"Cơ hội" cho Đàm Vĩnh Hưng làm một người con "thiện tri thức"

Để làm được một người con có hiếu trong hoàn cảnh cha mẹ đầy sai trái và tội lỗi thì người con phải phát đi một đại nguyện lớn.

Để làm được một người con có hiếu trong hoàn cảnh cha mẹ đầy sai trái và tội lỗi thì người con phải phát đi một đại nguyện lớn.

>> Cuộc sống nợ nần vì mẹ ruột của Đàm Vĩnh Hưng

Người con có hiếu phải biết rằng cha mẹ mình muốn gì, cần gì, mình có thể mua sắm được gì thì làm chứ đừng bao giờ hỏi...

Mấu chốt câu chuyện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là bởi mẹ anh được cho không phải là một người mẹ bình thường mà vô trách nhiệm và sai trái.

Nhưng như đã phân tích ở những bài báo trước, bố mẹ và con cái ràng buộc với nhau bởi nhân duyên và cộng nghiệp nhân quả ba đời với nhau. Mọi điều tồn tại trên cuộc đời này không hề ngẫu nhiên may rủi. Đôi khi ta hận người đã làm ta đau khổ nhưng ta không hề biết rằng, khi ta ghét hận người đó thì nỗi đau khổ của ta sẽ chẳng thể kết thúc mà còn bị kéo lê hết cả cuộc đời. Để rồi nó trở thành những món nợ ân oán không bao giờ dứt trong bể khổ sinh tử luân hồi.


 

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đau khổ khi livestream kể về hoàn cảnh nợ nần của mình

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đau khổ khi livestream kể về hoàn cảnh nợ nần của mình

Ở câu chuyện kể tội mẹ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, chúng tôi không bênh vực bà mẹ này. Nhưng trong bất cứ mối quan hệ nào, ngay cả mối quan hệ cha mẹ con cái, muốn phát triển mối quan hệ theo chiều hướng tích cực thì khi một người sai thì người khác càng phải đúng đắn hơn.

Hành vi kể tội mẹ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nếu có mang lợi ích thì chỉ có lợi trước mắt đó là hạn chế được số người cho mẹ Hưng vay nợ. Điều đó không có nghĩa là mẹ Hưng sẽ bỏ được cờ bạc. Một khi bà vẫn mê đỏ đen cờ bạc, nếu không ai cho bà vay tiền nữa, có thể bà sẽ xoay sang cách khác để giải quyết cơn nghiền của mình.

Cái gốc là bệnh nghiện cờ bạc của bà. Vì thế nếu muốn kết thúc vòng xoay nợ nần của Hưng thì Hưng phải chữa được bệnh nghiện cờ bạc cho mẹ.

Theo lời Phật dạy, con cái được chia thành 3 dạng con. 1 là dạng con đến báo ân, 2 là dạng con báo oán và 3 là người con thiện tri thức của cha mẹ. Dạng con báo ân và báo oán chúng tôi đã đề cập ở bài đầu tiên trong loạt bài này. Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến kiểu người con thứ 3, tức là người con thiện tri thức của cha mẹ.

Kiểu người con thiện tri thức là những người sinh ra trong gia đình gặp phải nghịch duyên nhưng đã hóa giải duyên xấu thành tốt. Đó là những người con có cha mẹ làm đủ những việc tội lỗi như cờ bạc, trộm cắp và đủ những thói hư tật xấu, lọc lừa, gian dối…nhưng chính những người con đó đã giúp cha mẹ từ bỏ đường lạc lầm mê, trở về con đường đạo đức cao cả.

Như trường hợp mẹ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, khi anh sinh ra trong hoàn cảnh gia đình và có một người mẹ như vậy chính là anh gặp nghịch duyên. Người mẹ nghiện cờ bạc thực tế đã là một con bệnh. Đã là một con bệnh thì họ sẽ rất cần được sự giúp đỡ của người khác, mà cụ thể ở đây nhân duyên đã ràng buộc cuộc đời bà với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.


