Ung thư, cái giá phải trả vì não to!

Tại sao con người bị ung thư nhiều hơn loài khỉ cấp cao rất gần gũi với con người?”. Bí mật ẩn giấu ở gien, trong đó có gien đảm trách sự phát triển của não bộ” – Giáo sư John McDonald, Chủ nhiệm khoa Sinh học Viện nghiên cứu Công nghệ Georgia (Mỹ) khẳng định.

Kết quả phân tích ADN con người và vượn chứng minh rằng – tối thiểu về mặt di truyền con người có họ gần nhất với vượn. Dù muốn hay không, vượn vẫn là bà con tiến hóa của chúng ta.

Sự khác biệt chưa đến 2% AND được nghiên cứu. Song những khác biệt sinh học thật to lớn. Một trong những dị biệt đó là khả năng ngã bệnh ung thư. So với con người, vượn rất hiếm khi mắc bệnh này.

Ý tưởng giải mã câu đố này đã được giáo sư John McDonald công bố trên tạp chí chuyên ngành “Medical Hypotheses” số tháng 5 vừa qua. Theo nhà khoa học này, con người bị mắc bệnh này nhiều hơn là hiệu ứng của những biến đổi tiến hóa. Một mặt, những biến đổi tiến hóa cho chúng ta bộ não kích thước to lớn hơn và chức năng hoàn thiện hơn so với loài linh trưởng. Mặt khác – những biến đổi đó dẫn đến mối đe dọa mắc bạo bệnh lớn hơn.

Đã được ghi trong gien

“Những nghiên cứu sớm hơn đã chứng minh rằng, tồn tại những khác biệt khổng lồ giữa hoạt động gien trong não bộ con người và vượn. Trong những dị biệt đó có hoạt động của những gien đảm trách cái chết đã được lập trình của tế bào thần kinh - ở con người quá trình này diễn ra với tốc độ chậm hơn” – Giáo sư John McDonald cùng các cộng sự viết trên tạp chí Medical Hyphotheses”.

Cái chết tế bào đã được lập trình thực chất là cái gì? Nhờ cơ chế này, cơ thể sống đào thải những thành phần đã “hết hạn sử dụng” hoặc bị tổn thương. Tất cả diễn ra không cần tác động từ bên ngoài – tế bào tự “quyên sinh”.

Một số gien có khả năng điều chỉnh cái chết tế bào đã được lập trình. Tuy nhiên hoạt động của chúng ở não người và não vượn rất khác nhau. “Cũng có thể nhận ra cơ chế này ở những tế bào khác của con người, một khi so sánh chúng với loài khỉ. Cái chết tế bào đã được lập trình ở con người diễn ra với tốc độ chậm hơn so với vượn”. Giáo sư McDonald nhấn mạnh.

Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu hoạt động của những gien đó ở một số mô tế bào khác nhau, trong đó có não bộ, gan, tinh hoàn và thận. Những nghi ngờ của các nhà khoa học đã được xác nhận: Cơ thể con người không loại bỏ những tế bào bị đột biến gien hoặc tổn thương hiệu quả như cơ thể khỉ.

Những tế bào không muốn chết

Các nhà khoa học cho rằng, cái chết tế bào đã được lập trình diễn ra với tốc độ chậm hơn, kém hiệu quả hơn đã giúp con người hình thành bộ não có kích thước lớn hơn. Tốc độ xuất hiện những tế bào thần kinh nhanh hơn cũng là thành phần của sự sắp đặt này.

Nhưng còn có mặt sau của tấm huân chương. Sự kìm hãm cái chết tế bào đã được lập trình cũng là một trong những đặc điểm điển hình của các bệnh ung thư. Ung thư có khả năng phong tỏa những kênh vốn thực hiện nhiệm vụ chuyển giao những mệnh lệnh khởi động quá trình tự thi hành “án tử hình” của tế bào. Những tế bào bị đột biến gien đó chia tách một cách không thể kiểm soát và gần như bất tử. “Chúng ta có bộ não lớn hơn so với tinh tinh và nhiều nhà khoa học tin rằng, dường như chúng ta sản xuất các tế bào thần kinh với tốc độ nhanh hơn – Giáo sư McDonald thừa nhận. – Tuy nhiên, tôi cho rằng, cũng có chi tiết quan trọng: Cơ thể con người không tiêu diệt những tế bào đó”.

