Người Anh sai lầm khi bỏ rơi Beckham?

Olympic 4 năm mới có một lần, nhưng người Anh có thể sẽ phải mất hàng chục năm mới tìm ra một biểu tượng toàn cầu như David Beckham và sự vắng mặt của anh trong đội hình tuyển Vương quốc Anh ở một dịp trọng đại thế này có thể là một sai lầm.

Olympic 4 năm mới có một lần, nhưng người Anh có thể sẽ phải mất hàng chục năm mới tìm ra một biểu tượng toàn cầu như David Beckham và sự vắng mặt của anh trong đội hình tuyển Vương quốc Anh ở một dịp trọng đại thế này có thể là một sai lầm.

Ký giả Henry Winter của tờ Daily Telegraph viết: “Becks xứng đáng được tôn trọng hơn”. Matt Dickinson của tờ The Times thốt lên: “Sốc vì tin về Beckham” và John Cross của tờ The Mirror còn biểu lộ mạnh mẽ hơn: “Choáng váng thật. Beckham xứng đáng được chọn ở mọi cấp độ”. Thậm chí một cây viết người Italia, Tancredi Palmeri, còn so sánh việc Becks vắng mặt ở Thế vận hội năm nay với sự thiếu vắng Roberto Baggio ở World Cup 2002.

Cựu đội trưởng đội tuyển Anh truyền cảm hứng cho tất cả những ai từng xem anh thi đấu, bằng sự nhiệt tình và chuyên nghiệp nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp của mình. Ở đất nước phát minh ra bóng đá, thái độ có giá trị không kém gì trình độ, và Becks luôn chơi như thế anh cống hiến 100% ý chí từng phút giây có mặt trên sân.

Beckham (phải) chụp hình cùng huyền thoại boxing Muhammed Ali vào ngày 24/7,bên lề công tác chuẩn bị Olympic 2012

Trên hết, Becks đã là một biểu tượng thể thao toàn cầu, người đã tối đa hóa được giá trị thương hiệu của mình ngoài sân cỏ không kém (thậm chí còn vượt xa) tài năng thật sự của anh trên sân. Hiện tại, anh là vị trí chủ lực của nhiều thương hiệu quảng cáo, bao gồm Brylcreem, Gillette, Pepsi, và thậm chí là cho cả nhãn hiệu thời trang mang tên anh. Forbes từng công bố rằng trong 4 năm có Becks, doanh số bán hàng hóa của Real Madrid đã tăng đến 600 triệu USD! Trong danh sách các cầu thủ được trả lương cao nhất trên thế giới hiện nay, Becks còn vượt cả các ngôi sao hay nhất của bóng đá thế giới đương đại là Cristiano Ronaldo (Real Madrid) và Lionel Messi (Barcelona).

Tiền vệ 37 tuổi này đang chơi ở MLS, một giải đấu bị đánh giá là kém xa so với các giải châu Âu, nhưng Becks vẫn tiếp tục chinh phục thành công một trong những thị trường “khó nhằn” bậc nhất của thế giới, vẫn bằng thái độ chuyên nghiệp, cách cư xử chuẩn mực, đàn ông, và cả những đóng góp thực tế trên sân cỏ.

Tám tháng trước, anh giúp Los Angeles Galaxy lần thứ ba giành chức vô địch MLS, và được đánh giá là một trong ba cầu thủ quan trọng bậc nhất của đội bóng mùa trước, bên cạnh tiền đạo Landon Donovan và Omar Gonzalez. Vào giữa tháng này, sau khi biết tin bị loại khỏi danh sách đội tuyển Vương quốc Anh, Becks trả lời bằng cú đúp đẳng cấp vào lưới Portland Timbers, một cú đá cầu vồng ở cự ly chừng 35 mét và sau đó là pha sút phạt hàng rào chuẩn xác. Cảm giác của anh trong những pha bóng sở trường như thế chưa hề thuyên giảm, ở tuổi 37.

Một sự bất công?

Sự nổi tiếng toàn cầu và cách kiếm tiền dựa trên thương hiệu đã được xây dựng khiến Becks phải chịu những định kiến rằng anh chỉ là một công cụ marketing. Nhưng thái độ thi đấu, cách anh dũng cảm vượt qua những cú sốc trong sự nghiệp (chiếc thẻ đỏ vì pha đá vào chân Diego Simeone của Argentina ở World Cup 1998 là một ví dụ), và những gì Becks đã giành được, ngay cả khi ở một giải đấu xa xôi mà người ta cho rằng anh đến chỉ để “dưỡng già”, cho thấy khát khao nghề nghiệp vẫn là ưu tiên hàng đầu của Becks.

Thương hiệu của anh, vẫn như từ trước đến giờ, được xây dựng một cách rất tự nhiên, đàng hoàng, không hề mang tính chiêu trò, đánh bóng. Sự nổi tiếng của Becks là duy nhất, vì nó vượt qua nhiều biên giới thời gian và không gian, và ngay tại một đất nước mà bóng đá chỉ được gọi là “Soccer” (Football dùng để chỉ bóng bầu dục), thì Becks vẫn chiến thắng.

Chúng ta cũng cần phải thừa nhận thẳng thắn rằng Olympic không phải là một giải đấu thu hút bằng những ngôi sao, mà thường được chú ý bởi những vận động viên ít người biết đến, đến từ một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó trên hành tinh và vượt qua nhiều gian khổ để vươn đến bục podium. Vì thế, việc một cầu thủ như Becks xuất hiện có thể tạo ra hiệu ứng ghê gớm. Và đừng quên rằng hình ảnh của anh đã được sử dụng để nước Anh chiến thắng trong cuộc vận động đăng cai Olympic London 2012.

Olympic lần này được coi là một cơ hội giúp người Anh vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công trên toàn châu Âu và tạo điều kiện cho hàng vạn người có việc làm, và sự có mặt của Becks có thể mang một ý nghĩa to lớn. Tất nhiên, HLV Stuart Pearce có lý do của ông với một quyết định được cho là thuần túy chuyên môn, nhưng như đã nói, Becks không hề chơi tồi và thiếu quyết tâm ngay cả khi đã 37 tuổi. Cũng không ai dám chắc rằng nếu Paul Scholes (cũng 37) và Ryan Giggs (38, cũng góp mặt trong đội hình Vương quốc Anh lần này) là một thương hiệu toàn cầu như Becks, liệu họ có phải chịu đựng định kiến rằng sự có mặt của mình chỉ có ý nghĩa trên phương diện quảng cáo?

Mà ngay cả với mục đích chuyên môn, thì một đội tuyển được góp nhặt từ 4 quốc gia thành viên và sẽ giải tán sau khi Olympic kết thúc không phải là nơi “ươm mầm” cho điều gì cả. Gạt bỏ Becks trong trường hợp này là một quyết định thiếu công bằng đối với anh, và một tổn thất lớn cho người Anh, lẫn những ai yêu mến Becks trên toàn cầu. Một cầu thủ xứng đáng để yêu mến và đối xử khác với thông thường.

Theo TT&VH
 


Bình luận