Quá tải não bộ

Càng biết nhiều, chúng ta càng hiểu ít. Các nhà khoa học lo ngại rằng, thác lũ thông tin sẽ lấy mất của chúng ta năng lực tư duy hợp lý.

Chỉ phấn đấu để không bị lạc hậu, mỗi ngày não bộ chúng ta phải tái chế lượng thông tin khổng lồ, ngày càng nhiều hơn. Đó là hỗn hợp vô số tin tức về những bằng chứng mới nhất liên quan đến hiện tượng khí hậu Trái đất nóng lên, về những tai nạn khủng khiếp do thiên tai và do con người gây ra ở nhiều nơi trên thế giới, về khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những tin đồn thất thiệt từ Internet, thư điện tử… Những nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng, có thể chúng ta đã tiếp cận điểm giới hạn của tiến hóa nhân loại, khi thế giới công nghệ số do chúng ta tạo nên đã bắt đầu vượt qua công suất tái chế của tế bào thần kinh con người.

Hậu quả vì quá tải bởi dòng lũ thông tin, não bộ chúng ta ngày càng thờ ơ với những vấn đề thời sự của thế giới. Những thảm cảnh chúng ta nhìn thấy trên màn ảnh ti vi – và tình cảm xúc động lẽ ra phải xuất hiện - sẽ không được tri giác của chúng ta “chế biến”, bởi chúng đã trốn chạy vào những vụ việc đơn giản hơn. Đồng thời tâm trạng thất vọng và ý thức về sự không bắt kịp về mặt trí tuệ xuất phát từ thực tế quá tải thông tin có thể dẫn đến những trạng thái hoảng loạn và trầm cảm.

Ngày càng nhiều hơn, ngày càng nhanh hơn

Tốc độ dòng chảy những thông tin kỹ thuật số đã vượt qua năng lực đánh giá về mặt đạo lý. Sự xuất hiện bất ngờ những tin ngắn - về những vụ ẩu đả, về nỗi khổ đau, mối đe dọa với môi trường và những hoạt động chiến tranh – chúng ta tiếp thu theo cách rất hời hợt, chúng không khơi dậy trong chúng ta cả tình cảm phẫn nộ cũng như sự đồng cảm, cũng không khơi gợi hứng thú. Mọi chứng cứ đều cho thấy: Càng biết nhanh về vấn đề nào đấy, chúng ta càng ít quan tâm đế nó – và cùng lúc chúng ta trở nên ít nhân văn hơn. Đã xuất hiện mối lo ngại:Tình trạng hấp thụ một cách vô thức thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta càng khó tìm kiếm kiến thức đích thực.

Các nhà khoa học Mỹ thuộc Đại học California ở San Diego cách đây không lâu đã thu thập được những bằng chứng thuyết phục khẳng định, những đặc tính đa năng của tâm lý nhân loại – năng lực thấu cảm, tình thương, sự hào phóng, tính bao dung và cảm xúc ổn định – đã được lập trình trong não bộ.

Trong bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành Archives of General Psychiatry” giáo sư Dilip Jeste bày tỏ quan điểm cho rằng, những tế bào thần kinh liên quan đến những năng lực gần như chắc chắn được định vị chủ yếu tại địa bàn vỏ não trước trán – khu vực phản xạ tự do và được hình thành khá muộn và thường bị bỏ qua, một khi tri giác của chúng ta cho rằng, xuất hiện mối nguy hiểm nào đó đe dọa trong khi những phản xạ của chúng ta bắt đầu bị chi phối bởi linh tính tồn tại nguyên thủy.

Vậy nên cho dù sinh ra với tiềm năng phát triển trí tuệ, bão tố các phương tiện truyền thông của cuộc sống hiện đại có thể đẩy quá trình phát triển của trí tuệ sang đường ray phụ. “Những hành vi hữu ích về phương diện tâm lý học như sự ngưỡng mộ hay phẫn nộ đòi hỏi lao động lớn hơn của não bộ so với những cảm xúc sơ đẳng, như phản ứng với đau đớn – Giáo sư Jeste khẳng định. - Sự oanh tạc dữ dội thông tin của những yếu tố bên ngoài tác động tiêu cực đến sức khỏe chúng ta. Không mang lại cho con người cơ may tiêu hóa thông tin và đưa ra những quyết định hoặc phản ứng thích hợp”.

Mối e ngại này cũng cảm nhận rõ trong những kết luận của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Não bộ và Khả năng Sáng tạo (Đại học Nam California, Mỹ). Những nghiên cứu hình ảnh não bộ của họ đã cho thấy: Cho dù tri giác của chúng ta chớp nhoáng ghi lại thực tế ai đó đau khổ hoặc hoảng hốt, song sẽ hình thành chậm hơn những phản ứng chín muồi hơn, như sự đồng cảm. Những nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành “Proceeding of the National Academy of Sciences” được tiến hành với sự tham gia của 20 tình nguyện viên, đã sử dụng những câu chuyện chắt lọc từ cuộc sống có khả năng khơi dậy ở đối tượng nghiên cứu hoặc sự ngưỡng mộ trước hành động dũng cảm và khéo léo hoặc sự đồng cảm với nỗi đau do những nhân tố thể chất hoặc xã hội gây nên.

