Những "con nghiện" hi-end

Trong các thú chơi thì thú chơi âm thanh hi-end được xếp vào hàng quý tộc. Thú chơi này đã tồn tại ở Việt Nam từ mấy chục năm nay, nhưng cho đến nay, ít người biết về thú chơi này, cũng như tất cả những gì liên quan tới nó.

Từ trăm nghìn USD tới không thể tưởng tượng

Có lẽ, đầu tiên phải nói về dàn âm thanh hi-end. Một bộ dàn âm thanh hi-end tuy cũng dùng để thưởng thức âm nhạc trong gia đình, nhưng nó hoàn toàn khác với các thiết bị âm thanh thông dụng. Các thiết bị nghe nhạc khủng đều được làm thủ công hoặc bán thủ công, ráp từng món theo sở thích nên vô cùng đắt.

Dây loa cũng bằng vàng, hiệu nọ hiệu kia, Kimber với lại BMI Piranha. Đầu đọc CD phải có preamp bóng đèn, đại loại như hiệu Audioromy. Bộ chuyển tín hiệu digital/analog MHZS cho phép xử lý tín hiệu ở chất lượng cao nhất 24bit/192KHz. Ampli thì phải cỡ RudiStor RR88, bóng đèn cả chùm sáng long lanh. Loa thì khỏi nói, hằng hà sa số chủng loại, tên nào nghe cũng sáng choang như: Vienna Ascoustics, Usher Audio, Isophon...

Âm thanh của một bộ dàn hi-end "mềm", "ngọt", không "rời", "tơi" hẳn ra như loa monitor phòng thu mà quyện chặt với nhau. Nó phản ánh được "vị trí" âm thanh một cách hoàn hảo, cho người nghe tưởng tượng ra được chỗ đứng của từng người trong dàn nhạc, trước sau, trái, phải, lớp lang rõ ràng.

Với những tính năng tuyệt vời như thế, giả cả của một dàn hi-end cao ngất trời. Một đôi dây loa của Karma loại kha khá (kha khá thôi, chứ không phải là loại luxury) đã có giá...30.000USD, ngang giá với một chiếc ô tô loại ngon lành. Một cặp loa của West Lake Audio thường thường bậc trung cũng trên 200.000USD. Tất nhiên giá một bộ phận đã như vậy thì sở hữu cả một bộ dàn âm thanh hi-end, cần một số tiền rất... kinh hoàng, thường từ cả trăm nghìn USD tới... không tưởng tượng nổi.

Hiện nay, trên thế giới, bộ dàn hi-end đắt nhất đang được chào bán với giá 2 triệu USD. Thứ hai là bộ dàn 101 X-Treme luxury của hãng MBL có giá 1 triệu USD, tức là khoảng 18 tỉ đồng. Với giá cả này thì những đệ tử của hi-end trên thế giới cũng ở xa mà ngó thôi, nhưng "một người Việt Nam đã ẵm nó về nhà mình ở Hà Nội. Tiếp đến, hai bộ dàn giá nửa triệu USD cũng đã thuộc về hai người yêu thanh đỉnh cao Việt Nam khác", một người chơi hi-end có uy tín tiết lộ.

Tuy nhiên, với giá cả như vậy, phần lớn người chơi hi-end ở Việt Nam đều dùng những bộ dàn đã qua sử dụng. Họ chơi các bộ dàn hi-end second -hands không phải vì hoài cổ, vì muốn "độ" hàng theo cá tính... mà bởi giá đồ cũ thì thấp hơn giá đồ mới. Các bộ dàn cũ này thường từ các studio thải ra, hoặc được đem về từ các chợ đồ cũ ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông...

Giá một bộ dàn hi-end second-hands khoảng 1.500-3.000 cho một bộ trung bình và khoảng 10.000 USD cho một loại luxury, ấy là chưa kể mua được một bộ dàn hi-end thì phải sắm được cái cho nó chạy, đó là những đĩa âm thanh dành riêng cho loại máy này. Những đĩa nhạc này được sản xuất ở nước ngoài và giá không bao giờ dưới 20USD.

So với bộ dàn hi-end thì cái giá một đĩa kia là... "muỗi", nhưng khổ cái là một người chơi hi-end muốn nghe "đã" tai nên bao giờ cũng phải có cả trăm đĩa như vậy trong nhà.

Những ai chơi hi-end

Với giá tiền như vậy, không có gì lạ khi ở Việt Nam, số người chơi hi-end vẫn vào hàng hiếm so với các thú chơi khác.

