Những món quà vặt "cộp mác" Sài Gòn

Sài Gòn là thiên đường của quà vặt trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến bánh tráng trộn, bắp xào, bò bía, phá lấu...

Sài Gòn là thiên đường của quà vặt trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến bánh tráng trộn, bắp xào, bò bía, phá lấu...

Bánh tráng trộn

Món quà vặt mà Sài Gòn tự hào nhất chắc chắn là bánh tráng trộn. Bánh tráng trộn không đơn giản chỉ là món ăn vặt, nó còn là món đặc sản của một thành phố vốn dĩ chỉ toàn tập trung món ngon vật lạ của các vùng miền khác. Một lời tự giới thiệu rất Sài Gòn – thành phố “trộn lẫn” nhiều con người đến từ nhiều vùng khác nhau.

 
 
Bắp xào

Bắp xào ban đầu không nhiều xe bán nhưng dần dần món ăn này trở thành quà vặt nổi tiếng thành phố, đi đâu cũng thấy, công viên hay cổng trường học nào cũng tìm ra. Bắp xào chỉ là bắp nếp hay hạt bắp mỹ xào với bơ, ruốc tôm và hành lá, một số nơi bán có thêm hành phi, lạp xưởng... Hộp bắp xào chỉ khoảng 10.000 đến 15.000đ, nhưng ai ăn rồi cũng thèm, ai ngửi qua bụng cũng cồn cào. Bắp xào có mặt ở nhà hàng sang trọng, nhưng nếu muốn ăn ngon, chắc chắn chỉ có ra khu Hồ Con Rùa quận 3 và mua một hộp bắp bình dân, ngồi trên ghế đá nhìn dòng xe xuôi ngược.

 
 
Bò bía mặn/ngọt

Người ở xứ khác, nhất là miền Bắc, sẽ khá xa lạ với bò bía. Bò bía và gỏi cuốn có gì khác nhau? Vì sao lại gòi là bò bía, có thịt bò à? Bò bía khác gỏi cuốn vì cuốn bò bía nhỏ hơn, bên trong cuốn gồm củ cải trắng hầm mềm, rau sống, xà lách tươi, lạp xưởng và ruốc tôm. Khi ăn chấm với tương ngọt. Cuốn bò bía ít ỏi lắm nên một khi đi ăn phải ăn hàng chục cuốn. Vừa vui tay, vừa vui miệng.

Bò bía ngọt cũng làm một dạng món “cuốn” nhưng dùng lá bánh tráng đậu xanh, cuốn dừa nạo, kẹo đường và rắc mè đen. Cả hai thể loại bò bía trên đều là những món quà vặt lâu năm ở Sài thành, gắn bó với nhiều thế hệ học trò mà nay hẳn đã làm ông bà rồi.

 
Phá lấu

Phá lấu – lòng bò được làm sạch và ninh mềm trong nước dừa, có thêm nước cốt dừa để nước dùng béo ngậy, gia vị nhiều bột ngũ vị hương. Phá lấu vốn là món của người Hoa nhưng từ rất nhiều năm qua, đây đã là món ăn vặt mà chỉ ở Sài Gòn mới tìm ăn được và mới được yêu thích nồng nhiệt như thế.

 
Phá lấu qua nhiều năm bắt đầu có nhiều biến thể: bánh mì phá lấu, mì gói phá lấu... Dù chế biến từ nội tạng động vật, nhưng phá lấu là món ăn đặc biệt với người Sài Gòn, đến nỗi dù bao lời cảnh báo về độ an toàn vệ sinh thực phẩm của món ăn này, bao nhiêu thế hệ người thành phố vẫn mê mẩn mùi thơm và cái dai giòn của lòng bò nấu béo ngậy.


Hủ tiếu gõ

Tuy món ăn có nguồn gốc từ Campuchia nhưng hủ tiếu ở Sài Gòn là món ăn vừa thông dụng, bình dân nhưng cũng gần như độc nhất. Ra các vùng phía Trung, phía Bắc, sẽ không lạ nếu nhiều người chẳng biết món hủ tiếu ngon đến thế nào. Hủ tiếu Sài Gòn đủ loại, từ đắt tiền đến bình dân, chợ nào hẻm nào cũng có nhưng hủ tiếu gõ đêm dường như là “đặc sản” của Sài Gòn. Tô hủ tiếu nhỏ với vài lát thịt mỏng, tóp mỡ, hành hẹ, đến cùng tiếng gõ lách cách thay tiếng rao là điều nhiều người tha thiết nhớ về Sài Gòn khi đi xa.
 
 
Bánh mì thịt

Bánh mì Sài Gòn cứ bánh mì là phải đi kèm với tên của thành phố này phía sau. Bánh mì thì vùng nào chẳng có, nhưng ở Sài Gòn bánh mì thịt có ở khắp nơi. Bánh mì thịt Sài Gòn ngon vì cái hối hả, cái đầy đặn, ngon vì những sự mới mẻ hợp thời. Bơ trong bánh từ vàng đặc đã dần trắng hơn, thịt từ mỡ đã chuyển sang nạc hơn..., bánh mì Sài Gòn nay cũng đa dạng hơn với chả cá, xíu mại, bì... nhưng kiểu ăn bánh mì kẹp rất năng động và thể hiện rõ nhịp sống vội vàng, tất bật thế này, hẳn chỉ có thể tìm thấy ở đây.
 
bánh mì

Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.