Truyền hình thực tế là phải khóc?

Từ Vietnam’s Got Talent, Đồ Rê Mí đến The Voice, chương trình nào cũng thấy nước mắt của cả thí sinh và giám khảo khiến khán giả phải đặt câu hỏi “Liệu có phải truyền hình thực tế là phải khóc?”

Từ Vietnam’s Got Talent, Đồ Rê Mí đến The Voice, chương trình nào cũng thấy nước mắt của cả thí sinh và giám khảo khiến khán giả phải đặt câu hỏi “Liệu có phải truyền hình thực tế là phải khóc?”

Thực thực giả giả

Đã có rất nhiều show truyền hình thực tế nổi tiếng trên thế giới có sức hút  mãnh liệt nhưng có lẽ cậu bé 9 tuổi Uudam sẽ là cái tên để lại dấu ấn khó phai nhất. Dù không thể hiểu được ý nghĩa của bài hát Mother In The Dream (Mẹ về trong giấc mơ) mà cậu bé người Mông Cổ thể hiện nhưng giọng hát u uất, đầy cảm xúc của Uudam đã khiến tất cả khán giả vỡ òa trong nước mắt.

Chính số phận bất hạnh của cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ đã khiến giọng hát của em trở nên u uất và nhận được sự đồng cảm của khán giả. Tại cuộc thi, Uudam tâm sự: “Ước mơ của cháu là tạo ra một loại mực, mà khi nhỏ xuống đất, nó sẽ biến cả trái đất thành cánh đồng xanh tươi”. Cậu bé chọn ca khúc Mother In The Dream bởi: “Cháu thường hát bài này mỗi khi nhớ đến mẹ”.

Cậu bé Uudam đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả bằng giọng hát u uất, mặc dù em không hề khóc

Thể hiện lại ca khúc này trong cuộc thi Đồ Rê Mí 2012 trong đêm thi Hát ru, cậu bé 10 tuổi Trần Nhật Tiến cũng khóc như mưa trên sân khấu. Nhưng nếu Uudam nhận được sự đồng điệu của tất cả khán giả thì phần trình của Nhật Tiến lại khiến dư luận nổi bão.

Bên cạnh các ý kiến đồng tình thì không ít cư dân mạng đã tỏ ra khó chịu với phần biểu diễn mà theo họ là màn kịch. Một khán giả chia sẻ: “Mình không khắt khe hay là ném đá nhưng 1 đứa trẻ tình cảm yêu quý mẹ cứ hát về mẹ là khóc hay sao? Khi mà em vẫn có mẹ bên cạnh hằng ngày, vẫn chăm sóc cho em, không đến nỗi hát tặng mẹ, hát về mẹ lại cứ phải nức nở huhu giữa sân khấu cuộc thi vậy à? Nếu đây chỉ là hát ở nhà hay văn nghệ trường liệu có khóc nức nở ngon lành thế không? Thật khó hiểu và làm cho mình 1 cái cảm giác khó tả về cái cách chương trình làm, vô hình trung làm mình thấy không thích Nhật Tiến, thấy màn biểu diễn giả tạo và diễn quá đà”.

Nhật Tiến khóc như mưa trong chương trình Đồ Rê Mí gây nhiều tranh cãi, có người cảm động nhưng có người cảm thấy "dị ứng"

Không chỉ khóc trên sân khấu, đến khi xuống giao lưu với giám khảo và thậm chí tận lúc công bố kết quả, cậu bé còn khóc nức nở hơn. Việc khóc dai dẳng như thế mang đến cho người xem cảm giác không thật cũng là điều khó tránh khỏi. Bảo vệ cậu bé,Châu Anh và Trấn Thành, hai giám khảo cũng đã khóc rất nhiều với tiết mục của Nhật Tiến cam kết rằng họ là nhân chứng sống trong khoảnh khắc thăng hoa ấy của Nhật Tiến. Không có một sự sắp đặt nào từ trước, kể cả trước lúc ra sân khấu, Nhật Tiến cũng không có ý định khóc. Thế nhưng, ngay cả những giọt nước mắt của họ cũng bị cho là diễn nốt.

Đây không phải là lần đầu tiên giám khảo và thí sinh của một chương trình thực tế bị chỉ trích là giả tạo khi khóc. Còn nhớ trong mùa Vietnam’s Got Talent đầu tiên hồi năm ngoái, Thúy Hạnh cũng liên tục bị buộc tội là diễn thái quá khi liên tục khóc khi nghe các ca khúc cảm động. Thậm chí, cô gái xương thủy tinh Phương Anh cũng bị nghi ngờ là lấy nước mắt để làm mềm lòng khán giả khi lúc nào cũng thấy cô khóc.