Nhờ những nghiên cứu hình ảnh não bộ người ta xác định được, những tình nguyện viên trung bình cần từ 6 đến 8 giây, để phản ứng một cách đầy đủ với phát biểu gây ấn tượng hoặc sự đau khổ của ai đó – trái lại những phản ứng với các tình huống không đòi hỏi cảm xúc, não bộ của họ chỉ cần thời gian ngắn hơn đáng kể.

Những kết quả trên đòi hỏi sự xác nhận của những nghiên cứu độc lập khác, nhưng theo các nhà khoa học, chúng cho thấy, thỉnh thoảng chúng ta cần phải từ bỏ thói quen tham khảo thông tin hàng ngày, bởi trường hợp ngược lại chúng ta sẽ bị tê liệt hoàn toàn sự mẫn cảm đạo lý.

“Dòng thác thông tin của kỷ nguyên kỹ thuật số có thể tạo cho chúng ta cảm giác trơ lỳ với mọi thảm họa có thể gây ra những hậu quả xấu” – các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Những nghiên cứu này dẫn dắt chúng ta đến những câu hỏi nền tảng về tương lai tế bào thần kinh. Bởi một khi năng lực thuần hóa thông tin của trí tuệ con người giảm sút, liệu có thể loại trừ khả năng não bộ của chúng ta đột ngột tiến hóa vì hậu quả tình trạng trên? Hoặc có thể cần phải nghĩ đến việc soạn thảo mô hình tiêu thụ truyền thông chậm rãi hơn, thay vì nỗ lực tiêu hóa nhanh hơn số lượng nhiệm vụ ngày càng lớn hơn bằng những cố gắng nắm bắt bước đi của sự kiện không hiệu quả? Một bộ phận nhà khoa học thậm chí đề xuất giải pháp nghiên cứu điều chế biệt dược hỗ trợ hoạt động trí tuệ và cấy vào vỏ não những thiết bị tạo điều kiện cho dòng thông tin chảy nhanh hơn vào chủ thể chất xám của não bộ.

Cơn choáng của tương lai

Như tạp chí chuyên ngành “Columbia Journalism Review” thông báo, năm 2006 thế giới đã tạo ra 161 exsabaj (1 exsabaj là một tỷ tỷ baj) dữ liệu được số hóa. Đó là số lượng ba triệu lần lớn hơn so với số lượng thông tin ẩn chứa trong tất cả những cuốn sách đã được viết trong lịch sử nhân loại. Người ta dự báo, trong năm tới con số này sẽ đạt mức 988 exsabaj. Mức tiêu thụ thông tin cá nhân cũng gia tăng một cách đáng lo ngại: Dân chúng các quốc gia phương Tây vẫn duy trì thời gian xem ti vi trung bình tám giờ mỗi tuần, song thời gian dành cho Internet năm 2007 đã tăng 24% so với năm 2006 (theo kết quả điều tra của hang Compete).

“Không có gì nghi ngờ, não bộ xấu số của chúng ta đã bị quá tải thông tin – Giáo sư Felix Economakis, chuyên gia tâm lý chuyên nghiên cứu stress nổi tiếng ở Luân Đôn nhận xét: - Kỹ thuật đã chinh phục những tiến bộ vượt bậc, oanh tạc chúng ta bằng những thông tin liên tục mới, tiếc rằng não bộ chúng ta không thể theo kịp và không thể thích nghi với nhịp sống mới. Khả năng nhận thức của não bộ chúng ta có hạn. Một khi tất cả ở quanh chúng ta đều đòi hỏi phải lưu ý, chúng ta bắt đầu phải thu mình lại - hiện tượng vô tình làm cho những người xưa nay sống rất nhiệt thành, bỗng chốc tê liệt khả năng thấu cảm. Trung tâm điều khiển cảm giác hoảng sợ trong não bộ chúng ta có tên là thể hạnh đào, hoạt động theo nguyên tắc “chiến hoặc chạy trốn”. Tình trạng quá tải thông tin làm cho trung tâm này ghi nhận trạng thái bị đe dọa và ngắt mạch hoạt động củ vùng vỏ não cao hơn chịu trách nhiệm thấu cảm. Khi ấy chúng ta ít có thiên hướng trợ giúp người thân. Tuy nhiên mặt khác, vì rơi vào trạng thái stress chúng ta sẽ chờ đợi sự trợ giúp của những người ở gần. Nhưng vì những đối tượng đó cũng bị stress, nên họ cũng tự thu mình. Hệ quả, tất cả đều hy vọng sự hỗ trợ của người thân, song không ai có thiện chí làm điều đó. Rút cục, trong thế giới thông tin hiện đại phát triển vũ bão, con người thực sự không còn mối liên hệ mật thiết”.

