Nên trao giải Cống hiến cho Ngọc Đại?

Người nghệ sỹ phải là kẻ đi tiên phong, dám hy sinh danh dự của bản thân vì nghệ thuật.

Người nghệ sỹ phải là kẻ đi tiên phong, dám hy sinh danh dự của bản thân vì nghệ thuật.

Thưởng thức một số bộ phim điện ảnh thế giới, có những cảnh sex thực sự được ghi lại để đúng mục đích của đạo diễn. Cái mục đích này không nhất thiết cần được truyền tải đến khán giả, mà đôi khi là để thỏa mãn người làm ra tác phẩm nghệ thuật và một số ít những người dám mở lòng cảm thụ. Thế nên cảnh sex trong phim từ xưa đến nay chưa bao giờ bị xóa bỏ, dập tan: In The Realm of Senses (1976), 9 songs (2004), Antichrist (2009)...

Chúng không phải là dòng phim đại trà, không được đón nhận cởi mở, thường nằm khép mình trong khuôn khổ các viện nghiên cứu về điện ảnh. Vấn đề thường được đem ra mổ xẻ chính là ranh giới nào cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ?

Thế còn trong âm nhạc, thử nghiệm điều mới mẻ có nên chăng lặp lại những khuôn mẫu cũ? Sẽ chẳng ai dám liều lĩnh như Ngọc Đại đâu, một con đường quá nhọc nhằn nhưng anh vẫn dám một mình dấn thân và thử nghiệm, nên chăng chúng ta trao giải Cống hiến cho Ngọc Đại?

Nên trao giải Cống hiến cho Ngọc Đại? - 1

Ngọc Đại ăn, ngủ bằng âm nhạc.

Từ cái dễ đến cái khó

Đó là hành trình sáng tạo của Ngọc Đại. Những người không thích cái sự "điên" thì cũng khó mà lạ tai với giai điệu, ca từ của Hoa gạo, Dệt tầm gai hay Nhật thực. Đời sống âm nhạc phong phú hay không là ở sự dấn thân, trải nghiệm của người nghệ sỹ. Thế nên, nhờ Trần Thu Hà, người ta biết đến Ngọc Đại nhiều hơn, và ngược lại. "Mưa dầm thấm lâu", cái gì mới bao giờ cũng thường khó chấp nhận, nhưng những giá trị nghệ thuật đích thực nhất định sẽ có đất sống.

Cái dễ ở đây là dễ thấm, thấm vào lòng đất, thấm trong tâm tưởng. Người ta nghe nhạc Ngọc Đại ít ai chọn không gian cà phê sáng hay trên tivi, thế chẳng khác nào... đuổi khách. Có cái "tâm" và thời gian bỏ ra để cảm thụ Ngọc Đại, nên là khi ở một mình, hoặc trong không gian nghệ thuật đích thực với ánh đèn sân khấu. Ta cảm nhận cái hay từ lời thơ Vi Thùy Linh qua cách phổ cực ngẫu hứng mà lại không hề ngẫu hứng. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện cần phải gặm nhấm qua từng ngày để thấm thía.

Nên trao giải Cống hiến cho Ngọc Đại? - 2

Thích "đi tắt", đừng đi đường của Ngọc Đại.

Và khi đã cảm nhận thấu đáo (thực ra chẳng ai thấu đáo được tâm hồn Ngọc Đại) thì lại đâm ra... nghiện. Thế là con đường vòng quanh co của người nghệ sỹ, bắt khán giả chẳng những nghe bằng tai mà phải mở hết sáu giác quan để thức thời, nhức nhối cùng. Để rồi ai trót lỡ nặng lòng sẽ biết trước trong tâm tưởng: rồi sẽ có ngày phải điên dại, cuồng si hơn thế.

Đó chính là con đường đi của Ngọc Đại, từ cái dễ mà chẳng dễ, đến cái khó mà lại khổ vô cùng...

Ai làm nghệ thuật chả điên?

Thực ra, những bộ phim có cảnh sex dẫn chứng ở trên chỉ là một cách "hú họa" trong phạm vi rất nhỏ của 7 loại hình nghệ thuật. Nhìn rộng ra, văn chương, hội họa và điện ảnh có vẻ "dễ dãi" với người nghệ sỹ hơn cả. Thậm chí, công chúng tỏ ra rất thích, rất háo hức với những cái gọi là "trần trụi" trong 3 loại hình trên. Những điều ai cũng khao khát trong cuộc sống nhưng chẳng hiểu sao đem vào âm nhạc thì lại trở nên kệch cỡm? Hay đó là cách nghĩ tùy theo cấp độ khắt khe của mỗi người?

Nói Ngọc Đại điên thì đã "điên" từ lâu. Một dạo cùng với Thanh Lâm và Linh Dung bị các em trẻ lập hội chửi bới, thóa mạ trên mạng. Làm người nghệ sỹ khó ở chỗ nhiều khi không dám thể nghiệm cái mới vì sợ bị người ta chửi. Những thứ không giống ai thì được coi là không bình thường. Nhưng làm nghệ sỹ đại trà, chạy theo số đông thì dễ, còn nghệ sỹ phục vụ... chính mình thì chẳng ai điên (trừ Đại Lâm Linh).

Nên trao giải Cống hiến cho Ngọc Đại? - 3

Đại Lâm Linh là biểu tượng của sự sáng tạo vượt lên mọi ranh giới.

