Người hùng Trung Quốc đổi 2 HCV lấy 400.000 đồng

Sau giây phút sung sướng ngắn ngủi, người hùng một thời của Trung Quốc đã trải 15 năm khủng khiếp của cuộc đời.

Sau giây phút sung sướng ngắn ngủi, người hùng một thời của Trung Quốc đã trải 15 năm khủng khiếp của cuộc đời.

Đó là buổi tối dễ chịu tại Bắc Kinh, trời mát mẻ, không mưa, rất lý tưởng cho khách du lịch. Một vài người dừng chân lại trước một quầy hàng nhỏ có 3 chữ Trương Thượng Vũ màu đỏ.

Gọi là quầy nhưng thực chất chỉ bao gồm chiếc khăn nhỏ trải ở dưới và những cái vòng đủ kiểu dáng bên trên.

Phía trước tấm khăn có tờ giấy in chữ Trương Thượng Vũ và tấm hình một VĐV thể dục dụng cụ đang thi đấu. Ngồi đằng sau là một người đàn ông vẻ mặt khắc khổ, đăm chiêu.


Quầy hàng của Thượng Vũ.

Quầy hàng của Thượng Vũ.

Phải bắt chuyện, người ta mới biết 3 chữ trên giấy chính là tên người đàn ông kia. Còn bức ảnh bên cạnh chụp ông khi còn thi đấu. Ai mà tin được, con người từng một thời vinh quang giờ lại thê thảm đến vậy.

Nhà vô địch “chui”

Khi mới 5 tuổi, Trương Thượng Vũ đã rời xa gia đình để đi tập luyện TDDC. Lên 12 tuổi, anh được chọn vào ĐTQG. Năm 2001, Thượng Vũ được yêu cầu “đóng giả” sinh viên để tham dự Đại hội thể thao sinh viên thế giới.

Dĩ nhiên, anh không mấy khó khăn giành được 2 HCV và được tôn vinh như người hùng của Trung Quốc.

Nhưng đó lúc là vinh quang cuối cùng anh được hưởng trong sự nghiệp. Một năm sau, Thượng Vũ bị đứt gân gót chân khi tập luyện và mất suất ở ĐTQG.

Thượng Vũ khi còn thi đấu.

Thượng Vũ khi còn thi đấu.

Từ VĐV cấp quốc gia, anh bị đẩy xuống tuyến tỉnh. Mâu thuẫn với HLV khiến Thượng Vũ gần như hết cơ hội thi đấu và giải nghệ ở tuổi 20.

Cầm món tiền đền bù trong tay, anh lặng lẽ trở về quê nhà và lên kế hoạch đi học. Tiếc thay, mọi cố gắng của Thượng Vũ đều vô hiệu. Nhà vô địch năm nào bị chính trường Đại học mà anh đem huy chương về từ chối.

Không học vấn, cơ thể chẳng lành lặn sau nhiều năm tập luyện quá sức, người thân lâm bệnh nặng, Thượng Vũ dần rơi vào cảnh khó khăn.

Tiền đền bù tiêu hết, chẳng biết làm gì để kiếm sống, Thượng Vũ buộc phải bán đi 2 tấm huy chương vàng năm xưa để có 110 tệ (gần 400.000 đồng).

Tệ hơn nữa, anh còn liên tục bị phát hiện ăn cắp, từ laptop cho đến điện thoại di động. Đỉnh điểm, Thượng Vũ bị cảnh sát Bắc Kinh bắt và rồi nhận án 4 năm tù giam.

Chuyện này càng khiến cuộc sống của anh thêm khó khăn. Ra tù, anh lang thang biểu diễn ở những nhà ga và trên tàu điện ngầm để kiếm ăn qua ngày. Có người lúc đó đã gọi Thượng Vũ là “nhà vô địch ăn xin”.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Cách đây vài năm, tỉ phú Trung Quốc Chen Guangbiao đã dang tay giúp đỡ Thượng Vũ. Ông hứa hẹn: “Tôi sẽ đài thọ toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Thượng Vũ.

Ngoài ra, Thượng Vũ sẽ được nhận mức lương 11.000 tệ (gần 40 triệu đồng)/tháng, học các kỹ năng như lái xe, quản trị kinh doanh và giao tiếp.

Thời trẻ, anh ấy đã phạm những sai lầm. Nhưng Thượng Vũ là nhà VĐTG, biết cách làm việc chuyên nghiệp. Tôi tin tưởng và mong anh ấy sẽ tham gia cùng tôi trong các hoạt động từ thiện”.

Giây phút hiếm hoi Thượng Vũ được hưởng niềm vui.

Giây phút hiếm hoi Thượng Vũ được hưởng niềm vui.

Đáng buồn thay, cuộc sống trong mơ của Thượng Vũ chỉ kéo một thời gian ngắn.

Bốn tháng sau ngày được Chen Guangbiao tuyên bố giúp đỡ, Thượng Vũ quyết định không còn liên quan gì đến nhà tỉ phú này nữa. Lí do anh đưa là cảm thấy mình không được tôn trọng.

“Giống như ở Bắc Cực vậy, những con khỉ cũng được phân loại, khỉ cao cấp ngâm mình trong suối nước nóng, khỉ thấp cấp hơn phải đứng trong tuyết”, Thượng Vũ cay đắng chia sẻ.

Ít lâu sau, người ta lại thấy anh biểu diễn ở tàu điện ngầm, vẫn là chiếc áo VĐV Trung Quốc và biển tên “Trương Thượng Vũ”.

Nhưng những rắc rối vẫn chưa thôi đeo đuổi nhà vô địch năm xưa. Trên mạng xã hội, đồng đội cũ của Thượng Vũ là Chen Yibing chỉ trích:

“Vô địch Đại hội thể thao sinh viên thế giới không được tính là vô địch thế giới. Là một đội trưởng đội TDDC, tôi không thể không lên tiếng. Thượng Vũ cần phải giữ gìn danh dự và nhân phẩm của một VĐV quốc gia”.

Một số nhà xã hội học cho rằng, Thượng Vũ thành ra như vậy là do sự ỷ lại của bản thân. Anh đã được trao nhiều cơ hội, nhưng cuối cùng lại không thể tận dụng được và rồi bán cả huy chương đi lấy tiền.

Ở chiều ngược lại, nhiều nhà thể thao nhận xét chính cách thức đầu tư cho VĐV lệch lạc của Trung Quốc đã tạo nên những con người như vậy.

Các VĐV lao vào tập luyện từ nhỏ, đến khi không thi đấu nữa, họ gần như chẳng có kỹ năng nào để sống được một cách bình thường.

Thượng Vũ biểu diễn trên tàu điện ngầm.

Thượng Vũ biểu diễn trên tàu điện ngầm.

Trong khi tranh cãi còn đang kéo dài thì Thượng Vũ do không còn đảm bảo sức khỏe cho các pha biểu diễn nữa nên rời tàu điện ngầm và chuyển sang bán vòng ở Bắc Kinh.

Anh mong muốn từ đây cuộc sống sẽ dần ổn định hơn, tránh xa những thị phi bám theo mình suốt 15 năm qua.



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.