Có lẽ chúng ta đã tiếp cận giới hạn, mà năm 1997 hai nhà phê bình văn hóa Arthur và Marilouise Kroker đã viết trong cuốn sách “Mê sảng số hóa”, khi chúng ta va đập với “quy luật hoàn trả”, xuất phát từ thực tế với phản xạ tự vệ bẩm sinh trước tình trạng quá tải thông tin, não bộ đơn giản đã tự động ngắt một số chức năng: “Công nghệ phát triển càng nhanh, tốc độ tư duy càng chậm. Nền văn hóa càng mang tính vội vã, nhịp độ những biến đổi xã hội diễn ra càng chậm chạp”.

Từ sớm hơn, bởi ngay năm 1970, trong cuốn sách “Cú sốc của tương lai”, nhà tương lai học Alvin Toffler đã tiên đoán rằng, sự phát triển nhảy vọt của thông tin cuối cùng sẽ làm con người bị choáng ngợp.

Dân bản xứ và người nhập cư

Tuy nhiên, gần như chắc chắn não bộ của chúng ta vẫn chưa sử dụng hết khả năng tiến hóa của mình. Trong cuốn sách “não bộ thông tin: Làm sao vượt qua sự biến đổi công nghệ trí tuệ hiện đại?” của mình, Giáo sư Gary Small lại cho rằng, những biến đổi đầy kịch tính diễn ra trong phương thức hiểu biết và thu thập thông tin đã mở đầu sự phát triển cực nhanh của não bộ chúng ta. “Rất có thể chúng ta đang đối mặt với những biến đổi nhanh nhất và kịch tính nhất trong não bộ nhân loại kể từ thời gian, khi con người học được cách thức sử dụng công cụ - Giáo sư Small giải thích. – Cùng với quá trình não tiến hóa và tập trung nhiều hơn vào những năng lực mới do công nghệ mới tìm ra, đồng thời ở mức độ nhất định cũng biến mất dần những năng lực xã hội cơ bản”.

Giáo sư Small, chuyên gia thần kinh học Mỹ (Đại học California ở Los Angeles) chia con người thành hai nhóm: Dân công nghệ số bản xứ (những người sinh ra sau thời điểm Apple chế tạo thành công máy tính Macintosh) và dân nhập cư kỹ thuật số (đối tượng vẫn nghi ngờ năng lực của máy tính). Nhìn chung người trẻ tuổi xuất sắc hơn trong những quyết định nhanh và xoay sở tốt hơn với số lượng lớn hơn những nhân tố kích thích tri giác, trong khi những người cao tuổi có khả năng giải mã tuyệt vời tình cảm từ gương mặt người xa lạ. “não bộ “dân nhập cư” đã được rèn luyện theo những phương thức giao lưu xã hội hoàn toàn khác và những phương pháp học tập, hoàn thành công việc từng bước một và tập trung vào thời điểm nhất định với duy nhất một nhiệm vụ” – Giáo sư Small lý giải.

Tất cả chứng cứ đều cho thấy: Ở trẻ thuộc kỷ nguyên Macintosh việc tìm kiếm trên Internet kích hoạt số lượng các mạch tế bào thần kinh lớn hơn so với đọc sách. Tuy nhiên, thậm chí giáo sư Gary Small thừa nhận rằng, việc đó buộc chúng phải trả giá nhất định – dân bản xứ kỹ thuật số dành rất ít thời gian cho những hành vi ứng xử xã hội truyền thống cơ bản, thí dụ như trò chuyện trực tiếp với hàng xóm láng giềng.

Trong khi ấy, giáo sư Jeste lại cho rằng, những khác biệt trong cách thức tự xoay sở với bão lụt thông tin có thể phụ thuộc vào gien di truyền, một chút may mắn và kinh nghiệm sống. “Với người này stress có thể làm tê liệt, với người khác - khiến họ trở nên có khả năng đề kháng mạnh hơn, kích thích phát triển” – Giáo sư Jeste khẳng định.

Tuy nhiên, trong điều kiện bão lụt thông tin liên tục xảy ra cuộc sống có thể phải gánh chịu sự trả giá tình cảm khác - với sự xuất hiện của trạng thái, mà Tiến sĩ Linda Stone đặt tên là sự đơn giản hóa liên tục tri giác. Từng là thành viên Hội đồng quản trị Microsoft, năm 2002, tiến sĩ Linda Stone quyết định từ bỏ công việc, để dành thời gian hoạt động từ thiện, bà đã cảnh báo: “Chúng ta đã kéo dung lượng chú ý của mình đến giới hạn cuối cùng. Ai cũng tưởng, có thể liên tục thổi phồng to nó, giống như có thể liên ục gia tăng công suất của bộ nhớ máy tính. Đó là sai lầm nguy hiểm”.

Não bộ liên tục phải thực hiện nhiều chức năng có thể gắn liền với tình trạng quá tải lớn đe dọa khả năng hoạt động bình thường của trí tuệ - hiện tượng đã được những nghiên cứu của các nhà khoa học Anh (Đại học Luân Đôn) chứng minh năm 2005. Người ta đã khẳng định rằng, một khi liên tục gửi tin nhắn và thư điện tử, chỉ số thông minh (IQ) của chúng ta có thể bị giảm 10 điểm - tức hậu quả tiêu cực tương tự nhiều đêm mất ngủ.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.