Trung thực - Cuộc chơi giật lùi nhưng văn minh

Không muốn đánh lừa thính giác bằng kỹ xảo phòng thu và những chắp ghép rời rạc. “Hi-end” - công nghệ phản ánh âm thanh trung thực, giọng hát chuẩn xác, đang được đánh giá là cách thưởng thức âm nhạc đỉnh cao đối với nhiều đôi tai sành nhạc.

Nhận diện sự trung thực

Quốc Bảo - nhạc sĩ suốt ngày bận rộn với âm thanh và công nghệ - từng đặt ra câu hỏi: Cứ tưởng tượng xem, trong kỷ nguyên số, mà đi mò mẫm chơi thiết bị tương tự (analog) có phải đang đi thụt lùi không? Có phải tự mình đẩy mình vào thế phản tiến hóa không?!

Câu trả lời từ những tín đồ hi-end là: Muốn nghe âm thanh trung thực!

Cũng dễ hiểu, bởi âm thanh trung thực luôn có sức mê hoặc kỳ lạ. Còn gì “khủng hơn”, khi các thiết bị âm thanh bị quên lãng, chỉ có các nhạc công và ca sĩ hiện hữu trong phòng nghe của bạn? Còn gì “đỉnh” hơn, khi bạn cảm thấy tiếng nói của người sáng tác và người trình diễn vượt qua không gian, thời gian, để đến với bạn, chuyện trò cùng bạn? Và còn gì “say” hơn, khi bạn cảm thấy được đắm chìm trong những cơn sóng dạt dào của đại dương âm nhạc.

“Công thức” tạo nên sự trung thực

Làm thế nào để có âm thanh trung thực? Là thu thế nào, ra CD thế ấy, không có tác động thêm bớt của kỹ xảo studio. Là thu vào bằng thiết bị analog, chạy băng 2 - inch trên máy reel-to-reel (máy có 2 lõi băng, điều khiển bằng cơ học). Là thu xong thì chuyển thẳng qua CD bằng cách thu/phát truyền thống, không phải “burn” (đốt đĩa) theo kiểu máy tính.

Phương châm của thế giới hi-end đã tối giản hóa mối giao cảm giữa âm nhạc và người nghe, giúp âm thanh đến trực tiếp với người nghe hơn. Vậy là càng ít thiết bị thì bạn càng cảm nhận được nhiều.

Theo lời dân hi-end, dàn máy nghe có đáp tuyến tần số rất rộng, đồng thời hòa quyện được các dải tần tốt, nên âm thanh mềm mại, ngọt, nghe rõ từng nhạc cụ nhưng không rời, “tơi” hẳn ra như loa monitor phòng thu mà quyện chặt với nhau. Dàn hi-end phản ánh được “vị trí” âm thanh một cách hoàn hảo, nhắm mắt lại là tưởng tượng ra được chỗ đứng của từng người trong dàn nhạc, trước sau, trái phải, rõ ràng.

Điều kiện để trung thực

Ở nước ngoài, đĩa chuyên dùng để nghe trên dàn hi-end được thu một lần cho cả người đệm nhạc lẫn ca sĩ, khi thu không được nối ráp, chơi sai thu lại từ đầu. Bản thu mộc sẽ được đưa sang “dọn” ở một thiết bị analog trước khi được số hóa để ra đĩa thành phẩm. Và thành phẩm được dập trên đĩa mạ vàng, ghi rõ “Audiophile Collection”, trên bìa đĩa ghi chi tiết kỹ thuật của quá trình thu: chơi bằng dàn gì, dây dàn hiệu gì, microphones hiệu gì, đặt vị trí như thế nào.

Theo nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải - người có những dự án hi-end mang tính tiên phong ở Việt Nam: Để thưởng thức âm nhạc, âm thanh rất quan trọng, vì nó chính là thứ chuyên chở âm nhạc. Nếu được làm mastering hoàn chỉnh thì chất lượng nghe hoàn toàn khác.

Sở dĩ những album chuẩn nước ngoài có chất lượng hi-end bởi nó đã được mastering qua hệ thống hi-end, chứ không phải chỉ mix bằng thiết bị phòng thu giống như các album sản xuất ở ta hiện nay. Xét từ góc kỹ thuật, dù hi-end là trò chơi giật lùi nhưng là một cuộc chơi văn minh - mảnh đất còn nhiều khoảng trống tại Việt Nam.

Theo Lưu Khang



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.