Việc cậu bé khóc dai dẳng càng khiến cho khán giả hoài nghi về kịch bản "diễn xuất"

Mới đây nhất phần trình diễn của Tiêu Châu Như Quỳnh trong đêm thi cuối cùng của Vòng giấu mặt The Voice cũng đã gây “náo loạn” cộng đồng mạng. Rất nhiều khán giả băn khoăn vì không có lý do gì khiến cô ấy có thể khóc nức nở từ lúc trên sân khấu đến lúc vào tận hậu trường như thế. Thứ nhất là bài hát không có gì xúc động, thứ hai Như Quỳnh gần như đã là ca sĩ nên việc bốn vị huấn luyện viên quay lại cũng không có gì quá bất ngờ đến nỗi phải bật khóc nức nở như vậy. Hồ Ngọc Hà, người đã thút thít khi thấy Như Quỳnh khóc cũng bị cáo buộc là “đồng phạm” của thí sinh trong vở kịch “khóc lóc” này.

Cảm thông hoặc coi thường

Im lặng suốt mấy ngày trước nghi vấn trên, cuối cùng Như Quỳnh cũng lên tiếng: “Điều hạnh phúc lớn nhất của một người ca sĩ đó là cảm nhận được tình cảm yêu thương của tất cả khán giả. Quỳnh khóc vì Quỳnh đã làm được, đã thể hiện hết sức mình và nhận được chính sự đồng cảm của nhiều người. Quỳnh còn khóc bởi vì đã vượt qua rất nhiều dư luận khi đi thi. Quỳnh cũng là con người, cũng có cảm xúc và không có việc gì khiến mình có thể giấu diếm cảm xúc của mình cả. Cảm thấy xúc động thì cứ khóc!”.

Ca sĩ Lam Trường, chú của Tiêu Châu Như Quỳnh cũng khẳng định là cháu anh khóc thật. Anh giải thích lí do: “Là một ca sĩ, lại từng đoạt nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi âm nhạc, chắc chắn khi tham gia sân chơi The Voice, Quỳnh sẽ chịu nhiều áp lực, chẳng hạn như nếu hát tệ, sẽ bị khán giả chê cười. Chính vì chịu nhiều áp lực nhiều nên khi trình diễn xong bài hát, nghe tiếng vỗ tay của khán giả, cùng những lời khen ngợi của 4 vị giám khảo, chắc chắn một cô gái như Quỳnh sẽ vỡ oà hạnh phúc bằng nước mắt. Quỳnh đã dâng trào một cảm xúc trong một khoảnh khắc rất đặc biệt. Tôi có thể nói: Quỳnh đã khóc thật”.

Tiêu Châu Như Quỳnh cũng gây tranh cãi với những giọt nước mắt khó lý giải tại The Voice

Cựu người mẫu Thúy Hạnh cũng đã từng trút lòng về nghi vấn diễn thái quá: “Nhiều người nói tôi “diễn” hơi quá như rơi nước mắt trước phần trình diễn của một số thí sinh. Nhưng thực tế, chúng tôi và các khán giả tại trường quay là những người cảm nhận bằng cảm xúc lần đầu tại chính không gian, đúng thời điểm đó, khoảnh khắc đó. Với 160 tiết mục dự thi tôi chỉ rơi lệ đúng 2 tiết mục đã được chọn phát sóng. Trong cuộc sống cũng có rất nhiều cách khóc, vui khóc, buồn khóc, cảm động khóc, sợ hãi khóc, giận quá cũng khóc… tất cả chỉ là việc biểu lộ cảm xúc của bản thân mà thôi”.

Những bộc bạch trên là thật hay ngụy biện, đó là tùy cảm nhận của mỗi người. Thật khó để phân định trường hợp nào là khóc thật, trường hợp nào là “chiêu trò câu khách” ngoại trừ những trường hợp rõ ràng đã bị bóc mẽ. Gần đây có quá nhiều người đem nước mắt lên sân khấu để “lấy lòng” khán giả mặc dù việc khóc lóc chẳng ăn nhập gì đến hoàn cảnh hay ca khúc, thậm chí còn hát nhép.



Thúy Hạnh nhiều lần bị cho là diễn thái quá trên ghế nóng Vienam's Got Talent hồi năm ngoái

Việc này đã ảnh hưởng không ít đến những nghệ sỹ chân chính khóc trong những giây phút thăng hoa đích thực của nghệ thuật. Nhưng những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim, còn nếu không nó sẽ bị phản tác dụng và những gì bạn nhận được chỉ là sự coi thường của khán giả. Bạn tưởng là bạn diễn giỏi nhưng đôi mắt và trái tim của khán giả còn nhạy cảm và tinh tường hơn.

Xin mượn lời ca sĩ Thái Thùy Linh để khép lại bài viết này: “Hiện nay các bạn trẻ tham gia các cuộc thi về âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung đang quá lạm dụng việc khóc lóc để nhận được sự “cảm thương” của khán giả. Nhưng khán giả là những người tinh tường, khi các thí sinh lạm dụng khóc lóc, họ sẽ chỉ nhận được hoặc là sự cảm thông hoặc là sự coi thường”.

Theo Khám phá


 


Bình luận