“Thật khó giải thích, tại sao chúng ta tạo ra hệ điều khiển quá trình cái chết tế bào đã được lập trình kém hiệu quả so với loài linh trưởng – nhà khoa học Mỹ nói tiếp. – Và chính vì lý do như vậy chúng tôi đã đặt ra giả thiết: Để gia tăng dung lượng não bộ, nhất thiết phải hạn chế quá trình này. Và thậm chí nếu như cái chết tế bào đã được lập trình ít hơn có nghĩa nhiều ung thư hơn, sự tiến hóa này cũng không quan trọng như vậy. Bởi muốn hay không – đa số các bệnh ung thư cũng xuất hiện sau khi con người đạt được độ tuổi tái sản xuất nòi giống”.

“Hiện điều đó chỉ là giả thiết, vậy nên câu hỏi, giả thiết có là sự thật hay không vẫn bỏ ngỏ - bình luận ý tưởng của đồng nghiệp, Giáo sư Stephen Hubbell, chuyên gia Sinh học tiến hóa (Đại học California ở Los Angeles) nhấn mạnh. – Sẽ hết sức thú vị, một khi kết quả khẳng định, sự phát triển bùng nổ gien ở người và khỉ tác động đến nguy cơ mắc bệnh”.

Những nghiên cứu của tập thể các nhà khoa học Mỹ dưới sự chỉ đạo của Giáo sư John MacDonald vẫn còn đòi hỏi sự xác nhận. Hiện người ta mới phân tích sự hoạt động của gien. Giai đoạn tiếp theo sẽ là sự xác nhận, liệu thực tế tốc độ tế bào tự chết có diễn ra khác nhau giữa con người và loài linh trưởng.

Một khi căn bệnh biết tự vệ

Chứng cớ bổ sung khả dĩ có thể xác nhận tính chính xác giả thiết của nhà sinh học Mỹ là “hiệu ứng phụ” trong trường hợp một số bệnh tác động đến chức năng của não bộ khiến cho nguy cơ xuất hiện ung thư được giảm thiểu.

Trong những trường hợp đó có bệnh parkinson. Các chuyên gia nhận thấy: Bệnh parkinson (liệt rung) giảm thiểu đến hai phần ba nguy cơ xuất hiện của đa số các dạng ung thư. Dường như ở đây các gien điều khiển cái chết của tế bào đóng vai trò chính.

Tương tự, những bệnh nhân Down (bệnh đần độn) cũng hiếm khi mắc bệnh ung thư. Tỷ lệ tử vong vì các bệnh ung thư của những đối tượng này chỉ bằng một phần mười so với chỉ số trung bình. Trong trường hợp này - như các nhà khoa học xác nhận cách đây không lâu – các gien kìm hãm sự phát triển của các mạch máu nuôi dưỡng tế bào đóng vai trò quyết định.

Con người và vượn – những người bà con gần gũi

Con đường tiến hóa của vượn người và vượn hoang dã tách ra khoảng 6 – 7 triệu năm trước, mặc dù vậy khoảng cách giữa con người và vượn về mặt di truyền rất nhỏ (1,24% AND) tức còn nhỏ hơn giữa hai loài vượn (2,2%). Sau khi rũ bỏ những “rác rưởi di truyền”, té ra giữa con người và loài vượn chỉ còn khác nhau 0,6% cấu trúc AND tích cực. “Về phương diện này và nhiều phương diện khác con người vẫn còn là một loài vượn” - Giáo sư Jared Diamond khẳng định trong cuốn sách “Con vượn thứ ba”.

Những quan sát tiếp theo cũng xác nhận kết luận trên. Loài vượn có khả năng sử dụng trên 40 loại công cụ khác nhau như búa, câu liêm hay lao. Với loại vũ khí cuối cùng cả con người và loài vượn đều có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau trong một cuộc đi săn: Tấn công, chiến đấu và tự vệ - tùy từng bối cảnh cụ thể.

Cả con người và loài vượn đều giải quyết mâu thuẫn không chỉ bằng sức mạnh cơ bắp – có thể thông qua đối thoại, những hành vi và việc làm thân thiện. Bằng cách tương tự cả hai đều sử dụng một loại hành vi vuốt ve an ủi đồng loại bị hại, biểu hiện chứng tỏ trình độ thấu cảm phát triển. Thậm chí còn thịnh hành một dạng mại dâm trong loài vượn: Con đực sử dụng những thành quả thu lượm được từ các cuộc tìm kiếm thức ăn để trả công cho con cái đã làm tình với mình.

Theo Khánh Nam



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.