Say tốc độ

Những khuôn mặt đỏ bừng náo nức, những ánh mắt đầy ắp đam mê, những tiếng hò reo xen lẫn tiếng rú ga, tiếng phanh gấp với tốc độ thử gần 100km/h làm cuộc đua tăng thêm bội phần hào hứng...

Ba chiếc xe đua đã vào vạch xuất phát. Mỗi chiếc có một kiểu dáng khác nhau nhưng chiếc có một kiểu dáng khác nhau nhưng chiếc nào cũng được làm theo kiểu xe công thức I hay xe đua kiểu Dakar, trông rất đẹp mắt. Đọc đến đây, có thể bạn tưởng người viết đang mô tả một trường đua xe thể thức I tại một tỉnh miền Nam nước Pháp? Nhưng không, nơi diễn ra cuộc đua nói trên chính là công viên 23-9 ở (Q1.TP.HCM) và hôm ấy là buổi tập dượt thường xuyên cho các tay đua xe mô hình điều khiển từ xa.

Đầu tư để chơi

Sáng Chủ nhật, tại công viên 23-9, một địa điểm không ít dân chơi xe chọn để đua xe, thu hút khá đông người tới xem. Người viết cũng chen chúc trong số những người hiếu kì. Một tay chơi xe cho biết, đây là một tụ điểm tự phát như quận 8 hay Cát Lái. Các tay đua đến đây có cả người Canada, Đài Loan hay Nhật Bản còn ở CLB Thể thao Nguyễn Du, như một số người chơi cho biết:tuy cũng hoạt động tự phát nhưng được tổ chức dưới một CLB RC (Radio control) hẳn hoi.

Theo tìm hiểu xe mô hình điều khiển từ xa cũng sử dụng xăng như xe máy thông thường, nhưng xăng là loại methanol, trước khi đổ vào bình xăng của xe, người sử dụng xe phải pha chế xăng theo quy định, tiêu chuẩn khá bài bản và nghiêm ngặt. Xăng pha chế đúng, chỉnh lửa, chỉnh máy tốt thì ngay khi khởi động tiếng động cơ phát ra đã gây thích thú cho người chơi xe lẫn người xem.

Cảm giác "càng bốc" khi xe vào vạch xuất phát với tiếng gầm rú như xe thật và tốc độ chạy chóng mặt khoảng 130km/h. Không chỉ thế, dân chơi xe còn độ xe, chế xe để biến một "con xe" cũ (có thể vừa được mua lại) thành một con xe hoàn hảo. Cũng "xoáy nòng, đôn zên", cũng chỉnh lửa, chỉnh xăng nhằm tăng tốc độ sau khi đề-pa.

Cũng giống như chơi xe hơi, xe mô hình cũng có thợ "độ xe". Người chơi có thể thuộc loại phuộc nhún để giữ xe thăng bằng hơn, tính ổn định hơn. Những món độ thêm tạo nên sự khác biệt giữa các xe, chẳng hạn chênh lệch khối lượng xe dao động từ 80-100g. "Chỉ cần thay kết cấu nhôm giữ động cơ bằng hợp kim cácbon sẽ nhẹ và bền hơn", một dân độ xe cho biết.

Ngoài khung và động cơ, thiết bị điều khiển đóng vai trò quan trọng thiết bị này gồm một máy phát do người lái giữ, một máy thu gắn trên xe.Sử dụng pin, thiết bị điều khiển còn chia thành nhiều loại tùy theo chức năng, tính năng. Đơn giản nhất là loại súng, với các chức năng nạp ga, thắng, rẽ. Loại dành cho dân chuyên nghiệp có thể đạt tốc độ. Tùy theo mặt đường đua sẽ đặt lại chế độ ăn ga ở tay cho phù hợp.

Khi có hiệu lệnh xuất phát, 3 chiếc xe địa hình rú ga, tăng tốc vọt. Thỉnh thoảng lại có xe rẽ vào đường nhánh để tiếp nhiên liệu rồi nhanh chóng hòa vào đường đua. Những pha ôm cua điệu nghệ, những cú tăng ga qua mặt, rồi sau đó nhanh chóng ôm cua vì đường đua địa hình này có tới 10 cua. Căng thẳng, sôi nổi, hào hứng, trạng thái biểu cảm ấy được dồn nén trong cuộc đua kéo dài 10 phút, để rồi vỡ òa sau tiếng còi báo hết giờ.

