Nhạc chờ của Viettel vi phạm luật bản quyền, phạm pháp?

Bạn đọc tiếp tục phản ánh đến đường dây nóng 0988811123 của chúng tôi về những bản nhạc chờ quái dị, phản cảm của Viettel imuzik.

“Đi quá giới hạn”

Trao đổi với PV, anh Chamlong Na Ni Vong (quốc tịch Lào, sinh viên năm thứ nhất hệ cao học, khoa Lưu trữ học và quản trị văn phòng - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) bức xúc:

“Gần đây, tôi cũng hay nghe phải những nhạc chờ có nội dung vô bổ của mạng di động Viettel và rất khó chịu với điều này. Đến khi tình cờ nghe nhạc chờ của số máy 09788981xx thì tôi cảm thấy Viettel đã thực sự đi quá giới hạn”. “Người tạo lời cho bản nhạc chờ này đã dựa vào cách phát âm tên của người Lào để xiên xẹo ra những tên đọc gây cười. Ví dụ như các tên Vay hẳn xin xin hẳn, Leo tủ ăn đu đủ và nhiều tên khác khá bậy bạ. Tôi rất bất bình và buồn vì điều này”, anh Na Ni Vong thở dài.

Chiều 21/9/2009, phóng viên đã nhiều lần gọi đến số điện thoại trên và ghi lại lời của “bản nhạc chờ” nội dung còn phản cảm hơn những ví dụ anh Na Ni Vong nêu ra.

“Tôi được biết, mạng Viettel đang liên kết với một mạng di động khác, rất lớn ở bên đất nước chúng tôi để phát triển thị trường ở Lào. Thông qua quý báo, tôi rất mong mạng di động Viettel sẽ loại bỏ ngay bản nhạc chờ trên nói riêng và những nhạc chờ khác có nội dung dung tục nói chung”, anh Chamlong Na Ni Vong nói thêm.

Vi phạm luật bản quyền

Theo Luật sư (LS) Nguyễn Văn Tú (Đoàn LS TP Hà Nội), việc “nhại” lại bài hát “Chị tôi” của tác giả Trần Tiến là hành vi xâm phạm vào khoản 5 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ: Hành vi xâm phạm quyền tác giả là sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

“Trong trường hợp này, chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ có quyền: Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan” “Nếu có tranh chấp, chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ có quyền khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Theo đó, tòa sẽ áp dụng cácbiện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ buộc: Chấm dứt hành vi xâm phạm; xin lỗi, cải chính công khai; thực hiện nghĩa vụ dân sự; bồi thường thiệt hại; tiêu hủy”, LS Tú cho hay.

“Tôi khẳng định nhạc chờ như vậy là phạm pháp”

Đó là khẳng định của Nhạc sỹ Phó Đức Phương (Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam).

Xung quanh việc các bài hát, bản nhạc chờ thiếu “phông văn hóa” của Viettel trên trang web imuzik, nhạc sỹ Phó Đức Phương cho rằng, nhà mạng cho đăng tải những bản nhạc, bài hát chế, nhại như vậy sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những hành động đó ngoài việc thiếu văn hóa, không tôn trọng khách hàng thì hầu hết đều không xin phép tác giả - tức là đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền tác giả, tác phẩm.

Theo nhạc sỹ “Hồ trên núi”, do quá bận bịu nên nhiều nhạc sĩ không biết việc mình bị xâm phạm bản quyền để lên tiếng. Bên cạnh đó, việc các cơ quan chức năng liên quan chưa thật sự quyết tâm “lấy lại” văn hóa thuần Việt; “ỡm ờ” trong quản lý, xử lý cũng là những nguyên nhân để các loại “văn hóa độc hại” này xâm nhập. “Phía trung tâm, chúng tôi khẳng định, luôn muốn làm hết khả năng của mình và kiên quyết bài trừ các hình thức “cá tính” thiếu văn hóa này”, nhạc sỹ Phó Đức Phương bày tỏ.

“Ngoài ra, trung tâm cũng mong muốn các tác giả bị xâm phạm lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, cũng là bảo vệ sự trong sáng cho nền âm nhạc Việt. Bên cạnh đó, mong rằng các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý để bài trừ những thứ văn hóa lai căng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam”. “Trong tuần này, Thanh tra Sở sẽ làm việc với Viettel” Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Minh (Chánh Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội) cho biết, khi trao đổi với chúng tôi ngày 21/9.

“Trong chương trình làm việc tới đây, ngoài những nội dung trong kế hoạch làm việc với Viettel, chúng tôi sẽ kiểm tra việc trên trang web imuzik (kho nhạc chờ của Viettel) đăng tải những bài nhạc chờ chế, nhái theo các bản nhạc, bài hát, gây phản cảm như các bạn”, ông Minh khẳng định.

Ông Minh cũng cho biết thêm, khi kiểm tra, đơn vị nào sai, đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm. “Thông thường, những chương trình tải nhạc chờ, các nhà mạng sẽ giao cho một đơn vị tổng đài đầu số ngoài mạng đấu thầu khai thác, có thể Viettel cũng vậy, tuy nhiên, phải qua kiểm tra mới biết. Nếu đơn vị nào sai, đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ thông báo kết quả tới bạn đọc thông qua báo các bạn”, ông Minh nói.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.