Bảo vệ thông tin tài chính

Mỗi năm, gần 10 triệu người Mỹ trở thành nạn nhân của nạn trộm thông tin. Ở VIệt Nam tuy chưa có thống kê chính thức nhưng vấn nạn này không còn xa lạ.

Bạn có lẽ đã nghe hoặc đọc thấy nạn trộm cắp thông tin cá nhân và tài chính ở đâu đó. Tuy nhiên, như phần lớn người Việt khác, bạn luôn nghĩ điều đó sẽ không bao giờ xảy ra với mình?

Trộm thông tin không phải đùa

Đó là một suy nghĩ chủ quan và sai lầm. Bạn có biết chỉ cần một tài liệu bị thất lạc hay bạn đi nhầm vào một trang web, thông tin cá nhân và tài chính đều có nguy cơ bị lộ? Nạn nhân Nguyễn Hoàng Kim (tên nhân vật đã được thay đổi), ngụ tại Thành phố Biên Hòa kể lại câu chuyện mất trộm thông tin của mình vào năm ngoái.

“Trong một lần rút ví lấy tiền đổ xăng, tôi làm rơi mất giấy chứng minh thư nhưng không biết. Trong nửa năm sau đó, không có việc dùng đến giấy tờ, tôi cũng không để ý đến việc giấy chứng minh thư đã biến mất”, chị Kim nhớ lại.

Trong nửa năm ấy, giấy chứng minh thư của chị Kim đã bị bọn tội phạm chuyên nghiệp dùng để đăng ký thuê bao điện thoại, Internet và không trả tiền.

Không chỉ thế, chúng còn dùng tên tuổi của chị để thuê một căn nhà sang trọng, đầy đủ tiện nghi ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau nửa năm, chúng “quỵt” tiền nhà và nẫng hết những tai sản giá trị của chủ nhà.

Khi chủ nhà mang chứng minh thư của chị Kim đến cơ quan công an trình báo, chị mới tá hỏa khi biết sự việc. Chị phải mất hơn nửa năm và trải qua nhiều thủ tục nhiêu khê mới chứng minh được sự trong sạch của mình.

Chị Hoàng Kim không phải là nạn nhân duy nhất của nạn trộm cắp thông tin. Trước đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh có một băng nhóm tội phạm chuyên dùng giấy chứng minh thư giả để đi thuê xe máy và cá tài sản khác.

Thủ thuật của chúng là ăn cắp giấy chứng minh thư của người dân lương thiện. Sau đó, chúng chọn một tên có gương mặt hao hao để dùng giấy chứng minh thư đó thực hiện hành vi phạm tội. Thậm chí, chúng còn dán đè ảnh của mình lên để mạo danh.

Thông tin tài chính cũng rất dễ bị đánh cắp. Nhiều khách hàng dùng thẻ ATM đã bị quay lén mã pin và mất một số tiền lớn.

Việc dùng tài khoản ăn cắp để mua hàng trên mạng cũng không còn xa lạ với các hacker người Việt. Đây chính là nguyên nhân vì sao một số trang web bán hàng qua mạng “cấm cửa” những thẻ tín dụng xuất xứ từ Việt Nam.

1001 kiểu trộm cắp thông tin

Rõ ràng, những thông tin cá nhân của bạn rất quan trọng. Những thông tin cần được bảo mật bao gồm tất cả những gì bạn điền vào đơn từ: tên, ngày sinh, số chứng minh thư, tên người thân, tên người giới thiệu…

Số tài khoản ngân hàng, mật mã, số thẻ tín dụng và những thông tin đi kèm cũng quan trọng không kém.

Ăn cắp thông tin cá nhân không chỉ gói gọn trong khái niệm ăn cắp số thẻ tín dụng hay tài khoản ngân hàng. Rất nhiều hình thức ăn cắp thông tin cá nhân khác có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như:

- Ăn cắp nhận dạng và thân phận: Nhiều người có thể ăn cắp nhận dạng và tên tuổi của bạn để làm những chuyện phi pháp. Nếu họ bị bắt, hồ sơ tội phạm thay vì tên họ lại ghi tên của bạn. Lý lịch của bạn sẽ bị bôi nhọ. Loại tội phạm này thường là người quen biết, thậm chí là người thân trong gia đình. Trường hợp bị mất giấy tờ tùy thân cũng dễ trở thành nạn nhân của nạn ăn cắp này.

- Ăn cắp số chứng minh thư: Số chứng minh thư của bạn có thể được dùng để xin việc, mở tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng. Thậm chí, tên trộm có thể dùng số chứng minh thư củ bạn để khai báo với cơ quan thuế. Và khi đó, chính bạn mới là người phải đóng thuế cho số thu nhập không rõ ràng.

- Ăn cắp thông tin y tế và bảo hiểm: Những tên trộm có thể dùng thẻ bảo hiểm của bạn để trả chi phí bệnh viện và thuốc men.

Công ty bảo hiểm có thể từ chối mở tài khoản bảo hiểm nếu phát hiện bạn có những hoạt động bất thường với thông tin y tế. Điều này rất nguy hại vì nếu sau này gặp rủi ro, bạn sẽ có thể không được nhận tiền bảo hiểm để chi trả cho những khoản khẩn cấp ấy.

- Ăn cắp thông tin từ bằng lái xe: Bằng lái xe có thể bị ăn cắp và dùng trong những trường hợp vi phạm luật giao thông. Nếu tai nạn xảy ra, chính bạn là người bị truy cứu. Dù có thể minh oan, bạn cũng mất nhiều thời gian và tiền bạc cho các thủ tục hành chính.

