‘Ông Miura muốn biến U23 VN thành con nhà nghèo vượt khó'

HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng, bóng đá Việt Nam mới chỉ bước đầu thoát ra khủng hoảng sau 3-4 năm sa sút ở sân chơi khu vực.

HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng, bóng đá Việt Nam mới chỉ bước đầu thoát ra khủng hoảng sau 3-4 năm sa sút ở sân chơi khu vực.

- Thưa HLV Nguyễn Thành Vinh, ông nhận xét như thế nào về triển vọng của U23 Việt Nam tại SEA Games 28?

- Thầy trò HLV Miura sẽ phải nỗ lực rất lớn để hoàn thành mục tiêu vào bán kết. Ở SEA Games 27, U23 Việt Nam đã không vượt qua vòng bảng. Lứa cầu thủ hiện tại cũng khó so sánh được về sự đồng đều so với lứa 2009 từng giành huy chương bạc SEA Games 25. Mặt khác, bảng đấu của chúng ta còn có sự góp mặt của 2 đối thủ mạnh là Thái Lan và Malaysia.

Nhưng tôi nghĩ U23 Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu nêu trên. Nếu may mắn, chúng ta có thể chờ đợi một cuộc tái đấu với Thái Lan trong trận chung kết. Không nghi ngờ gì về vị thế ứng cử viên số một cho ngôi vô địch của Thái Lan, còn chúng ta sẽ sắm vai con nhà nghèo vượt khó.

HLV Nguyễn Thành Vinh từng đảm nhiệm cương vị trợ lý của HLV A.Riedl tại SEA Games 23 (2005).
HLV Nguyễn Thành Vinh từng đảm nhiệm cương vị trợ lý của HLV A.Riedl tại SEA Games 23 (2005).

- Ông có thể nói rõ hơn ý “U23 Việt Nam sắm vai con nhà nghèo vượt khó”?

- Với những bước thụt lùi của bóng đá Việt Nam ở sân chơi khu vực khoảng 3-4 năm qua, chúng ta không còn duy trì được vị thế ứng viên hàng đầu tại AFF Cup cũng như SEA Games. Nói riêng trong phạm vi Đại hội thể thao Đông Nam Á, U23 Việt Nam đã thất bại thảm hại ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp 26 và 27. Thực tế là chúng ta nằm cửa dưới so với Thái Lan và Malaysia.

Tôi thấy ông Miura đã đọc ra vấn đề này và muốn dùng sức mạnh tinh thần, ý chí vượt khó để bù đắp cho những khiếm khuyết của U23 Việt Nam. Phương pháp huấn luyện và lối chơi HLV Miura áp dụng cho cả đội tuyển Việt Nam và đội tuyển U23 khiến tôi nhớ lại hình ảnh của SLNA thời mới lên chuyên nghiệp. Lúc đó, SLNA là đội bóng yếu nên cũng phải áp dụng tinh thần con nhà nghèo vượt khó để trụ lại V.League.

- Nhưng nhiều ý kiến chỉ trích, mặt trái của tinh thần quyết liệt là lối chơi bạo lực. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Tất nhiên, U23 Việt Nam cần hạn chế những pha vào bóng giống đội tuyển Việt Nam trong trận gặp Thái Lan vừa diễn ra. Đá như vậy tiềm ẩn nguy cơ lớn về chấn thương và thẻ phạt. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, HLV Miura không cổ súy lối chơi bạo lực. Ông yêu cầu học trò đá quyết liệt, nhưng họ lại thực hiện theo chiều hướng của thói quen bắt nguồn từ V.League.

- Ông nhận xét như thế nào về lối chơi của HLV Miura?

- Cả đội tuyển Việt Nam và đội tuyển U23 đều đề cao sự an toàn, sử dụng lối đá phòng ngự phản công. Theo tôi, đây là sự lựa chọn phù hợp của HLV Miura. Vì như đã nói ở trên, chúng ta đang nằm cửa dưới so với nhiều đối thủ trong khu vực.

Công Phượng cùng đồng đội từng thất bại 1-3 trước U23 Thái Lan ở trận giao hữu trước thềm Vòng loại U23 châu Á. Ảnh: Tùng Lê
Công Phượng cùng đồng đội từng thất bại 1-3 trước U23 Thái Lan ở trận giao hữu trước thềm Vòng loại U23 châu Á. Ảnh: Tùng Lê

- Ông có muốn U23 Việt Nam đá theo kiểu U19 Việt Nam?

- Với tư cách người hâm mộ, ai cũng mong điều đó. Nhưng cần phải thực tế xét theo 2 khía cạnh. Thứ nhất, thứ bóng đá đẹp mắt của U19 Việt Nam chỉ có thể tồn tại ở các giải trẻ - tương đương cấp độ giao hữu. Khi bước vào thi đấu dưới áp lực thành tích trong các giải chính thức, tính thực dụng, hiệu quả cần được đặt lên hàng đầu.

Thứ hai, lối chơi được xây dựng trên cơ sở con người. Lực lượng của U23 Việt Nam lúc này không cho phép HLV Miura xây dựng chiến thuật bằng những pha đan bóng, đập nhả như U19 Việt Nam. Theo tôi thấy, ông Miura đang cố gắng xây dựng thứ bóng đá lỳ lợm, mạnh mẽ theo phong cách Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trên thực tế, lối chơi đẹp mắt của U19 Việt Nam chưa mang đến danh hiệu vô địch nào (ngôi quán quân tại giải U21 quốc tế năm 2014 là danh nghĩa của U19 HAGL có tăng cường một số cầu thủ quá tuổi - PV). Thế nên, không thể vội quy kết lối chơi của HLV Miura sẽ không mang lại thành công. Theo cảm nhận của tôi, lối chơi thực dụng và toan tính mới là thứ vũ khí nguy hiểm. Trước đây, Malaysia từng thành công rực rỡ với triết lý bóng đá này.

Hồng Quân (giữa)
Hồng Quân (giữa) trong chiến thắng 2-1 của đội tuyển Việt Nam trước Malaysia ở trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014. Ảnh: Tùng Lê

- Ông đánh giá như thế nào về cặp tiền đạo Hồng Quân - Công Phượng?

- Đó sẽ là cặp tiền đạo mang đến sức sống cho U23 Việt Nam tại SEA Games 28. Hai người họ có lối chơi hoàn toàn khác nhau. Hồng Quân sở hữu thể hình tốt, mạnh về tỳ đè, làm tường, tranh chấp săn bóng và chớp cơ hội. Trong khi đó, Công Phượng mạnh về kỹ thuật, khả năng cầm bóng đột phá, kiến tạo và dứt điểm đa dạng.

Sự kết hợp giữa Hồng Quân với Công Phượng là một cặp số 9 và số 10 tương đối hoàn hảo đã lâu lắm bóng đá Việt Nam mới lại được chứng kiến. Chắc chắn, HLV Miura sẽ bố trí Hồng Quân đá trung phong, còn Công Phượng đá thấp hơn để sẵn sàng gây đột biến từ tuyến hai.

Theo zing.vn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.