Đĩa than cho cuộc chơi "mộc"

Bất chấp sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới và càng ngày tiện dụng, với những đôi tai sành nhạc, chỉ có vẻ đẹp độc đáo cùng âm thanh "mộc" từ những chiếc đĩa than mới chính là điều giúp họ cảm nhận được cái hay, cái đẹp và sang trọng của âm nhạc.

Việc ghi- đọc bằng đĩa than thuần túy là kỹ thuật analog, cho phép âm thanh đạt được độ trung thực cao, dân chơi gọi là tiếng "mộc". Âm thanh của đĩa than có những nét đặc trưng riêng, khác biệt với kĩ thuật số (digital).

Khi nghe một dàn đĩa than loại tốt, người ta thấy âm thanh có độ nổi, vị trí cá nhạc cụ chơi trong dàn nhạc hiện lên rất rõ ràng, giọng hát của ca sĩ ngọt ngào và truyền cảm. Chính vì lí do này mà hiện trên thế giới vẫn còn rất nhiều người say mê sưu tầm và thưởng thức đĩa than. Đặc biệt là những người yêu nhạc cổ điển, nhạc jazz - Blue và các loại nhạc cụ acoustic...

Không đơn giản là hoài cổ

Những năm 50-70 của thế kỉ XX, thị trường tiêu thụ đĩa than trên thế giới rất phát triển. Đến đầu những năm 80, do sự ra đời của đĩa CD, thị trường đĩa than đã bị thu hẹp lại rất nhiều, đặc biệt là trong giới nghe nhạc phổ thông. Tuy nhiên, đối với những người chơi hi-fi sành điệu, hiện vẫn sở hữu một số lượng đĩa than lớn, thì việc thưởng thức âm thanh Analog thuần túy qua đĩa than vẫn là một thú vui không gì sánh nổi.

Qua đến cuối thập kỉ 90, cùng với sự phục sinh của các ampli đèn điện tử và loa độ nhạy cao, giới chơi hi-fi ở châu Âu, châu Mỹ và đặc biệt là Nhật Bản lại có khuynh hướng quay trở lại sử dụng đĩa than. Đây thực sự không phải là một trào lưu hoài cổ, mà sau nhiều năm sử dụng CD, một số người yêu nhạc cho rằng đĩa than vẫn mang lại cho người nghe những âm thanh sinh động mà đầu đọc CD chất lượng khá, thậm chí chất lượng cao, không thể đem lại được.

Nhận định này đã châm ngòi cho những cuộc tranh luận bất phân thắng bại của những tín đồ thuộc hai trường phái khác nhau: analog và digital. Phần thắng thuộc về ai, hãy để thời gian phán xét. Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy cứ ung dung ngồi bên một phin cà phê tuyệt ngon, thả hồn theo dòng nhạc êm đềm phát ra từ chiếc đĩa than đang chậm rãi quay, thật giản dị. Khi đó bạn sẽ nghĩ gì nhỉ?

Nghề chơi cần lắm công phu

Có không ít người sau nhiều năm gắn bó và đầu tư tiền bạc vào những chiếc đĩa đã không đủ kiên nhẫn để chơi tiếp mà chuyển sang CD. Chơi đĩa than không dễ, việc bảo quản đĩa tương đối công phu. Với những người đam mê thú chơi đĩa than, thực sự đòi hỏi phải cầu kỳ và rất kĩ tính.

Để chơi đĩa than đúng điệ, dân chơi đĩa than thứ thiệt phải tự trang bị cho mình nhiều món phụ tùng như: chổi carbon để chải bụi trên đĩa, bình xịt dung dịch chống tĩnh điện, súng thổi bụi bằng khí nén, chổi và dung dịch đặc biệt để làm sạch đầu kim đĩa.

Đĩa thường được bảo quản cẩn thận trong tủ kính để tránh bụi, hơi ẩm và nhiệt độ cao làm cong vênh. Thường phải bọc bằng ni-lông, mỗi lần nghe phải lau sạch. Dân chơi đĩa nhựa tối kị đặt tay trực tiếp vào mặt đĩa vì dễ gây mòn, xước, ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh.

Việc lắp đặt và chỉnh cho đúng phần cơ của máy quay đĩa cũng khá phức tạp. Một số người chơi sành điệu đặt máy quay đĩa lên một tấm đá xẻ dày 5-10cm và đặt trực tiếp lên sàn nhà.

Nhiều người khác lại đặt máy lên một kệ kim loại được chế tạo đặc biệt rất nặng để giảm thiểu các rung động. Để bắt đầu, người chơi đĩa bật hệ thống ampli lên trước khoảng 5-10 phút để hâm nóng, sau đó thận trọng lấy đĩa từ trong vỏ ra và nhẹ nhàng đặt lên mâm quay, cho máy chạy và sau chừng nửa phút khi tốc độ quay đã ổn định mới yên tâm thưởng thức.

Nghe nhạc từ đĩa than, dân chơi trên thế giới thường sử dụng ampli điện tử để làm máy khuyếch đại. Sự phối hợp giữa chất mộc mạc của đĩa than với âm sắc ngọt ngào truyền cảm của đồ bóng đèn tạo ra một thế giới âm thanh giàu nhạc tính và hoàn toàn khác với âm thanh digital. Những loại ampli chạy đèn đốt trực tiếp như 2A3, 300B, 211 được giới sành chơi cho là tuyệt đỉnh để phối hợp với đĩa than.

Theo Minh Tiến



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.