Goldman Sachs “rót” tiền vào hãng xe Trung Quốc

Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely Automotive đã nhận được 334 triệu USD tiền đầu tư từ ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ.

Giá cổ phiếu của Geely đã tăng 26% sau khi họ thông báo bán bộ phận dịch vụ tài chính cho Goldman Sachs, dẫn tới việc ngân hàng này sẽ sở hữu 15,1% cổ phần Geely.

Quyết định này được đưa vào thời điểm Geely và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác đang nỗ lực mở rộng hoạt động ra quy mô toàn cầu.

Geely trước đây chuyên sản xuất ô tô cỡ nhỏ ở Trung Quốc, nhưng gần đây đã chuyển hướng sang thị trường cao cấp hơn. Công ty mẹ của Geely đã ngỏ ý muốn mua thương hiệu Volvo từ Ford, với giá trị hợp đồng có thể lên tới 2 tỷ USD.

Là một hãng xe khá nhỏ, nhưng Geely hiện có một liên doanh với Manganeze Bronze để sản xuất 8.000 xe taxi London ở Trung Quốc.

Tham vọng vươn ra thế giới

Nhận xét về thỏa thuận giữa Geely với Goldman Sachs, chuyên gia phân tích Yi Junfeng của công ty chứng khoán Changjiang (Trung Quốc), nói: “Đó là một quyết định sáng suốt của Geely vì họ có thể sử dụng số tiền này để cải thiện năng lực sản xuất và giảm gánh nặng tài chính cho công ty mẹ đang quan tâm tới thương hiệu Volvo của tập đoàn Ford”.

Geely đã quyết định bán bộ phận dịch vụ tài chính của hãng cho GS Capital Partners VI Fund LP, một thành viên của Goldman Sachs, với thỏa thuận trong tương lai bên mua có quyền chuyển đổi thành cổ phần.

Mấy năm gần đây, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thể hiện hứng thú đặc biệt với việc mua thương hiệu ô tô quốc tế, như Sichuan Tengzhong Heavy Industrial Machinery thỏa thuận mua hãng Hummer từ GM hồi đầu năm nay; Nanjing Automobile đã mua các tài sản của MG Rover vào năm 2006; và Shanghai Automotive có thể sẽ hoàn tất thỏa thuận mua cổ phần trong Saab Automobile như một phần trong hợp đồng mua Saab của nhà sản xuất ô tô hạng sang Koenigsegg.

Ngược lại, mấy tháng gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến doanh nghiệp ô tô Trung Quốc.

Số tiền hơn 300 triệu USD Goldman “rót” vào Geely là khá lớn so với các thỏa thuận đầu tư cổ phần tư nhân thông thường ở Trung Quốc. Hầu hết thỏa thuận có giá trị dưới 100 triệu USD vì các chủ sở hữu doanh nghiệp Trung Quốc hiếm khi từ bỏ quyền kiểm soát và những hợp đồng có giá trị lớn hơn 100 triệu USD phải được chính phủ thông qua.

Các quỹ đầu tư tư nhân gần đây đổ khá nhiều tiền vào các công ty Trung Quốc đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đang “khát” vốn. Những hợp đồng này không cần có sự chấp thuận của cấp chính phủ như trên.

Một phân nhánh thuộc công ty đầu tư Berkshire Hathaway Inc. của tỷ phú Warren Buffett năm ngoái đã thỏa thuận mua 10% cổ phần nhà sản xuất ô tô và pin BYD của Trung Quốc với giá 232 triệu USD. Giá cổ phiếu của BYD trong năm nay đã tăng lên hơn 63 đôla Hồng Kông (8,13 USD) mỗi cổ phiếu, trong khi mức giá mà công ty Berkshire trả trước đó chỉ là 8 đôla Hồng Kông.

Theo Nhật Minh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.