Thiếu ứng dụng, Tablet Google 'hụt hơi' trước iPad

Việc thiếu ứng dụng dành cho máy tính bảng Android là một trong những lý do chính khiến cho iPad vẫn giữ được thế độc tôn trên thị trường. Hơn ai hết, Google hy vọng có thể thay đổi điều này với những tân binh Nexus mới.

Việc thiếu ứng dụng dành cho máy tính bảng Android là một trong những lý do chính khiến cho iPad vẫn giữ được thế độc tôn trên thị trường. Hơn ai hết, Google hy vọng có thể thay đổi điều này với những tân binh Nexus mới.

Với việc mở rộng họ tablet Nexus, Google không chỉ muốn lôi cuốn người dùng cuối đến với Android mà hãng còn muốn đánh tiếng với cả giới phát triển.
 
Có thể nói, với Nexus 10, cả Google và Samsung đã khéo léo tạo ra một tablet qua mặt iPad 4 cả về độ phân giải màn hình lẫn giá thành. Còn Nexus 7 lại là nỗ lực của Google và Asus trong việc tạo ra một đối thủ có dung lượng bộ nhớ tương đương/lớn hơn nhưng giá thành lại rẻ hơn hẳn so với iPad Mini.

Thông điệp ở đây không thể rõ ràng hơn: Google sẵn sàng dốc hết ruột gan cho cuộc chiến máy tính bảng. Không may là chính phần mềm chứ không phải phần cứng mới là rào cản then chốt trước mắt Google.

Từ khi ra mắt đến nay, tablet Android vẫn trầy trật trong việc tạo được ấn tượng thực sự nơi người dùng do kho ứng dụng Android thiếu vắng hẳn các ứng dụng dành riêng cho máy tính bảng. Tuy phần cứng và cấu hình có thể chinh phục được các fan Android nhưng hầu hết người dùng lại lựa chọn một thiết bị có thể làm được nhiều việc nhất. Apple, với kho ứng dụng khổng lồ, đã thỏa mãn được nhu cầu đó.

Câu hỏi đặt ra là liệu Nexus 10 và Nexus 7 có thể thổi được làn gió mới vào thị trường ứng dụng tablet hay không? Hiển nhiên là Google hy vọng thế. Gã khổng lồ tìm kiếm tin rằng Nexus 7 đã thu hút được sự quan tâm của giới phát triển rồi, còn Nexus 10 sẽ “nối dài” cảm hứng đó. Hãng thậm chí đã mở một website dành cho giới truyền thông để tôn vinh những ứng dụng xuất sắc nhất dành cho tablet Android.

Nhưng thực tế vẫn cứ là thực tế. Dù Google tuyên bố là quầy ứng dụng Google Play hiện sở hữu hơn 700.000 ứng dụng, bắt kịp App Store của Apple nhưng hãng này lại không công bố số ứng dụng dành riêng cho máy tính bảng là bao nhiêu. Apple thì tiết lộ rất rõ là 275.000 ứng dụng. Việc Google không dám đối đầu trực diện về con số có thể khiến cho nhiều người nghĩ rằng họ không dám nói ra.

Không thể một sớm một chiều

Giới quan sát tỏ ra hoài nghi hơn nhiều so với thái độ lạc quan của Google. Tablet Android cũng vấp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan “con gà và quả trứng” mà một số hệ điều hành di động khác như BlackBerry 10 đang phải đối mặt. Nếu như không nhiều người dùng mua tablet Android, vì sao giới phát triển lại phải mất công xây dựng ứng dụng dành cho chúng?

Nền tảng mở của Android cho phép thay đổi dung lượng các ứng dụng để phù hợp với nhiều loại thiết bị khác nhau. Nhưng một phần hấp dẫn của iPad chính là việc nhiều ứng dụng được viết ra để dành riêng cho thiết bị này, tận dụng một cách thông minh lợi thế của màn hình lớn, tạo ra bản sắc riêng so với phiên bản ứng dụng iPhone. Sự khác biệt này bạn sẽ không thể bắt gặp ở đa số ứng dụng Android.

Giới phát triển không thể không nhìn ra sự hiện diện áp đảo của iPad và họ đi theo số đông. Đó là một sự lựa chọn an toàn, nhà phân tích Maribel Lopez chỉ ra. Do đó, Android sẽ không tạo được bước ngoặt lớn về ứng dụng chừng nào thị phần của nền tảng này chưa cán mốc 30%.

Một thách thức khác cũng đến từ Amazon, vốn sử dụng một biến thể Android nhưng lại không hỗ trợ nhiều ứng dụng phổ biến của Android trừ phi người dùng chỉnh sửa lại máy. Thế nên dù là dùng chung hệ điều hành nhưng Amazon lại giành giật giới phát triển khỏi tay Android.

Một đối thủ đáng gờm khác là Microsoft cũng đang bắt đầu lôi kéo giới phát triển đến với hệ điều hành Windows 8 và Windows RT mà hãng này mới công bố hồi tuần trước. Tablet Surface của hãng đang thu hút nhiều sự chú ý từ dư luận, hơn nữa cộng đồng các nhà phát triển Windows vốn đông đảo sẵn. Do đó, thời gian của Google đang cạn dần. Hãng sẽ phải tích cực tăng tốc nếu không muốn bị tụt lại trong cuộc đua tứ mã này.

Trước hết, Google cần phải lập riêng một khu vực dành cho ứng dụng tablet, theo cách mà Apple đã làm với App Store. Thế nhưng điều éo le là Google lại không có kế hoạch như vậy. Hãng không muốn chia nhỏ Google Play thành các hạng mục. Vì thế, Apple càng quảng cáo nhấn nhá vào các con số thì Google càng bất lợi. Người dùng chỉ thấy được lợi ích khi họ lựa chọn iPad còn Google thì hoàn toàn mù mờ.

Trong khi đó, Nexus 10 lại là một sản phẩm khao khát đến tuyệt vọng ứng dụng dành riêng, bởi tablet này sở hữu màn hình có độ phân giải lên tới 2560 x 1600 p, tương đương mật độ 300 điểm ảnh/inch. Đây chính là tablet có phần thị giác ấn tượng nhất trên thị trường, hơn cả iPad Retina. Có lẽ Google nên tham vấn từ phía đối tác sản xuất Samsung cho trường hợp của Nexus 10.

Rõ ràng, bản thân Google cần tích cực và rõ ràng hơn trong cuộc chiến ứng dụng. Hãng có thể thắng về phần cứng, nhưng nếu không thay đổi về chiến lược ứng dụng, Google sẽ không thể chiếm được tình cảm cũng như khối óc của giới phát triển. Và khi phần cứng không còn là yếu tố quyết định thành bại, thì sự lừng chừng này rất có thể sẽ buộc Google phải trả giá.
Theo Vietnamnet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.