Dân công sở vật vã vì con... chưa đi học

Xin đi làm muộn, xin nghỉ việc cơ quan để ở nhà trông con, thậm chí chấp nhận bị trừ thi đua - đó là tình trạng đang diễn ra phổ biến với nhiều cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ, khi mà đầu năm, nhà trường, dịch vụ trông trẻ còn chưa mở cửa.

Xin đi làm muộn, xin nghỉ việc cơ quan để ở nhà trông con, thậm chí chấp nhận bị trừ thi đua - đó là tình trạng đang diễn ra phổ biến với nhiều cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ, khi mà đầu năm, nhà trường, dịch vụ trông trẻ còn chưa mở cửa. Đã có nhiều gia đình lâm vào cảnh dở khóc, dở cười chỉ vì thiếu người trông trẻ.

Dở khóc, dở cười vì... con chưa đi học

Sự chênh lệch thời gian làm việc công sở và trường học sau tết Giáp Ngọ đã gây ra không ít sự bất tiện cho các gia đình có con nhỏ.

Tất bật từ sáng tới tối, làm việc cơ quan mà như “ngồi trên đống lửa”, thấp thỏm không yên vì con nhỏ - đó là hoàn cảnh mà chị Nguyễn Thị Linh (trú tại phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân) đang phải nếm trải.

Nguyên nhân, cũng bởi trường lớp vẫn chưa mở cửa, người giúp việc về quê ăn tết chưa lên, nên gánh nặng gửi con để đi làm sau tết đã trở thành nỗi ám ảnh với chị Linh cũng như nhiều phụ huynh có con nhỏ.

Chị Linh hiện là nhân viên văn phòng tại một công ty cung cấp nước sạch ở Hà Nội. Cũng giống các công sở khác, cơ quan chị Linh đã làm việc từ 6.2, tuy nhiên, trường mẫu giáo con chị theo học đến mùng 9.2 mới mở cửa nên hai vợ chồng đã rất vất vả trong những ngày này.

Dân công sở vật vã vì con... chưa đi học 2
Nhiều gia đình chọn giải pháp gửi con về quê, đợi trường lớp mở cửa trở lại.

“Mình phải gửi con bên hàng xóm chốc lát, rồi tranh thủ ra cơ quan, rồi lại tạt về trông con. Tưởng mỗi mình gặp hoàn cảnh thế, nào ngờ kể với đồng nghiệp, nhiều người còn kêu than hơn” - chị Linh cho biết.

Theo chị Linh, việc nhà, việc cơ quan đầu năm khiến hai vợ chồng có lúc rơi vào trạng thái stress. “Thú thực, cũng may phải chịu cảnh này một ngày nữa, chứ không vợ chồng mình chắc không thể xoay xở nổi mất” - chị Linh ngán ngẩm.

Có phần may mắn hơn, chị Nguyễn Thị Thoan (xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm) - hiện là nhân viên văn phòng của một cơ quan trên phố Trần Thái Tông, được bố chồng ra trông cháu giúp. Dù vậy, theo chị Thoan, áp lực khi con chưa đi học vẫn đè nặng.

“Ông ra chăm cháu cũng đỡ được hai vợ chồng rất nhiều, nhưng mình vẫn phải chạy về thường xuyên, vì việc cơm nước, ông lại không quen nên mình phải gắng sức” - chị Thoan cho hay.

Chị Kim Oanh (trú tại khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa) phải cắn răng gửi con cho một gia đình nhận trông trẻ trong khu tập thể với giá 300 ngàn đồng/ngày, đó là chưa kể tiền ăn.

Theo chị Oanh, dù đắt, nhưng phải nể lắm, chị mới gửi được con tại đây vì lí do còn khách khứa đầu năm, diện tích phòng hạn chế, nên gia đình không nhận nhiều trẻ.

“Mới đầu năm, nhiều gia đình trông trẻ tại nhà cũng chưa muốn làm việc, nên phải khó lắm mình mới gửi được cháu. Chi phí mỗi ngày cũng lên tới gần 500 ngàn đồng, xót nhưng phải cắn răng chịu” - chị Oanh cho hay.

Những người nuôi dạy trẻ... bất đắc dĩ

Vất vả từ bữa ăn, giấc ngủ cho tới việc làm vui lòng đám trẻ, đó là những áp lực mà những... người nuôi dạy trẻ bất đắc dĩ dễ gặp phải khi trông con, cháu tại nhà.

“Mục sở thị” sự vất vả của các gia đình phải trông giữ trẻ trong ngày đầu năm, PV Báo Lao động đã tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Hải (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) trong một bữa ăn của đám trẻ.

Dân công sở vật vã vì con... chưa đi học 3
Một gia đình trông trẻ tại nhà thời điểm sau tết trên phố Cầu Diễn.

Theo chị Hải, từ hôm cơ quan chính thức đi làm, chị thường xuyên phải đi muộn, về sớm để lo chăm hai nhóc nhỏ, trước khi gửi chúng tới nhà bác cách đó khá xa. Bởi vậy, sau khi rời cơ quan, chị Hải lại tất bật trở về nhà và làm công việc của một cô nuôi dạy trẻ.

Nhiều lúc, đang chơi, hai đứa trẻ khóc thét vì giành đồ chơi của nhau, chị Hải lại dừng việc nội trợ, can thiệp giảng hòa. Vất vả nhất, theo chị là dỗ dành trẻ trong bữa ăn, khi đứa nào cũng mải chơi và biếng ăn.

“Có vậy cũng mới thấm và hiểu được nỗi vất vả của những cô nuôi dạy trẻ, nên mình cũng rất thông cảm, khi họ đôi lúc cáu gắt” - chị Hải tâm sự.

Không chỉ chị Hải, mà anh Hưng - chồng chị cũng trở thành... anh nuôi dạy trẻ từ vài ngày nay. Diễn đủ thức trò để mong cho cậu con trai 5 tuổi ăn hết bát cơm, chưa bao giờ, anh Hưng thấy “bở hơi tai” và căng thẳng như lúc này. “Chỉ mong bác giúp việc lên nhanh, chứ thế này chắc mình không còn sức để đi làm mất” - anh Hưng nói.

Nhìn vẻ mặt bơ phơ vì thiếu ngủ, chúng tôi cũng đoán được phần nào sự vất vả trong suốt mấy ngày “chạy sô” giữa công việc cơ quan và việc trông con của chị Linh (phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân).

Hỏi ra mới hay, từ mùng 5 tết đến nay, một tay chị vừa phải cáng đáng việc nhà, trông con nhỏ, vừa chạy việc cơ quan nên đầu óc căng thẳng, ăn, ngủ ít nên sụt giảm gần 2 cân.

Theo chị Linh, dỗ được thằng bé ăn, chị như đánh vật mà cũng không lại được. Rồi dỗ được con ngủ cũng là gần 9, 10 giờ đêm.

“Tranh thủ lúc con chơi, mình phải lau nhà, nấu nướng đủ thứ, chứ lúc nó mà hờn thì không thể làm gì nổi mà phải bế đi rong khắp phố” - chị Linh chia sẻ.

Theo Lao động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.