Top 10 phim Hoa ngữ đình đám nhất mọi thời đại

Cùng điểm qua 10 bộ phim điện ảnh Hoa ngữ đình đám nhất mọi thời đại

Cùng điểm qua 10 bộ phim điện ảnh Hoa ngữ đình đám nhất mọi thời đại

Bộ phim điện ảnh Hoa ngữ đầu tiên được sản xuất năm 1905 và 2 thập kỷ sau đó, nền công nghiệp phim ảnh Trung Quốc bắt đầu phát triển rầm rộ. Tính đến nay, sau hơn 100 năm, điện ảnh Hoa ngữ đã cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc.

Mới đây, một trang web lớn của Trung Quốc đã đưa ra danh sách 10 bộ phim Hoa ngữ đình đám nhất mọi thời đại. Đa số các tác phẩm này đều là kiệt tác. Một hoặc hai bộ phim còn lại có doanh thu hoặc ảnh hưởng về mặt văn hóa lấn át chất lượng.

10. Hero (Anh hùng)

Nếu muốn chọn một bộ phim đã đưa toàn bộ nền công nghiệp phim ảnh Hoa ngữ sang một thời kỳ mới thì đó chắc hẳn là tác phẩm bom tấn Hero của đạo diễn Trương Nghệ Mưu năm 2002. Không chỉ được thực hiện theo quy trình Hollywood mà Hero còn có chi phí sản xuất lên tới 30 triệu USD, trở thành bộ phim Hoa ngữ đắt đỏ nhất mọi thời đại. Chính bộ phim này đã thổi một làn gió mới vào các phòng vé Hoa ngữ vốn ế ẩm trở nên nhộn nhịp, sôi động. Cũng nhờ đó, chỉ tính riêng thị trường Hoa ngữ, Hero đã thu về hơn 30 triệu USD và là bộ phim đầu tiên đạt được mốc này.



Trên thị trường quốc tế, Hero cũng nhận được đánh giá cao của cả giới phê bình lẫn khán giả về kỹ xảo hình ảnh tuyệt vời. Ở Bắc Mỹ, Hero đã có tuần ra mắt thành công khi trình chiếu ở trên 2000 cụm rạp và giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé. Tổng kết, bộ phim đã thu về tới hơn 120 triệu USD trên thị trường nước ngoài.

Chính Hero đã tạo ra chuẩn mực về khâu tuyển diễn viên và sản xuất cho các bộ phim kinh phí lớn sau này. Tuy nhiên, bộ phim vẫn bị phàn nàn về cách thức kể truyện.

9. A Chinese Odyssey Duology (Đại thoại tây du)

Được thực hiện dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Lưu Trấn Vĩ, Đại thoại tây du bao gồm hai phần - Nguyệt Quang Bảo Hợp và Tiên Lý Kỳ Duyên. Phim có sự tham gia của vua hài Châu Tinh Trì cùng nhiều diễn viên tên tuổi khác như Lam Khiết Anh, Mạc Văn Úy, Ngô Mạnh Đạt...


Phóng tác từ tiểu thuyết kinh điển Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Đại thoại tây du pha trộn nhiều yếu tố như tình yêu, võ thuật, du hành xuyên thời gian để tạo nên một bộ phim giả tưởng đặc biệt. Khi ra mắt lần đầu vào năm 1995, bộ phim nhận phải chỉ trích gay gắt từ phía khán giả và doanh thu cũng kém xa so với mong đợi. Tuy nhiên, mấy năm sau đó, Đại thoại tây du bỗng nhiên trở thành một tác phẩm hot trong giới trẻ. Bộ phim tạo nên làn sóng hâm mộ hơn hẳn nhiều tác phẩm hiện đại khác. Thậm chí, một số lời thoại trong phim còn trở thành một phần thiết yếu trong văn hóa giải trí Hoa ngữ.

Giờ đây, khi xem lại Đại thoại tây du, chắc hẳn khán giả sẽ phần nàn về kỹ xảo hình ảnh yếu kém nhưng không thể phủ nhận rằng bộ phim vô cùng hài hước và cũng rất cảm động. Đại thoại tây du không khai thác chủ đề tình yêu một cách hời hợt mà đẩy các nhân vật chính vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", khiến khán giả cũng không khỏi suy nghĩ.

8. Infernal Affairs (Vô Gian Đạo)

Vô Gian Đạo (2002) của đạo diễn Wai-keung Lau và Alan Mak được đánh giá là bước đột phá trong thể loại phim xã hội đen - cảnh sát của Hong Kong. Tác phẩm này cũng góp phần giúp "hồi sinh" cho các phòng vé Hong Kong.


