công chúng Việt từ trước đến giờ lại có cơ hội được bùng phát?

 
Nếu chàng trai này là một fan Kpop, liệu anh có được tôn vinh là người hùng?

Trong mắt fan bóng đá, Arsenal là huyền thoại, tượng đài khi mang đến cho họ những cung bậc tuyệt vời của cảm xúc. Thế nhưng, cảm xúc là thứ muôn hình vạn trạng, nó không chỉ tồn tại trong riêng địa hạt của thể thao mà còn có ở rất nhiều lĩnh vực khác. Với một số bạn trẻ, Kpop đã mang đến cho họ những thăng hoa cảm xúc như thế, họ yêu, sùng bái, cuồng nhiệt thì có gì sai?

Ngày trước, cộng đồng mạng đã nổ ra tranh cãi về giọt nước mắt của fan bóng đá và fan Kpop. Có người hùng hổ xem rằng, sự so sánh đó là khập khiễng bởi khóc cho đội bóng là khóc cho màu cờ sắc áo, khóc vì tổ quốc. Còn khóc cho thần tượng Hàn Quốc là giọt nước mắt vô vị, nhạt nhẽo, mù quáng cho một kẻ xa lắc xa lơ. Vậy những người yêu thích các CLB bóng đá nằm ở trời Tây, từng thất vọng và chán chường khi đội bóng thua cuộc trong một giải đấu lớn, liệu tình yêu ấy có phải vì màu áo cờ đỏ sao vàng Việt Nam?

Cũng chỉ là cùng yêu thích một nhóm nhạc, một đội bóng, yêu thích một thứ gì khiến chúng ta cảm thấy phấn chấn, hạnh phúc và say mê. Sao phải nâng tầm quan điểm, nhất bên trọng nhất bên khinh như thế.

 
Tuổi trẻ nào chẳng có niềm đam mê!

Còn nhớ câu cửa miệng của những người anti Kpop mỗi khi chứng kiến giới trẻ Việt cuồng nhiệt vì cơn sốt này: "Chẳng hiểu có gì hay ho mà cứ ầm ĩ lên". Đúng, không hiểu, không đồng cảm thì không cần thích. Khi không phải thích, xin đừng phán xét, châm chọc, chê bai. Cũng như có hàng triệu các bà các cô không hiểu nổi vì sao đàn ông lại đam mê bóng đá bằng luận điểm: "Có gì thú vị khi xem 22 ông mặc quần đùi đuổi theo một trái bóng".

Đam mê một thứ gì thuộc về trái tim và sở thích. Trừ khi niềm đam mê ấy không gây hại cho xã hội, còn không chẳng có gì gọi là đam mê chân chính và đam mê rẻ tiền.

Đến khi nào chúng ta mới học được cách tôn trọng sở thích của người khác và tôn trọng sự khác biệt trong một xã hội? Sở thích không làm nên đẳng cấp, chỉ có cách ứng xử với sở thích mới khiến con người chín chắn, trưởng thành hơn mà thôi.

Theo TTVN


Bình luận