The Voice Kids, Đô-rê-mí ''đánh cắp'' sự hồn nhiên của trẻ em?

Sẽ là phản tác dụng nếu biến các cuộc chơi đó thành chuyện ăn thua “một mất một còn” trên truyền hình.

Sẽ là phản tác dụng nếu biến các cuộc chơi đó thành chuyện ăn thua “một mất một còn” trên truyền hình.

 Đồ-rê-mí và The Voice Kids là hai chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc dành cho thiếu nhi đang được phát sóng đồng thời. Có cùng chung mục tiêu là tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí nhưng hai chương trình lại có nhiều điểm trái ngược. Những trái ngược ấy khiến những người lớn chúng ta phải suy nghĩ.
 

Bên hướng nội, bên sính ngoại

Một trong những điểm trái ngược đầu tiên của hai chương trình dành cho thiếu nhi này là việc lựa chọn bài hát. Nếu Đô-rê-mí sử dụng hầu hết các ca khúc tiếng Việt thì The Voice Kids lại sử dụng chủ yếu các bài hát tiếng Anh. Nhạc sỹ Thanh Bùi – huấn luyện viên của The Voice Kids đôi khi cũng đưa ra cách diễn đạt tiếng Việt không chuẩn để nhận xét về phần biểu diễn của các thí sinh.

Tuy nhiên, khi được hỏi về thực trạng việc sử dụng quá nhiều ca khúc tiếng Anh, vị nhạc sỹ sinh ra và lớn lên ở Úc lại cho rằng: “Hỏi bé là có muốn hát nhạc Việt không, bé trả lời: "Dạ không, con ghét nhạc tiếng Việt lắm". Bé còn nói nhạc tiếng Việt bị sến và quá nặng nề, nó không những muốn hát về tình yêu mà những cái khác nữa, có hy vọng nhiều hơn”.

Giọng nói kiểu “người nước ngoài nói tiếng Việt” của Thanh Bùi cùng câu chuyện mang đầy “tâm trạng” của anh đã được Đồ-rê-mí chứng minh ngược lại. Đa số các bài hát được các em sử dụng trong Đồ-rê-mí đều là những ca khúc tiếng Việt. Phải chăng những em thiếu nhi tham gia The Voice Kids sống ở một khu vực khác, môi trường văn hóa khác nên có suy nghĩ khác, sở thích khác? Hay những em hát tiếng Việt đều ở những vùng quê hẻo lánh, không biết tiếng Anh nên “đành” phải hát bằng tiếng Việt?

Các em thiếu nhi luôn cần một định hướng đúng đắn, một  sự chỉ bảo cần thiết để các em có thể hoàn thiện nhân cách và tri thức của mình. Việc “ghét tiếng Việt” (nếu có) rõ ràng là một suy nghĩ tiêu cực cần được uốn nắn. Và người “uốn nắn” để các em không “ghét” tiếng Việt trong The Voice Kids không ai khác là các vị huấn luyện viên.

Tuy nhiên, khi vào vòng Đối đầu tại The Voice Kids, vẫn có quá nhiều bài hát tiếng Anh. Rõ ràng ở phần này, việc chọn bài không phải do các em quyết định mà là sự lựa chọn của các vị huấn luyện viên. Phải chăng, đang có một sự định hướng sử dụng ca khúc tiếng Anh trong chương trình vốn đã và đang rất “sính ngoại” này?
 

Đồ-rê-mí sử dụng đa số các ca khúc tiếng Việt. Tuy nhiên, chương trình này cũng cho chúng ta thấy sự thiếu thốn thực sự các ca khúc dành cho thiếu nhi. Đa số ca khúc được các em sử dụng đều là những tác phẩm đã quá quen thuộc với các thế hệ thiếu nhi Việt. Không có nhiều những ca khúc mới được đưa vào biểu diễn.

Điều này giải thích vì sao The Voice kids được đánh giá là hot hơn Đồ-rê-mí. Đồng thời, nó cũng đặt ra cho những nhạc sỹ, những người làm công tác giáo dục cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa để ngày càng có nhiều ca khúc hay, phù hợp với lứa tuổi và tâm lý của các em.

Nước mắt “đánh cắp” sự hồn nhiên?

Một trong những điểm chung hiếm hoi của hai chương trình này là nước mắt. Những em bị loại sẽ ra về với những giọt nước mắt đắng đót trên mi mắt. Đặc biệt, ở The Voice kids, ba thí sinh cũng phải “đối đầu” với nhau và sau 1 bài hát sẽ có hai em phải ra đi.
 

Nước mắt không thể thiếu trong những cuộc chiến một sống một còn ấy. Em bị loại: khóc, huấn luyện viên: khóc và phụ huynh cũng khóc. Những màn khóc quá nhiều làm tăng tính ăn thua của cuộc thi. Rõ ràng, việc bị loại là một điều gì đó quá ghê gớm đối với các em. Tâm lý ăn thua đã làm mất đi sự hồn nhiên trong sáng của các em.

Việc tổ chức nhiều sân chơi cho các em thiếu nhi sẽ góp phần làm cho đời sống tinh thần của các em trở nên phong phú hơn. Tuy nhiên, sẽ là phản tác dụng nếu biến các cuộc chơi đó thành chuyện ăn thua “một mất một còn” trên truyền hình.

Theo Nguoiduatin.vn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.