Vô Gian Đạo là một sự thắng lợi và thành công về mọi mặt. Câu chuyện phong phú giúp cho các nhân vật, cả chính diện và phản diện đều có nhiều "đất" để phát triển và đem đến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hai nam chính Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa cũng có diễn xuất ấn tượng "để đời". Nhạc phim tươi mới và luôn khiến khán giả hào hứng, hồi hộp theo dõi mạch phim.

Bộ phim Vô Gian Đạo còn gây ấn tượng mạnh tới các nhà làm phim Hollywood và được đạo diễn danh tiếng Martin Scorsese chuyển thể thành siêu phẩm The Departed năm 2006. Trong lễ trao giải Oscar lần thứ 79, The Departed đã giành được tới 4 giải bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất và Biên tập phim xuất sắc nhất.

7. Crouching Tiger, Hidden Dragon (Ngọa hổ, tàng long)

Ngọa hổ, tàng long của đạo diễn Lý An được coi là một "hiện tượng" trong năm 2000. Bộ phim kiếm hiệp này được đánh giá cao và vô cùng ăn khách ở nước ngoài khi thu về gần 130 triệu USD chỉ tính riêng ở thị trường Bắc Mỹ. Phim còn góp phần giúp Chương Tử Di nổi lên thành ngôi sao nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên ở thị trường Trung Quốc, Ngọa hổ tàng long lại bị khán giả khá hờ hững và thậm chí còn bị chê là lời thoại và võ thuật khá ngớ ngẩn.

Việc một bộ phim nhận phải những đánh giá hoàn toàn khác nhau từ hai nền văn hóa đã không còn là điều gì ngạc nhiên. Đối với khán giả Trung Quốc, thì việc nhân vật chính trong một bộ phim võ thuật có có nhiều cảnh yêu đương và bay lượn như siêu nhân như vậy là thiếu hợp lý. Trong khi đó, khán giả Phương Tây lại cho rằng chính câu chuyện tình yêu đã tạo thêm "đất" cho sự phát triển của nhân vật và cũng rất ấn tượng với những cảnh quay võ thuật hoành tráng.

Dù thế nào đi chăng nữa, Ngọa hổ tàng long vẫn là một bộ phim tuyệt vời. Phim không chỉ khai thác sâu khía cạnh võ thuật mà còn đậm chất nhân văn. Bộ phim này đã gây tiếng vang lớn khi nhận được tới 10 đề cử giải Oscar và đã đạt được 4 giải bao gồm Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Nhạc phim hay nhất và Phim nước ngoài hay nhất.

6. Days of Being Wild (A Phi chính truyện)

Được thực hiện dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Vương Gia Vệ, A Phi chính truyện kể về câu chuyện tình yêu của 6 người trẻ tuổi. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên đình đám bao gồm Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc, Lưu Gia Linh, Lưu Đức Hoa, Trương Học Hữu, Lương Triều Vỹ...


A Phi chính truyện được đánh giá là một trong những bộ phim kinh điển của Hong Kong. Phim cũng từng lọt vào Top 3 trong danh sách "100 bộ phim Hoa ngữ xuất sắc nhất mọi thời đại" do các nhà phê bình điện ảnh Hong Kong bình chọn năm 2005.

A Phi chính truyện còn đạt được nhiều giải thưởng danh giá như Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Trương Quốc Vinh), Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất tại Giải thưởng điện ảnh Hong Kong lần thứ 10.

5. A City of Sadness (Bi tình thành thị)


Được thực hiện dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền, Bi tình thành thị xoay quanh một gia đình ở Đài Loan trong thời kỳ "Khủng bố trắng". Đây là bộ phim đầu tiên khai thác về sự việc ngày 28/2 năm 1947, khi mà hàng nghìn người bị giết.


Đạo diễn Hầu Hiếu Hiến đã thể hiện được bức tranh toàn cảnh xã hội Đài Loan thông qua bi kịch của một gia đình. Phim khắc họa sâu sắc những xung đột giữa người dân bản địa Đài Loan với những người nhập cư và những khó khăn mà người dân nơi đây phải đối mặt.

Bi tình thành thị được coi là tác phẩm đầu tiên trong bộ ba phim xuất sắc về Đài Loan của đạo diễn họ Hầu. Hai bộ phim sau này là The Puppet Master (1993) và Good Men, Good Women (1995). Không chỉ được khán giả đón nhận nồng nhiệt, Bi tình thành thị còn được giới phê bình đánh giá cao. Phim đã giành giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice lần thứ 46, trở thành tác phẩm Hoa ngữ đầu tiên mang về giải thưởng danh giá này.