- Ăn cắp thông tin tín dụng: Tất cả những thông tin bạn dùng để vay nợ ngân hàng, mở tài khoản thẻ tín dụng… đều có thể rơi vào tay kẻ xấu. Chúng dùng chính những thông tin này để vay những món nợ khổng lồ, mở một tài khoản tín dụng khác và tiêu xài vượt mức… Người gánh nợ không ai khác hơn chính là bạn.

- Ăn cắp thông tin qua mạng: Vấn nạn ăn cắp thông tin tài chính và cá nhân qua mạng không còn mới. Một ngày đẹp trời nào đó, bạn có thể nhận được một e-mail mạo danh ngân hàng của mình.

E-mai yêu cầu bạn cung cấp những thông tin cá nhân và mật mã với lý do: “Tài khoản của bạn có vấn đề” hoặc “Tài khoản của bạn vừa bị ăn cắp, những thông tin này nên được điền vào đơn…”. Nếu làm theo, thông tin của bạn sẽ bị dùng vào những hoạt động bất thường. Tiền trong tài khoản cũng không cánh mà bay.

Hãy học cách bảo vệ mình

Với những nguy hại trên, khi phát hiện thông tin của mình bị đánh cắp, bạn cần báo cảnh sát ngay lập tức. Đồng thời, hãy thông báo cho ngân hàng và yêu cầu giữ tất cả tài liệu giao dịch.

Cuối cùng, bạn nên tìm một luật sư tin cậy để được tư vấn cách thu thập bằng chứng minh oan.

Tuy nhiên, đó là lời khuyên khi bạn đã là một nạn nhân. Quan trọng hơn, bạn nên học cách để bảo vệ thông tin cá nhân và tài chính của mình. Những lời khuyên sau đây có thể giúp ích cho bạn:

- Hủy các tài liệu và thư quảng cáo: Nhiều ngân hàng thường gửi thư mời bạn mở thẻ tín dụng mới. Họ còn gửi kèm những tài liệu như: giấy ngân hàng, giấy tờ về đầu tư…

Dạng thư này có thể chứa những thông tin tín dụng và cá nhân của bạn. Bạn nên cất kỹ những thư từ, tài liệu quan trọng. Nếu chúng không cần thiết, bạn nên hủy tất cả bằng máy hủy giấy thay vì vo viên và ném vào thùng rác.

- Chú ý đến thời hạn: Bạn nên để ý đến thời gian mình nhận được những hóa đơn thanh toán và các thư từ tài chính hàng tháng.

Các ngân hàng thường gửi chúng vào những thời điểm cố định trong tháng. Nếu chúng không đến đúng thời gian, bạn có thể đã bị mất thư và thông tin. Bạn nên liên lạc với ngân hàng ngay lập tức để giải quyết.

- Thuê hộp thư ở bưu điện: Nếu bưu điện gần nhà có cho thuê hộp thư, bạn nên nghĩ đến điều này.

Hộp thư bưu điện có thể giúp bạn phòng tránh những tên trộm lượn lờ trước nhà và ăn cắp thư từ.

- Cẩn thận khi chọn mật mã: Khi lên mạng để mua hàng hoặc trao đổi thông tin tài chính, bạn nên chọn một mật mã không dễ đoán.

Tuyệt đối không dùng những thông tin như ngày sinh, tên tuổi, tên bố mẹ… để làm mật mã. Bạn nên dùng mật mã. Bạn nên dùng mật mã có cả chữ in, chữ thường và những con số để tăng tính an toàn…

Bạn không nên dùng chung một mật mã cho nhiều tài khoản ngân hàng. Nếu chẳng may mật mã của một tài khoản bị đánh cắp, tất cả những tài khoản khác đều có nguy cơ bị mất. Bạn nên có nhiều mật mã và thay đổi thường xuyên.

- Giám sát báo cáo tin dụng: Hàng tháng, bạn nhận một bản báo cáo tín dụng từ ngân hàng. Hãy giám sát chúng và kiểm tra kỹ thông tin để nắm bắt tình hình tài chính của mình!

- Tìm hiểu thông tin phòng chống lừa đảo tín dụng và quyền riêng tư của ngân hàng: Một số ngân hàng có chính sách phòng chống lừa đảo tốt hơn những ngân hàng khác. Bạn nên đọc kỹ những điều luật và quyền riêng tư của ngân hàng trước khi mở tài khoản.

- Lưu ý đến những thông tin lừa đảo trên mạng: đừng để những lời mời gọi trên mạng khiến bạn mất cảnh giác. Những lừa đảo dạng này thường yêu cầu bạn cung cấp tên tuổi, địa chỉ, mật mã…

Những ngân hàng chân chính không bao giờ bắt bạn cung cấp thông tin một cách thiếu an toàn như thế. Vì vậy, bạn nên đăng nhập vào tài khoản từ những trang web chính thức của ngân hàng.

- Chỉ giữ những thứ cần thiết trong ví: Nhiều người thường mang quá nhiều giấy tờ quan trọng trong ví. Bạn chỉ nên mang theo những thứ thật sự cần thiết. Nếu có nhiều tài khoản, bạn chỉ nên mang theo thông tin của một tài khoản hay dùng.

-Từ chối những lời mời mở thẻ tín dụng: Đừng vì những khuyến mãi giá rẻ mà mở nhiều tài khoản tín dụng! Càng cung cấp thông tin cho nhiều nơi, bạn càng tự làm tăng nguy cơ mất thông tin cá nhân.

Ngoài ra, mở ít tài khoản còn giúp bạn hạn chế khả năng nợ tín dụng.

Theo Tống Ngọc Linh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.