Khi ta yêu... đồng nghiệp

Liệu yêu và chung sống với người rành mình “từ trong ruột” có gì khác lạ?

Liệu yêu và chung sống với người rành mình “từ trong ruột” có gì khác lạ?

Yêu đồng nghiệp đã và đang được rất nhiều người trẻ quan tâm vì không ít chàng và nàng “vướng” vào vấn đề nhạy cảm này.
 
Lợi thế “người một nhà”

Mấy tuần qua, bạn bè đồng nghiệp trên Facebook hân hoan chúc phúc cho “đôi trẻ” là hai bạn cùng nghề: Nguyễn Hậu và Hoài Anh - hai phóng viên của hai tạp chí khác nhau. Một chút chênh lệch tuổi tác không đáng kể khi mà giữa họ có sự đồng cảm lớn lao của hai tâm hồn phóng khoáng, rộng mở. Họ làm cho người ngoài thấy rõ việc yêu đồng nghiệp rất tốt. Cả hai hoàn toàn có thể chia sẻ được những tâm tư, tình cảm vì sự thấu hiểu đến tận cùng.

Liệu yêu và chung sống với người rành mình “từ trong ruột” có gì khác lạ?

Bạn bè rất thích đọc Facebook của Nguyễn Hậu, đặc biệt là những note viết về tình cảm của Hậu dành cho Hoài Anh, hay kịch bản phim viễn tưởng do Hậu “chế” ra từ những tấm hình của Hoài Anh trong những chuyến du lịch, hoặc chỉ đơn giản là những câu chuyện be bé về tổ ấm nhỏ xinh có chú chó tên Jack và cô Trác Thúy Miêu (bút danh của Hoài Anh)... Sắc màu tình yêu của họ lấp lánh sự hài hước của chữ nghĩa và không khỏi khiến cho độc giả Facebook của hai người ngưỡng mộ cặp người yêu - đồng nghiệp này.

Cặp Minh An và Thành Dũng (Công ty quảng cáo Capitalize, quận Bình Thạnh) cũng là một trường hợp chứng minh cho việc yêu đồng nghiệp là đúng đắn. Nàng làm kế toán, chàng làm kỹ sư IT cùng công ty. Sáng sáng chàng chở nàng từ quận 12 đến công ty, trưa hai người cùng ăn trưa bằng cơm đem theo từ nhà nàng. Họ yêu nhau được hai năm và dự định kết hôn vào cuối năm 2012. Thành Dũng “tiết lộ”: “Tôi yêu cô ấy vì tính trung thực. Nhưng tôi cũng hơi có chút lo lắng, cô ấy là kế toán của công ty, lấy cô ấy rồi tôi sẽ chẳng còn cơ hội có quỹ đen nữa! Nhưng không sao, nhà chỉ cần một kế toán là đủ”.

Chia sẻ chân tình của Thành Dũng đã vô tình bộc lộ mặt khác của yêu đồng nghiệp: mặt khó.

Biết rõ mười mươi thì... chóng chán!

“Vụ” sợ bể mánh quỹ đen kiểu Thành Dũng chỉ là chuyện nhỏ, hoàn toàn có thể tặc lưỡi cho qua khi người ta yêu (dù thành vợ chồng rồi thì vụ này cũng khá nhức đầu!). Điểm tựa chính của phe chống đối là việc người yêu kiêm đồng nghiệp (cùng nghề lẫn chung công ty) biết quá rõ đối tác thì sẽ rất dễ chán! Này nhé, đi làm mấy giờ, có thói xấu gì, thậm chí lương bao nhiêu, có mấy cái áo, mặc mấy cái quần... đều biết tất tần tật! Luật sư Ngô Việt (Công ty luật An Hưng, quận 8) nói: “Cái gì cũng biết còn tìm hiểu làm gì nữa! Đừng nói cùng công ty, cùng nghề tôi cũng không thích rồi. Còn nếu muốn giúp đỡ nghề nghiệp, kiếm đồng nghiệp được rồi! Người yêu phiền lắm”.

Yêu đồng nghiệp đã và đang được rất nhiều người trẻ quan tâm vì không ít chàng và nàng “vướng” vào vấn đề nhạy cảm này.