 

Muốn hóa giải được nghịch cảnh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cần phát đi đại nguyện làm con thiện tri thức của mẹ mình

Muốn hóa giải được nghịch cảnh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cần phát đi đại nguyện làm con thiện tri thức của mẹ mình

Nhìn theo nhãn quan của đạo Phật, mẹ Hưng là người mang lại đau khổ cho Hưng nhưng bà lại chính là điều kiện, là cơ hội để giúp Hưng hoàn thiện đời sống đạo đức của mình. Khi Hưng làm được người con thiện tri thức (báo hiếu cha mẹ ở cấp độ cao) thì Hưng sẽ hóa giải được những nghiệp duyên trong quá khứ. Thường thử thách càng khó khăn bao nhiêu, nếu vượt qua được thì người đó sẽ đạt được những quả vị lớn lao. Lửa thử vàng là như vậy.

Không ít người có suy nghĩ một người mẹ vô trách nhiệm và tội lỗi với con như vậy không những phải tố mà còn nên “từ” mới đáng. Nhưng cách nghĩ đó là hết sức nông cạn và tội lỗi. Một người con bất hiếu có thể đuổi mẹ ra đường, nhưng người mẹ đó dù ăn sung mặc sướng hay phải rách rưới lang thang nơi gầm cầu xó chợ thì vẫn là mẹ của anh ta. Dù hàng ngày anh không nhắc một câu tới mẹ nhưng mẹ anh vẫn hiện diện trong từng hơi thở, trong dòng huyết quản, trong xương thịt của mình.

Vậy thì để làm được một người con có hiếu trong hoàn cảnh cha mẹ đầy sai trái và tội lỗi thì người con phải phát đi một đại nguyện lớn làm người con thiện tri thức của cha mẹ.

Để làm được người con thiện tri thức, đầu tiên ta phải hiểu một cách sâu sắc rằng cha mẹ là một phần trong cơ thể của mình, cha mẹ chính là mình trong một kiếp quá khứ nào đó.

Khi nghĩ được như vậy, người con sẽ không xem duyên xấu (sự đau khổ) đó là đối thủ của mình, không xem điều đó là một mất một còn mà chính là “cơ hội vàng” để vượt qua thử thách, để tu tập đức kham nhẫn chấp nhận nghịch cảnh, từ đó hóa giải điều xấu thành tốt.

Chính cách nghĩ đó sẽ điều chỉnh mọi hành vi, lời nói và việc làm giúp người con biến những nghịch duyên thành những thuận duyên để hóa giải niềm “đau khổ” thành “hạnh phúc”, biến rác” thành “hoa” như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng đề cập trong cuốn sách “Trái tim của Bụt”.

Trong bài giảng pháp Duyên nghiệp cha mẹ và con cái, đại đức Thích Đồng Thành cho rằng, việc chuyển hóa này không phải một sớm một chiều mà là dài lâu. Muốn phát triển đức kham nhẫn và bao dung thì chúng ta hãy phát đi đại nguyện làm con thiện tri thức của cha mẹ. Nếu là Phật tử, việc phát đại nguyện nên có sự gia hộ của Tam Bảo để được hộ trì.

Người con từ đó sẽ tu tập (tu tâm sửa tính để có được Từ, Bi, Hỉ, Xả), làm việc phước thiện để hồi hướng công đức đó cho cha mẹ, giúp cha mẹ hiểu được Phật pháp, kết duyên với Tam Bảo, thức tỉnh những đường nẻo tà quay về với chánh đạo, phát tâm tu tập. Cụ thể, giúp cha mẹ quy y Tam Bảo chính là khởi đầu, là sự dẫn lối cha mẹ đến con đường đạo đức. Chỉ khi chuyển hóa được những lầm lạc của cha mẹ thì người con mới có thể chuyển hóa được nghịch cảnh của mình.

Mong ước của bất kỳ người nào trong cuộc đời, dù sang hay hèn thì mục đích cuối cùng vẫn là được sống thanh thản. Cha mẹ ta cũng như bao người khác vậy. Nhưng khi họ bị lầm đường lạc nẻo thì lấy đâu ra thanh thản trong cuộc đời. Giúp cha mẹ từ bỏ đường mê nẻo tà để trở về sống đời sống đạo đức chính là cách báo hiếu khó khăn nhất nhưng cũng cao quý nhất của người làm con.

Theo GĐ&XH


Đàm Vĩnh Hưng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.