Ở Việt Nam, chỉ có một câu lạc bộ duy nhất của những người thích âm thanh hi-end là Câu lạc bộ Âm thanh Hà Nội (Hà Nội Audio Club), được thành lập từ năm 2005 với 4 thành viên sáng lập, gồm Chủ tịch Câu lạc bộ là anh Lê Quốc Huy (còn gọi là Huy Bác Cổ) và 3 thành viên sáng lập là nhạc sĩ Phạm Quang Minh, anh Nguyên Tuấn Anh (còn gọi là Tuấn Gồ Ghề), anh Bùi Kim Trường (còn gọi là Trường con) - chủ hãng taxi Phủ Đổng.

Cho đến nay, sau 4 năm thành lập, số thành viên chính thức của Câu lạc bộ... vẫn y nguyên. Tuy nhiên, thực tế cũng có kha khá người tham gia vào giới hi-end, trong đó có những cái tên nổi tiếng như: nhạc sĩ Ngọc Đại, nhiếp ảnh gia Phương Hồng Khánh, họa sĩ Minh Đỉnh, NSND Đào Trọng Khánh, nhạc sĩ Thụy Kha.

Anh Lê Quốc Huy, Chủ tịch Câu lạc bộ này cho biết, "ở Hà Nội, có khoảng 100 người chơi đồ âm thanh hi-end. Ở TP.HCM, số người chơi gấp 10 lần ở Hà Nội. Ngoài ra, ở các thành phố lớn như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu... đều có".

Người chơi hi-end ở Việt Nam cũng có đủ thành phần nghề nghiệp, từ nhạc sĩ, họa sĩ, đạo diễn tới bác sĩ, doanh nhân...

Mỗi người đến với hi-end bằng một con đường khác nhau và để chơi được hi-end cũng khá nhọc nhằn. Như anh Huy, Chủ tịch Câu lạc bộ Âm thanh Hà Nội thì từ nhỏ, anh đã thích các dàn máy. Ngay sau khi đất nước thống nhất, anh lên tàu vào TP Hồ Chí Minh học nghề sửa chữa điện tử rồi quay về mở cửa hàng bán các loại máy nghe nhạc, còn bây giờ, anh chỉ bán các bộ dàn âm thanh hi-end và cửa hàng của anh là một trong những cửa hàng hi-end có uy tín ở Việt Nam.

Để chơi được những bộ dàn này, anh Huy phải tự học cách hiểu âm nhạc, chính xác là hiểu dòng nhạc bác học. Bởi dàn máy hi-end được tạo ra để nghe nhạc cổ điển.

Công cuộc mày mò tự học cũng công phu và vất vả. Anh kết bạn với các nhạc sĩ, tự học tiếng Anh để đọc được sách nước ngoài về âm nhạc, về hi-end... Việc học hành này của anh trên trang giấy chỉ mô tả vài dòng vậy thôi, nhưng anh đã học mất nhiều năm, cóp nhặt rất nhiều kiến thức để được như ngày hôm nay - giới hi-end Việt Nam nhắc đến tên anh với lòng trân trọng.

Bên cạnh những người yêu âm thanh hi-end nghiêm túc trên, lại cũng có người chơi hi-end như một thú chinh phục. Giới hi-end Hà Thành vẫn nhắc đến một thanh niên tên là C, mới ngoài 20 tuổi. C có thú vui là cứ có bộ dàn hi-end nào mới ra là phải tìm cách có bằng được. Kết quả là hiện nay, C sở hữu tới mấy bộ dàn hi-end mà mỗi bộ tới hơn tỉ đồng. Tuy nhiên, C không được giới hi-end phục, vì C không tự kiếm ra những đồng tiền đó, mà do mẹ cho và C bị nhận xét là "chơi theo bầy đàn, thiếu tai thẩm nhạc".

Nói chung, cũng như nhiều thú chơi khác, người ta đến với hi-end theo nhiều con đường khác nhau. Tuy nhiên, những người chơi hi-end Việt Nam có một điểm khá lạ. Điểm lạ này nằm ở thành phần những người chơi hi-end. Thường thì với yêu cầu phải có nhạc cảm tinh tế mới thích và chơi được đồ hi-end, ai cũng cho rằng như vậy thì giới nghệ sĩ phải chiếm tỉ lệ nhiều trong những người chơi hi-end ở Việt Nam. Nhưng sự thực lại khác xa.

