Shopping nơi công sở

Việc bán hàng ngay tại công sở, tại văn phòng làm việc cũng giúp chị em có thêm thu nhập và phát triển đầu óc, tài kinh doanh của mỗi người.

Thi nhau mua bán nơi công sở

Không biết ai là người khởi xướng nhưng khoảng vài tháng trở lại đây, công ty của Nga tự nhiên nở rộ phong trào bán hàng tại công sở. Hầu như phòng nào cũng có một nhân viên bán một thứ hàng hóa nào đó. Thanh bán quần áo trẻ con, Hà chọn mặt hàng túi đựng laptop và di động, Linh lại bán quần áo thời trang cho các chị em... Trong số đó, có những người có cửa hàng riêng ở nhà và khi đến công ty, ai thích hoặc đặt loại nào thì mang đến bán. Nhưng cũng có người chỉ lấy một số lượng ít hàng hóa và để ở công ty bán dần cho các đồng nghiệp và những nhân viên ở các văn phòng kế cận.

Đã nhiều người lập gia đình và có baby, nên món quần áo trẻ con của Thanh rất ăn khách. Với mức giá vừa phải, người nọ mách người kia, hầu như ngày nào cô cũng bán được 3-5 bộ, có hôm hết hàng, nhiều người lại đặt hàng buổi sau. Thanh tiết lộ: "Bán hàng thế này không phải vất vả chào mời quảng cáo nhiều mà vẫn chạy hàng. Mình không lấy lãi nhiều nhưng ngày nào cũng đều đều như vậy là tốt rồi".

Không im hơi lặng tiếng như Thanh, Hà vốn là nhân viên phòng sales nên cũng có những chiêu mời chào khá "pờ-rồ". "Mua cái này đi em, màu này hợp với em, trông sang trọng lắm, em có thể vừa đựng điện thoại và một ít tiền khi đi ăn sáng, ăn trưa hoặc mỗi khi ra ngoài mà không muốn mang theo túi to". Xoay qua mấy chị đang ngắm nghía túi đựng laptop, giọng Hà lại lanh lảnh: "Loại túi này đẹp mà bền lắm chị ạ, có bảo hành đàng hoàng, trong công ty mình mua thì em sẽ giảm giá 5%". Cứ thế, mọi người cũng quen dần và Hà bán hàng đắt như tôm tươi. Công ty của Hà vốn là nơi tập trung một bộ phận dân văn phòng giàu có nên những cái túi dù giá thấp nhất cũng phải đến 500.000 đồng/chiếc nhưng mọi người vẫn mua đều.

Không như Hà và Thanh, công ty của Mai còn có những người bán những món đồ khá "tế nhị" dành cho chị em. Hôm đầu tiên nghe nói Liên bán băng vệ sinh và under wear cho phụ nữ, ai cũng buồn cười nhưng rồi mọi người lại rỉ tai nhau và người đến mua hàng cho Liên ngày càng đông. Kể cũng tiện, nhiều khi quên hoặc chưa có thời gian đi sắm những thứ lặt vặt này, đến công ty lại chạy qua phòng Liên hoặc chỉ cần gọi điện là Liên sẽ mang sang ngay.

Cũng may là phòng kế toán của Liên chủ yếu là chị em, sếp là nam nhưng lại ngồi ở một phòng riêng, tách bạch nên việc “giao dịch” hàng hóa coi như khá thuận lợi. Cũng có hôm cả phòng đang túm tụm chọn đồ thì có anh ở phòng khác đẩy cửa vào, trở tay không kịp nên đành nhìn nhau cười trừ. Các bà đã có chồng con thì mạnh mồm hơn: "Em có muốn mua đồ tặng vợ hay người yêu thì qua đây nhé", rồi lại cười vang khiến nhiều anh chàng non gan chỉ biết đỏ bừng mặt. Lại có những hôm sếp đi họp, bất ngờ quay trở về giữa chừng, cả phòng đứng chết trân vì sếp vốn có tiếng là khó tính. Sếp nhìn quanh, nhăn mặt rồi khép cửa đi vào phòng. Mọi người lấm lét nhìn nhau về chỗ làm việc. Nhưng sau đó, mọi việc lại đâu vào đấy, họ vẫn bàn tán như không có chuyện gì xảy ra.

Và những điều khó nói

Việc bán hàng ngay tại công sở, tại văn phòng làm việc cũng giúp chị em có thêm thu nhập và phát triển đầu óc, tài kinh doanh của mỗi người. Hà cho biết: "Nhà em vốn có máu kinh doanh rồi, từ mẹ đến các chị gái em đều rất giỏi kinh doanh buôn bán. Mấy lần mua bán qua mạng, em thấy mình cũng có khả năng này và muốn kinh doanh nhưng không có thời gian. Sau thấy mọi người mang đến văn phòng bán nên em cũng bắt chước".

Tuy nhiên, việc mang đồ đạc đến văn phòng mua bán như thế cũng khiến không ít người khó chịu bởi thường xuyên khiến văn phòng ồn ào, đầy những lời bàn tán. Theo chị Nhung: "Thỉnh thoảng mang đến một hôm cũng được, đằng này hôm nào các cô ấy cũng có đồ mới mang đến, rồi thi nhau túm tụm vào xem, bàn tán, nhao nhao như cái chợ, chẳng cho ai làm việc nữa". Thế nhưng ít ai để ý đến thái độ của chị Nhung bởi vì họ còn mải mê mua sắm, trong khi chị lại không thể lên tiếng vì sợ mọi người lại nghĩ mình này nọ. Hơn thế, nhiều cô vin vào cớ bán hàng, đến công ty là ngồi gọi điện thoại đặt hàng, hoặc gọi người mang hàng tới cứ tự nhiên như chốn không người.

Ngay chính chủ hàng cũng phải thừa nhận, mang đồ đến công ty bán nhiều lúc cũng bị phân tâm, không tập trung cao vào công việc được. Có lúc đang làm việc, lại có người vào hỏi xem đồ, thế là phải ngừng lại để giới thiệu đồ cho họ nên công việc có chút gián đoạn.

Đó là chưa nói đến những bất cập khi bán những mặt hàng "tế nhị". Vừa chọn, các chị vừa bàn tán đủ thứ. Nhiều khi chị em đang say sưa thì bất ngờ một ông nào đó ngó mặt vào hoặc “lượn lờ” qua phòng. Những người đã có gia đình thì không sao nhưng khổ nhất là những cô cậu trẻ tuổi, còn độc thân, cứ ngượng chín người mỗi khi nghe các chị bàn tán và trêu chọc.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.