4. Yi Yi: A One and a Two

Bộ phim có thời lượng gần 3 tiếng đồng hồ - Yi Yi: A One and a Two do đạo diễn Edward Yang chỉ đạo thực hiện. Phim kể về cuộc sống một gia đình tầng lớp trung lưu qua ba thế hệ. Tuy mạch phim Yi Yi: A One and a Two khá chậm và thiếu cao trào nhưng tác phẩm này lại thể hiện chân thực về cuộc sống thường ngày.


Sự quan sát tinh tế cuộc sống hàng ngày của đạo diễn Yang đã giúp ông thổi hồn vào Yi Yi: A One and a Two. Bộ phim khi ra mắt đã nhận được phản ứng tích cực từ phía công chúng và cũng mang về cho Edward Yang vô số giải thưởng danh tiếng bao gồm Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2000, Phim nước ngoài hay nhất từ Hiệp hội phê bình điện ảnh Pháp năm 2001, Giải thưởng của Hiệp hội phê bình điện ảnh Los Angeles... Không chỉ có vậy, Yi Yi: A One and a Two còn được nhiều tạp chí lớn như USA Today, the New York Times, Newsweek và Film Comment bình chọn là bộ phim hay nhất năm 2001.

3. Farewell My Concubine (Bá Vương Biệt Cơ)

Bộ phim Bá Vương Biệt Cơ (1993) của đạo diễn tài năng Trần Khải Ca được coi là mốc son chói lọi trên màn ảnh rộng Hoa ngữ. Đây là tác phẩm Hoa ngữ đầu tiên và duy nhất tính tới thời điểm này đoạt được giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes uy tín.


Chuyển thể từ tiểu thuyết của Lý Bích Hoa và quy tụ dàn sao đình đám bao gồm Trương Quốc Vinh, Củng Lợi, Cát Ưu, Trương Phong Nghị..., Bá Vương Biệt Cơ xoay quanh câu chuyện thăng trầm của hai nghệ sĩ Kinh kịch trong bối cảnh xã hội Trung Quốc từ năm 1920 đến 1970. Bộ phim này cũng đề cập đến tình cảm đồng tính, một chủ đề khá hiếm trong phim ảnh Hoa ngữ giai đoạn này.

2. Spring in a Small Town


Spring in a Small Town xoay quanh một câu chuyện tình yêu tay ba. Tác phẩm này được chuyển thể từ một vở kịch ngắn của Lý Thiên Tế và do đạo diễn Phí Mục chỉ đạo thực hiện. Dù chuyện phim vô cùng đơn giản nhưng tâm lý nhân vật lại diễn biến phức tạp. Spring in a Small Town được khen ngợi hết lời khi khám phá nội tâm và cảm xúc của nhân vật thông qua những hoàn cảnh khó xử. Đây cũng được coi là tác phẩm tiên phong trong việc sử dụng ngôn ngữ thơ ca trên màn ảnh.

Spring in a Small Town nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc mà còn gây tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế. Hiệp hội phim ảnh Trung Quốc đã đưa bộ phim này vào danh sách những bộ phim kinh điển nhất mọi thời đại. Đạo diễn nổi danh thế giới Trương Nghệ Mưu cũng khẳng định Spring in a Small Town là bộ phim yêu thích nhất của ông. Spring in a Small Town còn giành giải Phim Hoa ngữ hay nhất mọi thời đại (Hiệp hội phim Hong Kong bình chọn) và vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Top 10 phim Hoa ngữ hay nhất do tờ báo Winnipeg Free của Canada bình chọn.

1. A Spring River Flows East




Xoay quanh câu chuyện rung động lòng người về số phận một gia đình ở Thượng Hải trong Kháng chiến chống Nhật, A Spring River Flows East (1947) được đánh giá là bước chuyển mình của lịch sử điện ảnh Trung Quốc. Ngay khi ra mắt tại Thượng Hải năm 1947, bộ phim đã nhanh chóng gây sốt. Phim được công chiếu suốt ba tháng liền và thu hút hơn 700 ngàn người xem, chiếm hơn 15% tổng dân số Thượng Hải lúc bấy giờ. Đây được đánh giá là bộ phim Hoa ngữ thành công nhất trong giai đoạn trước khi nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949.

Theo 2Sao



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.