"Nghệ sĩ chơi hi-end ở Việt Nam rất ít. Phần nhiều những người chơi hi-end ở Việt Nam là quan chức đã về hưu, hoặc doanh nhân thành đạt", một người chơi hi-end có tiếng ở Việt Nam tiết lộ. Lí do của tỉ lệ lạ này là "nghệ sĩ lấy đâu ra hàng chục nghìn USD, hàng trăm nghìn USD, thậm chí là hàng triệu USD để chơi hi-end".

"Trong ba người Việt Nam sở hữu bộ những dàn hi-end giá kinh hoàng được kể trên thì chỉ có một người là doanh nhân, hai người còn lại đều là...cán bộ nhà nước", người chơi hi-end uy tín cho biết.

Được biết, anh Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn Trung Nguyên, cũng là một tay "nghiền" hi-end và anh vừa ẵm bộ dàn hi-end có tên Odeon No.32 với giá xấp xỉ 100.000USD, tương đương với 1,8 tỉ đồng.

Lừa vợ, dối mẹ

Với giá trên trời này thì dễ có thể sở hữu một bộ dàn hi-end là việc... gian nan vất vả với dân nghiền âm thanh hi-end. Quanh việc những "con nghiện" hi-end xoay đủ tiền để thỏa mãn sở thích của mình cũng có rất nhiều chuyện thú vị. Dân chơi hi-end Hà Nội vẫn cười cười kể với nhau chuyện anh H đã vay vàng (tiền dưỡng già) của mẹ rồi vụng trộm vợ đi mua bộ dây loa hàng nghìn USD về. Không cần phải kể thì cũng biết sau đó, anh gặp... "sóng gió" với vợ thế nào.

Lại có anh N không cho con đi học ở các trường quốc tế, vì muốn dành tiền... mua dàn âm thanh hi-end mơ ước.

Anh K mê hi-end đã có một mẹo rất "hay". Khi đi cùng vợ ở nước ngoài, cứ say mê ngắm nhìn bộ dàn hi-fi (hi-fi là bộ dàn âm thanh cho chất lượng âm thanh thấp hơn hi-end nhiều và giá cao nhất cũng chỉ khoảng vài nghìn USD) đã qua sử dụng, giá khoảng vài trăm USD, rồi thiết tha nói với vợ là mình ước có bộ dàn này. Vợ thấy không đắt lắm, xuất tiền ra mua tặng chồng.

Anh K. mang bộ dàn này về nhà, rồi từ đó, thỉnh thoảng lại thay cái này, đổi cái kia và cuối cùng, bộ dàn hi-fi thường thường thành bộ dàn hi-end đỉnh cao với giá cả trăm ngàn USD. Anh K nói với vợ rằng anh chỉ đổi qua đổi lại với bạn bè, không phải thêm tiền mua bán gì nên vợ anh tin. Vả lại vợ anh K như nhiều phụ nữ khác, không hiểu gì về máy móc kĩ thuật, cứ nghĩ những bộ dàn sau này của chồng có giá cũng tương tự như bộ dàn đầu tiên mình mua tặng, nên mặc chồng muốn trao đi đổi lại, chỉ cần chồng vui.

Kết quả là anh K phải thường xuyên đề phòng ngay cả khi tiếp những "con nghiện" hi-end như mình-cái thú của dân nghiền hi-end là phải tụ tập lại, cùng nghe âm thanh rồi cùng tán thưởng với nhau mới vui - khi vợ không có nhà, nhưng khi nói tới giá cả những bộ dàn của mình, anh và khách cũng phải nói nhỏ, vì sợ... cô giúp việc nghe được, về mách với vợ.

Chẳng thế mà anh Huy, chủ tịch Câu lạc bộ Âm thanh Hà Nội, từng vui vẻ tuyên bố: "Muốn chơi hi-end phải bất nhân, bất nghĩa!". Câu này được giới hi-end gật gù tán thưởng. Bởi nhiều người trong số họ đã làm việc cật lực một thời gian dài, đã dành dụm đủ tiền để mua được dàn máy mình mơ ước, nhưng tới lúc đó, vợ họ "bỗng nhiên dở chứng, không cho mua. Tiền vợ quản, vợ không cho thì lấy thế nào được", một tay nghiền hi-end đau khổ kể và bổ sung thêm: "Hoặc là phải được tự quản lấy tiền mình kiếm ra".

Theo Lưu Nguyễn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.