Bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh: 1.700 tỉ là cái giá... phi lý

Vấn đề bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh 3 mùa 2016-2019 đang rất “nóng”.

Vấn đề bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh 3 mùa 2016-2019 đang rất “nóng”. Theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV) thì họ đã ra “tối hậu thư” cho Cty MP&Silva (nhà phân phối bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh ở Việt Nam) xác định thời hạn cuối cùng để đàm phán là ngày 10.4.2016.

Thế nhưng, một thông tin hậu trường đã khiến làng truyền hình trả tiền Việt Nam rúng động: “MP&Silva đã ngầm bắt tay với một đối tác Việt Nam” và cái giá để độc quyền toàn bộ giải đấu này trong 3 năm là khoảng 80 triệu USD - tương đương 1.700 tỉ đồng.

Vì sao vẫn cố gắng mua bằng được?

Ông Lê Đình Cường - Tổng thư ký VNPay TV cho rằng quan điểm của VNPay TV đã được các đài và Bộ TTTT ủng hộ là “không mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh bằng mọi giá” và “mức giá không tăng cao hơn 20% giá bản quyền các mùa giải trước”.

Các đây 3 năm, VTV thông báo đã được Canal Plus - đơn vị chiếm 49% cổ phần trong Công ty Cổ phần Truyền hình số vệ tinh VSTV (đơn vị sở hữu thương hiệu K+), đã mua được gói bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh 3 mùa 2013-2016 và chuyển cho K+. Dư luận lúc ấy đã vô cùng bức xúc vì VTV nắm 51% cổ phần ở VSTV nhưng lại để Canal Plus có số lượng cổ phần ít hơn quyết định một vấn đề rất hệ trọng liên quan tới công việc nội dung của VSTV. Điều quan trọng chính là việc K+ là đơn vị hưởng lợi nhất dù liên doanh VSTV cũng phải mất hơn 40 triệu USD. Khi đó VTV đưa tất cả vào “sự đã rồi”.

Mặc dù phía K+ đã có văn bản gửi VNPay TV cho rằng đã quá “chậm chạp” trong triển khai và “Hiệp hội cần để các đơn vị có nhu cầu tự chủ động việc thực hiện mua bản quyền truyền hình hợp với pháp luật và nhu cầu kinh doanh, đáp ứng nhu cầu khán giả và ý kiến chỉ đạo của cơ quan nhà nước”.

Nhiều chuyên gia cho rằng động thái này của VSTV như là tạo điều kiện để “bổn cũ soạn lại” và “đặt mọi chuyện ở sự đã rồi”.Bình luận viên Vũ Quang Huy chia sẻ: “Không thể để công ty nước ngoài thao túng giá bán bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh như từ trước tới nay. Nếu cần có thể không mua, hoặc mua thì phải kiểm soát được về giá, cách mua, cách chia”. Ông Huy cũng chia sẻ thêm thông tin nhiều nước như Singapore hay Trung Quốc đều đã kiểm soát được việc mua và chia sẻ bản quyền Ngoại hạng Anh…

Tuy nhiên, miếng bánh bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh quá hấp dẫn và hiện tại đã có thông tin tiết lộ rằng MP&Silva - đơn vị nắm giữ bản quyền Ngoại hạng Anh 3 mùa 2016-2019 ở Việt Nam, đã tìm được đối tác mua lại bản quyền với giá 80 triệu USD, gấp đôi số tiền mà K+ được cho là đã bỏ ra để mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh 3 mùa 2013 - 2016.

Có cần thiết “nhà nghèo mà chơi iPhone”?

Việc đối tác đưa ra cái giá “trên trời” là 80 triệu USD, tương đương 1.700 tỉ đồng cho bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh 3 mùa bóng được ví như “nhà nghèo mà chơi iPhone”. Đại diện VNPay TV cho rằng: “Nếu đây là sự thực thì thật sự rất khó chấp nhận trong cảnh nền kinh tế đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nợ công tăng cao, bội chi ngân sách lớn, còn viện trợ ODA sắp sửa bị cắt giảm hoàn toàn. Đất nước đang khó khăn, đang rất cần ngoại tệ để xốc dậy nền kinh tế như vậy, mà bỏ ra tới 80 triệu USD, tương đương gần 2.000 tỉ đồng để mua bản quyền truyền hình một giải bóng đá nước ngoài thì đấy là sự lãng phí nghiêm trọng”.

Không những thế, các chuyên gia phân tích rằng nếu tận dụng công nghệ thì hoàn toàn có thể xem Ngoại hạng Anh. Các năm vừa qua, những người không đủ khả năng tài chính để xem trên truyền hình đã chọn cách xem thông qua các ứng dụng OTT và các cộng đồng chia sẻ nội dung truyền hình như SopCast. Ngoài ra, hiện đang có rất nhiều giải đấu khác hấp dẫn không kém Ngoại hạng Anh như giải bóng đá Tây Ban Nha, Italia, Đức đang được cung cấp tới người dùng miễn phí hoặc với giá rẻ hơn rất nhiều.

Theo Lao động

truyền hình

Bản quyền

giải ngoại hạng Anh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.