Cũng thuộc phe chống đối là Trúc Linh, công ty quảng cáo quận 1, cô bày tỏ: “Công ty tôi có mấy cặp biến công sở thành chốn riêng tư của mình, nào là âu yếm, rồi chăm sóc... chẳng tế nhị gì với người xung quanh. Cái trò bồ câu ríu rít ấy kinh dị quá đi mất!”. Đã đành Linh hơi cực đoan, nhưng rõ ràng cô không phải không có lý. Nếu ở cơ quan mà khi yêu ta cứ bày tỏ và bày tỏ quá rõ nữa thì bà con đồng nghiệp không xốn con mắt bên trái, ngứa con mắt bên phải mới là lạ!
 
Khi “mặt đối mặt” 24/24

Từ ngày lấy “gái cơ quan”, họa hoằn lắm Lê Nguyên (27 tuổi, nhân viên bảo hiểm tại Q.Phú Nhuận) mới có dịp bù khú thả phanh vào cuối tuần cùng đám bạn chưa phải “đeo gông vào cổ”. Có vợ rồi, không thể thoải mái giờ giấc như thời độc thân - Nguyên hiểu rõ điều đó nhưng anh chàng vẫn thấy mất tự do, nhất là khi vợ kiêm đồng nghiệp. Đi làm cả ngày đã đụng mặt nhau, lúc tan sở thì Lan - vợ Nguyên - cũng muốn kè kè bên chồng, nào đi ăn uống, xem phim, mua sắm. “Quỹ thời gian riêng tư của tôi bị vợ lên lịch hết. Đi đâu làm gì nàng cũng đòi đón đưa. Muốn xa nàng một vài tiếng cũng không được. Tôi bắt đầu thấy oải vì gặp hoài như thế, tôi chẳng còn thiết tha làm mới bản thân mình để tăng thêm gia vị cho cuộc sống gia đình bớt nhàm chán” - Nguyên bày tỏ.

Có ông chồng bảnh bao lại hài hước, ăn nói có duyên nên lúc nào Kim Ngân cũng nơm nớp sợ mất chồng. Hai vợ chồng làm chung tại một công ty truyền thông, tuy khác phòng, công việc bận bịu nhưng cứ chốc chốc Ngân lại lượn lờ, đảo qua đảo lại phòng chồng xem anh có đang làm việc hay lại trò chuyện với cô nào. Có lần Phong - chồng Ngân - buông lời khen cô đồng nghiệp mới trẻ trung, xinh xắn thì Ngân đã “mặt nặng mày nhẹ” nói chồng không đàng hoàng.

Do yêu cầu công việc nên Phong và một nữ đồng nghiệp hay gặp gỡ, trao đổi qua điện thoại, email trong giờ làm việc lẫn lúc tan sở hay dịp cuối tuần. Điều đó khiến Ngân tỏ ra khó chịu. Phong cũng bực bội không kém vì luôn bị vợ hỏi han đến mức hoạnh họe mỗi lần anh đi công tác chung với đồng nghiệp nữ. Những trận “chiến tranh lạnh” cũng cứ thế nổ ra đều đặn hơn với cặp vợ chồng son này.

Vợ chồng làm cùng cơ quan đôi lúc không tránh khỏi chuyện mệt mỏi vì nhẵn mặt nhau, nhưng nếu biết cách cư xử khéo léo thì việc bên nhau thường xuyên lại trở thành hạnh phúc khi được chăm chút, sẻ chia với nhau từng ngày, từng giờ. “Vợ tôi rất tâm lý. Sợ tôi nhàm chán do cả tuần đi làm, sinh hoạt cùng nhau nên đến cuối tuần cô ấy lại khuyến khích tôi đi chơi thể thao hay say sưa với bạn bè một bữa cho thỏa chí”, Minh Tuấn (Q.3) thích thú chia sẻ.

Tuấn và vợ trạc tuổi nhau, công việc cũng giống nhau nên cả hai dễ dàng hiểu và thông cảm với đối phương trong công việc lẫn lối sống. Tuấn tin rằng vợ chồng cùng cơ quan, nếu biết cách điều chỉnh cuộc sống hợp lý để luôn tạo sự mới mẻ và tôn trọng khoảng trời riêng của nhau, thì hôn nhân là “thiên đường”, bởi vợ yêu cũng chính là người bạn tâm tình, là cộng sự tốt của mình.

Theo 24h



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.