Bóng đá Việt và chuyện "ăn xổi ở thì"

Có một điều dễ thấy là tư tưởng nóng vội, ăn non, ăn xổi bám rễ khá sâu trong làng bóng đá Việt.

Có một điều dễ thấy là tư tưởng nóng vội, ăn non, ăn xổi bám rễ khá sâu trong làng bóng đá Việt. Với suy nghĩ có tiền là có thành tích, người ta mua sắm thầy giỏi, trò giỏi cùng với nhiều chiêu trò khác liên quan tới tổ chức, trọng tài, khen thưởng, kỷ luật…đã có một vài CLB vào giải là có cúp vô địch, rồi dễ thì chơi, khó thì bỏ.

Có người sau thời kỳ đầu ăn xổi, đã tập trung làm bóng đá trẻ một cách căn cơ, mới có chút hy vọng nhưng rồi “bệnh” cũ tái phát, đâu lại vào đó. Túng thì tính, ở đây đã lại bộc lộ nguyên hình bản chất của kiểu làm bóng đá chụp giật, dù người ta thường nói ra những lời lẽ hoa mỹ, cao siêu, lại được bơm thổi bởi một vài nơi chỉ biết lợi ích trước mắt, cá nhân mà cố cãi, không vì lợi ích chung, lâu dài.

Ngay cả nơi được coi là có truyền thống đào tạo trẻ như lò SLNA, cũng thấy việc thường xuyên đưa đội U15 đi đá giải U17 và cứ cho “gánh nặng hơn có thể”. Một vài thành công đáng tự hào so với trong nước, còn bước ra ngoài thì thấy ngay kết quả đó không là gì cả. Thì đây, có quân SLNA bài bản, trẻ mà già rơ hay quân Viettel, quân VPF…cứ gặp Thái Lan là “tắt điện”, càng hăng càng thua đậm.

Bóng đá Việt, U19, Thái Lan, Việt Nam

Tư tưởng nóng vội, ăn non vẫn tồn tại trong làng bóng đá Việt.

Hóa ra, bóng đá Việt lâu nay đã dùng hết sức mạnh của các lò Thể Công, SLNA, HAGL và nay là Viettel, VPF, Bình Dương…để “chiến đấu” với người Thái nhưng phần thua luôn thuộc về phía nóng vội, muốn ăn ngay. Chưa đá thì lên giây cót, tan trận não nề lại nói người ta đẳng cấp hơn mình. Nóng ăn, lại nóng nói, trong khi việc chính là phải “biết địch, biết ta” thì không bao giờ làm đến nơi đến chốn.

Tất nhiên bóng đá là môn thể thao không phải cứ muốn, cứ bỏ nhiều tiền ra là mua được tất. Vấn đề là những người có trách nhiệm của bóng đá Việt chỉ lo chuyện thành tích, chuyện thắng thua mà không lo cái gốc của nó là chất lượng thực sự, là niềm tin yêu của người hâm mộ.

Niềm vui, sự chờ đợi ngày cuối tuần của người hâm mộ đâu chỉ là chuyện ĐTVN phải thắng bằng được ĐT Thái Lan, mà trước hết hãy là những trận đấu trung thực, đẹp mắt, phục vụ khán giả ở các giải U, rồi ở V.League. Ở đó, có sự gay cấn, hồi hộp của cuộc đua vô địch, top 3, top 4, cuộc đua tránh xuống hạng, cuộc đua giành ngôi vua phá lưới, trận đấu thứ 100 của cầu thủ A, kỷ niệm sinh nhật cầu thủ B, một phút vinh danh cầu thủ C, tưởng niệm CĐV nhân sự kiện Đ…

Nghĩa là ở đó đậm đặc những sinh hoạt văn hóa, không phải chuyện nóng lòng đưa cầu thủ trẻ P vào thử lửa rồi nhanh chóng cùn mằn, không phải những cuộc đi cứu vớt nhau lộ liễu khiến người trong cuộc phải nói toáng lên cho bõ ghét, không hề là chuyện lượt về nhạt như nước ốc, không thể là chuyện vì hết hợp đồng nên cầu thủ nương chân, giữ giò đợi bến mới.

Đã có không ít người chen chân vào bóng đá ngõ hầu kiếm điều gì đó nhưng nhanh chóng bật bãi. Vội đến, vội đi là thế, trong khi bóng đá vốn có lịch sử hàng trăm năm và luật chơi đơn giản nhất trên thế gian này.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.