Học nhiều ngoại ngữ có khiến não bộ "quá tải"?

Liệu nói được hai thứ tiếng có khiến con người phải "căng não" hơn? Bài viết sau sẽ điểm qua một nghiên cứu mới có kết quả sẽ làm cho bất kì ai - nhất là những người đang học nhiều ngôn ngữ cùng lúc - thở phào

Liệu nói được hai thứ tiếng có khiến con người phải "căng não" hơn? Bài viết sau sẽ điểm qua một nghiên cứu mới có kết quả sẽ làm cho bất kì ai - nhất là những người đang học nhiều ngôn ngữ cùng lúc - thở phào.

Trước đây, các nghiên cứu về khả năng song ngữ dưới góc độ khoa học thần kinh thường là các thí nghiệm yêu cầu những người tham gia liên tưởng một ngôn ngữ với một gợi ý độc lập (chẳng hạn như một màu sắc nào đó). Sau đó, yêu cầu họ bằng ngôn ngữ đã gắn với gợi ý màu sắc trước đó để miêu tả một số hình ảnh. Ví dụ, những người nói được hai tiếng Anh và Pháp sẽ được yêu cầu liên tưởng tiếng Anh với màu xanh lá và tiếng Pháp với màu đỏ, khi thấy màu nào xuất hiện thì họ sẽ nói ngôn ngữ đó.

Các thí nghiệm kiểu này rõ ràng là không thể hiện được trải nghiệm thực của một người song ngữ, mà chỉ sử dụng gợi ý để khơi gợi hoặc thậm chí bắt buộc người tham gia nói một ngôn ngữ nhất định.

Ngược lại, thực tế cho thấy chính những gợi ý mang tính xã hội và khả năng tiếp cận dễ dàng vốn từ vựng nhất định của ngôn ngữ này so với ngôn ngữ kia mới quyết định lựa chọn ngôn ngữ trong giao tiếp thường ngày. Sự khác biệt giữa các nghiên cứu trước đây và thực tế dẫn đến giả thuyết rằng, não bộ của chúng ta không hoạt động quá nhiều khi chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

Học nhiều ngoại ngữ có khiến não bộ "quá tải"? - 1

Giáo sư Liina Pylkkänen và nghiên cứu sinh Esti Blanco-Elorrieta đã tiến hành nghiên cứu với các sinh viên thông thạo cả tiếng Arab và tiếng Anh.

Trong bối cảnh đó, một nghiên cứu mới đây kết luận hoạt động não bộ của những người song ngữ chỉ gia tăng (hay nói cách khác là kiểm soát chức năng nhận thức ngôn ngữ nhiều hơn) khi có gợi ý hoặc thúc đẩy tác động. Cũng theo nghiên cứu này, dẫu cho người nói có thay đổi giữa hai thứ tiếng hoặc chỉ dùng một thứ tiếng để giao tiếp hàng ngày, mức độ kiểm soát nhận thức ngôn ngữ là gần như nhau.

Để tìm hiểu hoạt động não bộ của những người song ngữ cả trong bối cảnh “thí nghiệm” lẫn bối cảnh “giao tiếp hàng ngày”, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ từ não đồ (tương tự như điện não đồ) để định hình hoạt động của não bằng cách ghi lại từ trường do những dòng điện trong não tạo ra. Đối tượng nghiên cứu là những người nói được hai thứ tiếng Anh và Arab, và họ tham gia nhiều tình huống giao tiếp khác nhau - từ những yêu cầu giả định và rập khuôn giống như các thí nghiệm trong quá khứ cho đến những đoạn ghi âm trò chuyện hàng ngày trong khuôn viên trường (dĩ nhiên là có sự đồng ý ghi âm của những người tham gia).

Sau khi quan sát, Liina Pylkkanen - giáo sư khoa Ngôn ngữ và Tâm lí của Đại học New York và cũng là người hoàn thành báo cáo cho nghiên cứu - nhận định rằng, mỗi phát ngôn đều khiến người song ngữ phải lựa chọn ngôn ngữ để giao tiếp, và rằng ngoại cảnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động não của người song ngữ khi họ thay đổi tiếng nói của mình.

Cùng với đó, Esti Blanco-Elorrieta - tác giả thực hiện nghiên cứu và là một nghiên cứu sinh - nhận định: "Khả năng song ngữ vốn đã là một hiện tượng xã hội, khi mà bản chất những tương tác giữa con người chúng ta sẽ quyết định lựa chọn ngôn ngữ của chúng ta. Kết quả nghiên cứu cho thấy dù ta có thể chuyển đổi giữa hai ngôn ngữ mà ta thông thạo, phản hồi của não bộ vẫn khác nhau và phụ thuộc vào yếu tố gây ra chuyển đổi đó".

Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác biệt rõ nét giữa bối cảnh “thí nghiệm” và bối cảnh “giao tiếp hàng ngày”. Cụ thể là những khu vực não chuyên về kiểm soát chức năng nhận thức ngôn ngữ ở vỏ não vành trước và vỏ não trước trán có mức độ hoạt động thấp hơn khi các đối tượng tham gia bối cảnh “giao tiếp hàng ngày”. Trên thực tế, những khu vực não này hầu như không hoạt động khi những người tham gia thoải mái thay đổi ngôn ngữ.

Học nhiều ngoại ngữ có khiến não bộ "quá tải"? - 2

Ảnh minh họa.

Đó là khi nói, vậy còn khi nghe thì sao? Đối với bối cảnh “thí nghiệm”, nhiều khu vực não bộ hoạt động, đồng nghĩa với kiểm soát nhận thức ngôn ngữ tăng. Trái lại, trong bối cảnh “giao tiếp hàng ngày”, chỉ có vỏ thính giác là hoạt động.

Nghiên cứu mới kết luận rằng, giao tiếp hàng ngày đòi hỏi ít hoạt động não bộ để thay đổi ngôn ngữ hơn so với những thí nghiệm trước đây, vì người nói sẽ tự chọn ngôn ngữ để trò chuyện thay vì được chỉ định ngôn ngữ bằng gợi ý. Không những thế, nghiên cứu mới cũng cho thấy tầm quan trọng của kiểm soát nhận thức ngôn ngữ có thể không lớn như trước giờ các nhà khoa học vẫn nghĩ. Qua đó giúp giới khoa học đến gần hơn tới việc thấu hiểu bản chất mối liên hệ giữa não bộ và khả năng song ngữ.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn giúp phản biện lí thuyết về “lợi thế song ngữ” (bilingual advantage), vốn cho rằng những người song ngữ kiểm soát nhận thức ngôn ngữ tốt hơn vì họ thường xuyên thay đổi ngôn ngữ. Trên thực tế, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng lợi thế song ngữ chỉ xuất hiện khi người song ngữ chịu tác động từ ngoại cảnh (như người mà họ nói chuyện). Với những cộng đồng song ngữ - nơi mọi người thoải mái sử dụng ngôn ngữ của mình, “lợi thế song ngữ” hầu như không tồn tại.

Theo Khampha.vn


ngôn ngữ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.