Đầu tư cho đam mê

Anh Phong, nhà ở tận Q.Bình Tân nhưng sáng Chủ nhật nào cũng mang xe đến công viên 23-9 để chơi, "một kiểu thư giãn bổ ích", như anh nói. Mê xe mô hình từ nhỏ nên khi có điều kiện chơi anh bỗng say như..."nghiện" dù chơi rất tốn công, mất sức. Mỗi lần đua xong phải rửa xe bằng cồn nếu không các linh kiện mau hư hỏng, rỉ sét...Điều khiển xe mô hình cũng không dễ dàng.

Tại công viên 23-9, anh Trung Dũng luôn luôn được bạn bè tôn là sư phụ vì có thâm niên chơi xe loại này. Xe ai bị trục trặc là anh ra tay "cứu" một cách thuần thục. Cũng theo anh Dũng chơi xe này trên đường xi măng không thích bằng trên đường đất nện, bởi xi măng khiến lốp mau mòn, không có không khí "mù mịt bụi" như vẫn thấy ở các cuộc đua Dakar mà ở nước ta chưa có.

Anh Dũng bật mí, điều khiển xe chạy thẳng với tốc độ cao không khó, khó là khi quay đầu lại thì mọi nút điều khiển phải hoạt động ngược lại và phải duy trì tốc độ, nên người điều khiển nếu không thuần thục sẽ làm xe lật chổng 4 bánh, thậm chí còn gây tai nạn cho người đứng xem, rất nguy hiểm...

Ngoài phong trào chơi xe mô hình điều khiển từ xa, ở Tp.HCM còn có những người chơi máy bay mô hình. Nhưng hiện ngoài một CLB Hàng không phía Nam quản lý nhóm chơi máy bay thì xe mô hình hầu như hoạt động tự phát.

Theo tâm tư của nhiều người chơi xe họ rất muốn có một tổ chức hoạt động, có địa điểm cố định, có đường đua đàng hoàng, đúng chuẩn chứ không tự do như hiện nay. Nếu có đơn vị chức năng đứng ra tổ chức quản lý dưới hình thức CLB và hàng tháng, hàng quý tổ chức thi thố đàng hoàng (đương nhiên có giải thưởng) thì đây là một môn thể thao bổ ích!

Một số dân sành chơi xe cho biết, xe mô hình được phân ra thành các dạng theo hình dáng và đặc tính kỹ thuật như xe địa hình hay sàn thấp. Loại đầu tiên có bánh cao, lực đẩy chủ yếu ở phía trước. Trong khi xe sàn thấp có bánh nhỏ, chỉ đua trên đường nhựa. Một trong những lí do thu hút của môn chơi này là tính sáng tạo cao. Cùng dạng xe và chủng loại máy người chơi được quyền thiết kế xe theo ý thích như chọn màu, trang bị cản, phụ kiện.

Hiện nay, thiết bị mô hình điều khiển khá phát triển trên thế giới. Mỗi năm có rất nhiều giải đấu quốc tế ở Pháp, Thụy Sĩ, Indonexia, Thái Lan...với sự tài trợ của nhiều hãng.

Nhu cầu lớn nên hình thành một thị trường thiết bị mô hình với hơn 20 hãng chuyên sản xuất ở Mỹ, châu Âu và châu Á, tuy nhiên mỗi vùng có một thế mạnh riêng. Về máy thì các hãng của Ý, Pháp, Đức, Nhật có thế mạnh, nhất là động cơ cao tốc có thể đạt vòng quay 80.000 vòng/phút. Động cơ của xe mô hình cũng thừa hưởng thành quả công nghệ như động cơ xe thật. Trước kia, vật liệu chi tiết máy làm bằng hợp kim nhôm, nay đã có hãng sản xuất bằng ceramic, vừa nhẹ vừa bền.

Ở Tp.HCM hiện có khá nhiều tụ điểm để dân nghiền xe đua mô hình "sum họp". Có thể kể như: Công viên Q.8, Đầm Sen, Cát Lái (Q.2), Nguyễn Du (Q.1)... Nếu gọi đây là một trò chơi của nhà giàu hẳn cũng không quá lời, bởi lẽ để đầu tư cho một chiếc xe mô hình điều khiển từ xa chủ nhân của nó phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ, thấp nhất tầm 3 triệu đồng, cao nhất là vô chừng, khoảng từ 20 triệu đến 100 triệu đồng.

Dân chơi xe Việt tất nhiên không thể có một chiếc "made in Việt Nam", song họ thường chê xe nhập từ Trung Quốc vì linh kiện không đồng bộ và mau hỏng. Dân chơi thứ thiệt thích xe nhập từ Đài Loan và Mỹ.

Theo Huỳnh Hoàng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.