Buộc phải gửi tin rác vì bị “ép” doanh thu?

Bị ép doanh thu, tỷ lệ ăn chia thiếu công bằng, không được tiếp cận các dịch vụ quảng cáo hợp pháp... có thể kể ra nhiều nguyên nhân khách quan đẩy các CSP, CP tới chỗ phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo.

Bị ép doanh thu, tỷ lệ ăn chia thiếu công bằng, không được tiếp cận các dịch vụ quảng cáo hợp pháp... có thể kể ra nhiều nguyên nhân khách quan đẩy các CSP, CP tới chỗ phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo.

Theo thống kê của Thanh tra Bộ TT&TT, hiện cả nước có 347 công ty CSP cung cấp dịch vụ. Đây là những doanh nghiệp cung cấp nội dung và có đầu số - để phân biệt với các CP là những doanh nghiệp nội dung đơn thuần, không có đầu số. Mỗi một CSP lại có thể ký kết với vài chục CP vệ tinh khác để cùng cung cấp dịch vụ. Trong mạng lưới chằng chịt các CSP và CP này, bên cạnh những doanh nghiệp có giấy phép đăng ký kinh doanh và hoạt động bài bản thì có không ít CSP đã cố tình phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo để kiếm lời.

Những CSP này đã sử dụng modem GSM/CDMA hoặc USB 3G, có lắp SIM 3G và được kết nối với máy tính để nhắn tin rác từ các thuê bao trả trước với tốc độ lên tới 10.000 tin nhắn/giờ.

Lại chuyện ăn chia

Câu hỏi đặt ra là tại sao các CSP, CP lại “biết mà vẫn làm sai” như vậy?

Yếu tố đầu tiên, hiển nhiên là do lợi ích về kinh tế. Nếu doanh nghiệp không quảng cáo hoặc chỉ quảng cáo theo hình thức thông thường thì doanh thu sẽ rất thấp. Nhưng nếu họ sử dụng tin nhắn rác để quảng cáo thì doanh thu có thể tăng hẳn lên, thậm chí là tăng vọt một cách đột biến. Đó là chưa kể chi phí cho một tin nhắn rất rẻ, chỉ từ 20-30 đồng/tin trong khi hiệu quả tiếp cận người dùng lại rất cao.

Đại diện Thanh tra Bộ TT&TT thẳng thắn cho rằng, việc các CSP làm sai phải quy một phần trách nhiệm cho các nhà mạng (Telco). Chính cơ chế ăn chia thiếu công bằng hiện nay giữa CSP và Telco đã khiến cho nhiều CSP phải xoay đủ cách để kiếm doanh thu, dẫu cách đó có thể vi phạm quy định hay trái luật.

Nếu như tỷ lệ phân chia doanh thu phổ biến trên thế giới là CSP hưởng từ 70-90%, các Telco giữ lại 30-10% còn lại thì ở Việt Nam, cán cân hoàn toàn ngược lại. Các Telco nắm giữ từ 55-79% doanh thu, trong khi các nhà cung cấp nội dung chỉ được giữ lại 45-21% đối với các đầu số 9xxx, 8xxx, 7xxx, 6xxx. Đối với các Tổng đài 1900xxxx, số tiền Telco san cho CSP có nhiều hơn nhưng vẫn theo kiểu chiếu trên rõ ràng, từ 58%-66% doanh thu.

"Việt Nam - style"

Bình luận về cơ chế rất “Việt Nam” này, đại diện Cục Viễn thông thừa nhận đây không phải là mô hình hợp tác “win-win” và lợi thế giữa hai bên rõ ràng là không cân bằng. “Không đến nỗi giống như chủ đất và người làm thuê thời xưa, nhưng các Telco rõ là ở cửa trên. Đây là điều khó tránh khỏi vì cầu hiện đang vượt quá cung. Các CSP cần đến mạng lưới của Telco nhiều hơn”, vị này phân tích.

CSP chỉ được giữ lại miếng bánh nhỏ, trong khi họ phải đầu tư rất nhiều chi phí sản xuất nội dung, mua bản quyền phần mềm, game, âm nhạc, quảng cáo dịch vụ... Nhiều khi khoản thu về không đủ bù đắp chi phí nên buộc họ phải tìm cách phát tán tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ của mình, thu hút nhiều khách hàng hơn. Mức độ xung đột quyền lợi giữa các Telco và CSP lại tăng lên khi bản thân Telco cũng lấn sân, cung cấp các dịch vụ nội dung cạnh tranh với CSP.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Quốc Khánh, Đại diện VNCERT thì tuy Nghị định 90 về hoạt động gửi tin nhắn hợp pháp đã được ban hành, song trên thực tế, nhiều nhà mạng cố tình không cho phép, hoặc gây khó dễ cho CSP khi quảng cáo. Hệ quả là các CSP không có cơ hội sử dụng những dịch vụ quảng cáo cạnh tranh nên buộc phải quay ra cách thức bất hợp pháp.

Bộ TT&TT cần trực tiếp cấp đầu số!

Từ quan điểm quản lý, Cục Viễn thông cho rằng chừng nào các CSP còn phải đi thuê lại kho đầu số của Telco thì tình trạng kinh doanh thiếu minh bạch này còn tiếp diễn. Do đó, trong Dự thảo trình lên Bộ TT&TT, Cục Viễn thông đang đề xuất Bộ thu hồi các đầu số ngắn từ Telco để trực tiếp phân bổ, cấp phát cho các CSP đăng ký.

“Nếu chúng ta chuyển từ mô hình CSP thuê kho số, sử dụng hạ tầng của Telco sang mô hình hợp tác cùng Telco cung cấp dịch vụ thì tình trạng CSP vì bị ép doanh thu đến mức phải phát tán tin nhắn rác sẽ chấm dứt”, vị này dự đoán.

Trong mô hình này, giá cước đối với một dịch vụ nội dung sẽ bao gồm hai phần: giá cước nội dung thông tin do CSP tự quyết định và giá cước kết nối mà CSP phải trả cho Telco.

Để tránh tình trạng loạn giá cước dịch vụ hiện nay, Cục Viễn thông sẽ yêu cầu các Telco phải công khai giá cước kết nối với Cục để áp dụng cho tất cả các CSP, tránh tình trạng phân biệt đối xử, chèn ép CSP nhỏ.

Nếu Dự thảo được thông qua, các doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ đầu số ngắn sẽ phải báo cáo hiện trạng lên Bộ TT&TT, đề xuất giữ lại kho số. Trong trường hợp doanh nghiệp không đề nghị cấp lại thì đầu số sẽ bị thu hồi.

Về phần mình, các Telco sẽ phải giám sát chặt chẽ đối với các CSP, chấm dứt hợp tác kinh doanh với các CSP phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Trước những ý kiến chỉ trích nhằm vào các Telco, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettel vẫn khẳng định nhà mạng “sẵn sàng hợp tác với CP” và sở dĩ cơ chế ăn chia doanh thu hiện tại nghiêng lệch hẳn về Telco là do các CP chủ yếu mới cung cấp những dịch vụ nội dung đơn giản. Ông Dũng cho rằng 80% CP hiện kiếm lời từ kết quả bóng đá, xổ số. Đây đều là những nội dung có chi phí sản xuất thấp, còn những game phức tạp, ăn khách vẫn “được” chia 50-60% doanh thu.

Theo Vietnamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.