Dòng phim chính luận phủ sóng VTV: Khi công chúng đã… yêu

Tập cuối của “Đàn trời” vừa kết thúc vào ngày 23.7, trong khi khán giả VTV tiếp tục theo dõi những tập đầu của hai bộ phim chính luận khác: “Mặt nạ da người”, “Những công dân tập thể”. Sự hưởng ứng của công chúng với dòng phim chính luận trên VTV giờ “vàng” là rõ rệt. Nhưng, liệu các nhà làm phim có thể làm tốt hơn thế?

Tập cuối của “Đàn trời” vừa kết thúc vào ngày 23.7, trong khi khán giả VTV tiếp tục theo dõi những tập đầu của hai bộ phim chính luận khác: “Mặt nạ da người”, “Những công dân tập thể”. Sự hưởng ứng của công chúng với dòng phim chính luận trên VTV giờ “vàng” là rõ rệt. Nhưng, liệu các nhà làm phim có thể làm tốt hơn thế?

Nở rộ phim chính luận

Sau một loạt phim chính luận phát sóng gần đây trên VTV như: “Bí thư tỉnh ủy”, “Ngôi biệt thự màu tro lạnh”, “Chủ tịch tỉnh”, “Đi qua ngày dông bão”, với nhiều phản ứng tích cực của công chúng, một loạt phim chính luận mới được tung ra trong giờ “vàng” như: “Đàn trời”, “Những công dân tập thể” (ảnh), “Mặt nạ da người” và hứa hẹn tiếp theo một số phim khác như: “Hai phía chân trời”, “Hồng nhan”...

“Đàn trời” có đề tài chống tham nhũng quanh dự án 135 của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo với cái kết có hậu như môtíp truyền thống, kẻ xấu bị trừng trị theo pháp luật, những người tốt dù mất mát đau thương, nhưng cũng được trả lại công bằng... Phim có những phản ứng tích cực ở công chúng, vì đã đi sâu vào những vấn đề nóng của xã hội hiện tại.

Còn “Mặt nạ da người” (42 tập) mới phát sóng được ít tập có nhiều yếu tố hình sự. Phim đề cập đến những vụ bê bối trong các cơ quan công quyền, những tệ nạn xã hội tràn lan, và cũng có rất nhiều người đang quyết làm trong sạch xã hội, giúp xã hội phát triển ổn định và tốt hơn. “Những công dân tập thể” lại tập trung thể hiện những góc khuất của cư dân trong các khu nhà tập thể qua lăng kính hài hước, bằng những câu chuyện nhỏ, những mâu thuẫn nhỏ... Đó là những đổi thay trong nếp sống, trong con người ở nhiều căn hộ tập thể tồn tại từ thập niên 1970 đang đối mặt với những xung đột nảy sinh trước sự phát triển chóng mặt của đô thị, gây nhiều sự đảo lộn các quy chuẩn văn hóa, đạo đức truyền thống, và cả sự xung đột giữa nhiều thế hệ, nhiều thành phần khác nhau trong khu nhà tập thể...

Hình sự và hài hước

“Đàn trời” kết thúc đã tạo được sự chờ đợi và sức hấp dẫn cho công chúng, nhưng nếu nhìn bằng con mắt khó tính thì phim vẫn mắc lỗi của phim dài tập, là chất lượng các tập không đều nhau, cách xử lý những tình huống đã “thắt nút” ở các tập trước chưa gây nhiều kịch tính, còn dàn trải... “Những công dân tập thể”, Mặt nạ da người” mới đi chặng đầu của phim, mới “bày” ra những tình huống, sự việc, nhân vật..., nhưng việc xây dựng kịch tính để tạo các “nút thắt” vẫn chưa tới đỉnh.

“Mặt nạ da người” - đạo diễn Mai Hồng Phong - với giàn diễn viên khá “cứng”: NSND Như Quỳnh, NSƯT Phạm Cường, NSƯT Huyền Thanh, các diễn viên Minh Hà, Hồng Quang, Hải Anh, Thanh Bình, Tuấn Tú, Hoa hậu thân thiện 2008 Đậu Thị Hồng Phúc... Phim mới lên sóng chưa được 1/5 số tập, mới manh nha các tình tiết éo le, song công nghệ làm phim không thu tiếng trực tiếp, nên diễn xuất của nhân vật và lời thoại có độ “chênh”. Không biết diễn tiến nội dung của phim sau đó có đủ hấp dẫn, tạo được sự mong chờ của công chúng?

36 tập phim “Những công dân tập thể” - đạo diễn Vũ Trường Khoa - cũng quy tụ nhiều gương mặt diễn viên điện ảnh, sân khấu có tên tuổi. Phim đã đi được gần 1/3 chặng, đã “thấy” những xung đột, rắc rối và cả “tình”, dù chưa giải quyết bất kể chuyện gì. Nhưng có lẽ vì muốn tạo cho phim tính giải trí cao cho “nhẹ” phần chính luận, nên diễn xuất của diễn viên có phần như sân khấu “đời cười”, ngôn ngữ thoại nhiều, đi vào chủ nghĩa tự nhiên thái quá, làm cho phim giảm đi sự nghiêm túc cần có...

Nỗ lực thu hút công chúng mạnh mẽ bằng dòng phim chính luận trên VTV “giờ vàng” là một thách thức không nhỏ. Nhưng để “sóng” luôn mạnh, nhà làm phim cũng nên có tính chuyên nghiệp cao hơn nữa trong việc sản xuất những bộ phim truyền hình dài tập.

Theo Laodong



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.