Nhưng các bạn trẻ khác làm nghệ thuật cũng điên. Nếu chẳng điên vì trì độ thì cũng là cách ăn mặc, cách nhí nhố, cách lười lao động... Riêng Ngọc Đại, chấp nhận chẳng có gì để làm nghệ thuật. Không gia đình, không tiền, chỉ có nhạc và nhạc. Anh khổ hơn nhiều người khác, chỉ miễn sao được sống hết mình với âm nhạc. Đố những người "điên" khác dám làm điều này?

Nhưng cái "điên" lớn nhất, có lẽ là việc đặt nhạc của Ngọc Đại ngang hàng với các tác phẩm thị trường. Chúng không nên (và cũng không thể!!!) xếp cùng trên kệ đĩa, chứ đừng nói đến chuyện lọt các bảng xếp hạng để cạnh tranh nhau. Như thế là xúc phạm Ngọc Đại. Nếu tác phẩm có chất xám và tình cảm, chúng sẽ sống. Còn nếu để giải trí, chúng sẽ nằm lại trong... quán karaoke.

Để yên cho Ngọc Đại

Dễ thường cứ hễ mở mồm "chửi bậy" là được nổi tiếng tràn lan trên báo chắc? Không đâu! Còn nói tục trong âm nhạc thì có đầy, một dạo nhạc chế bị lên án kịch liệt. Cái đáng nói là Ngọc Đại chẳng chửi ai, chẳng tục tíu. Nó chỉ trần trụi - mà theo cách nghĩ của nhiều người là chỉ dám nghĩ chứ không dám nói công khai, thế giống như việc chúng ta dấm dúi nói xấu sau lưng người khác vậy.

Còn Ngọc Đại xưa nay làm gì cũng ầm ĩ. Năm 2001, album Nhật thực của Hà Trần bị đình chỉ sản xuất vì ca từ khó nghe: “Trần trên cát, chúng mình tìm nhau. Anh ơi hãy ghì chặt em... Trên da thịt em thơ ngây, em khát có anh ôm ngực em siết, rồi ghì chặt vắt kiệt nụ hôn”. Rất buồn cười, khó nghe nhưng đó là lời thơ và được trích lại trên hàng ngàn đầu báo. Thế nghĩa là khó nghe nhưng dễ đọc, được phép đọc???

Sẽ là rất oan nếu nói về Đại Lâm Linh được dân ta ghét, còn người nước ngoài thích. Trên mạng cũng có hội yêu thích Đại Lâm Linh, toàn người Việt cập nhật lịch diễn và chia sẻ clip cho nhau. Thế nghĩa là Ngọc Đại không cô đơn, công chúng ủng hộ anh bằng cách này hay cách khác cũng đều rất quý. Âm thầm gửi một cánh thư, nghe một ca khúc hay ấn nút "Like" mà không dám cho ai biết, thế cũng là ủng hộ.

Nên trao giải Cống hiến cho Ngọc Đại? - 4

Nên chăng tổ chức hội thảo về Cái nường 8x?

Về chuyện "Thằng Mõ 1", tôi chưa thấy tăm hơi nó đâu, chỉ được đọc báo. Đâu có dễ mà tìm mua được sản phẩm vốn chỉ mang tặng với số lượng ít ỏi này? Đầy người cũng chưa nghe, nhưng đọc được báo trích câu "phóng tinh trùng đi" thì lập tức nâng cao quan điểm như sau:

"Tôi không biết ông là ai, nhưng những gì ông đã suy nghĩ trong đầu và viết ra (tự gọi là sáng tác) cho là nghệ thuật và tự in ra phát tán. Nếu nội dung đó vô thưởng vô phạt thì không ai ý kiến gì, tuy nhiên, những gì ông viết ra thật sự là không hợp với ngôn từ và đó không phải là nghệ thuật. Nếu việc ông tự viết ra và để tự mình thưởng thức khi không sao cả, ông viết ra, ông phát tán cho người khác nghe, thì ông cần phải có ý thức với người nghe, với cộng đồng và với xã hội, trong đó có cả người thân của ông cũng sẽ nghe và họ sẽ nghĩ gì?".

Nếu tất cả chúng ta đều biết có ý thức với cộng đồng và xã hội, xin thưa mọi thứ sẽ thật hoàn hảo, không cần phải bàn cãi. Còn chuyện "người thân của Ngọc Đại sẽ nghĩ gì" thì đó là việc của gia đình họ, sao phải đứng ngoài cổng góp ý cho gia đình người ta làm gì?

Cũng chẳng ai ép cả thế giới phải nghe sản phẩm âm nhạc của Ngọc Đại. Khán giả có quyền lựa chọn, dễ dãi khắt khe là tùy tính cách mỗi người. Người đến với nhạc Ngọc Đại chẳng dễ dãi, cũng chẳng khắt khe, mà tôi nghĩ đó là những người cầu tiến. Họ không nghe nhạc Ngọc Đại chỉ để biết nốt cao, nốt thấp, thế thì quá phí. Nghe để cảm thức, để lý giải, để hiểu về thế sự, đó mới là cống hiến trong nghệ thuật.

Thế cho nên nhà phê bình Thụy Kha đề xuất ý kiến tổ chức hội thảo về nhạc Ngọc Đại là hợp lý. Không nên bàn về nghệ thuật qua mấy dòng comment vô thưởng vô phạt, hay như một cách chuyện gẫu nơi công sở. Để cho những người làm nghệ thuật tìm cách hiểu và lý giải lẫn nhau, như thế hợp lý hơn, mà người nghệ sỹ cũng có dịp giải tỏa nỗi lòng mình nhiều hơn.

Dù sao, làng nhạc cũng đã rất vui và nhộn nhịp mấy ngày qua nhờ Ngọc Đại, đó cũng là một cách cống hiến ít ai làm được.

Theo Eva



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.