Xem “phiên bản” khán giả nói gì?

Liên tục thời gian gần đây VTV3 phủ sóng với các bộ phim phiên bản có kịch bản từ nước ngoài.

Sau Người đàn bà thứ hai được cho là “bê nguyên xi tiểu thuyết Băng dính hai mặt của Trung Quốc” và Tin vào điều không thể là “anh em sinh đôi” với Cảm ơn anh đã yêu em - bộ phim Hàn Quốc đã phát sóng trên kênh HTV7, từ 6/11, đến lượt Ngôi nhà hạnh phúc - phiên bản Việt của bộ phim cùng tên của Hàn Quốc đã nổi tiếng khắp khu vực châu Á với ngôi sao Bi-Rain và Song Hye Kyo, lên sóng. Người đàn bà thứ hai và Cảm ơn anh đã yêu em đều đã khép lại trên màn ảnh nhưng “dậy sóng” trên các diễn đàn, còn Ngôi nhà hạnh phúc thì được xem là bộ phim truyền hình được đón chờ nhất trong năm 2009!

Trước khi phát sóng: Hoài nghi

Trên thực tế, mặc dầu phim truyền hình Việt thời gian qua tràn ngập phim phiên bản, nhưng hầu hết các nhà làm phim vì nhiều lý do đều không công khai “bản gốc”. Phần nhiều trong số này “bản gốc” không nổi tiếng ở Việt Nam, có nói khán giả nhà cũng chẳng biết - điển hình là những phim bộ của Thái Lan mà Lasta Việt hóa thành những Vòng xoáy tình yêu, Niềm đau chôn dấu... và cả nhiều phim Việt hóa sau này mua kịch bản từ xứ xa xôi như Mexico, Columbia... Cũng bởi vậy mà những phiên bản này phần lớn có những cái tên mới, có khi chẳng liên quan gì đến tên gốc cả. Ngôi nhà hạnh phúc là một trường hợp tương đối đặc biệt. Trong làn sóng tấn công thị trường châu Á của phim Hàn, bản gốc của phim này nằm trong top 5 những bộ phim truyền hình Hàn Quốc được yêu thích nhất tại châu Á trong những năm gần đây, trong đó có Việt Nam.

Từ đầu năm 2009, khi thông tin BHD mua bản quyền bộ phim này của đài KBS Hàn Quốc lan ra đã lập tức trở thành một sự kiện trên các diễn đàn phim ảnh được nhiều bạn trẻ Việt Nam quan tâm. Đa số các ý kiến tỏ ra hoài nghi, thậm chí phản đối vì cho rằng các nhà làm phim Việt khó lòng vượt qua “cái bóng” quá lớn - phiên bản gốc - với ngôi sao Bi-Rain, Song Hye Kyo và công nghệ phim ảnh Hàn Quốc. Thế nhưng các nhà làm phim đã nắm trúng tâm lý này, “lấy độc trị độc”, công khai việc làm phiên bản và còn giữ nguyên tên bản gốc, biến đây trở thành chiến lược quảng bá. Khán giả càng hồ nghi, phim càng nổi tiếng ngay từ khi chưa bấm máy! Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt khi chưa xong đã được nhiều diễn đàn và cả báo chí xem là phim truyền hình được đón chờ nhất trong năm 2009.

Vừa xem vừa so sánh

Có một tâm lý của người xem phim phiên bản là thích so sánh với bản gốc. Không phải chỉ khán giả Việt Nam, khán giả toàn thế giới đều như vậy. Bởi thế, đây cũng chính là một thử thách của những người làm phim phiên bản khi luôn phải thoát ra khỏi cái bóng có sẵn trong người xem, nhất là khi bản gốc lại là những bộ phim nổi tiếng, hình tượng nhân vật đã gắn với những ngôi sao nổi tiếng. Khá nhiều khán giả khi theo dõi bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc KB và ĐD Vũ Ngọc Đãng đều kèm theo lý do “xem có hơn được Ngôi nhà hạnh phúc trước không”, mà chưa gì đã kèm theo yêu cầu: “Đóng sau người ta thì phải hay hơn mới gọi là thành công, nếu chỉ hay bằng thôi thì là thất bại” (news.e-city.com)! Và đã không xem thì thôi, nhưng nếu xem là xem rất kỹ, so sánh từng chi tiết giữa bản gốc và phiên bản: “Càng xem càng thấy có nhiều chi tiết giống trong tiểu thuyết Băng dính hai mặt của Trung Quốc của tác giả Ly Ly. Không biết biên kịch có mượn ý tưởng ở đấy không. Nhất là câu chuyện gia đình nhà cô Linh và bà mẹ chồng. Từ chi tiết ăn cơm bị bà mẹ săm soi cô này ăn nhiều thịt, cho đến chi tiết đòi chồng rót nước, giận chồng, rồi chuyện đi mua sắm, sợ mẹ chồng săm soi nên mua thêm cho chồng cái áo.... Vợ chồng, con dâu mẹ chồng nhà này đối thoại y hệt như trong cuốn tiểu thuyết...” (các khán giả trên webtretho.com nhận xét về bộ phim Người đàn bà thứ hai). Và chính khán giả đã phát hiện ra: “Khi coi xong tập 1 thì nhận ra phim này rõ ràng có nội dung y chang bộ phim của Trung Quốc Cảm ơn anh đã yêu em (Thank you for having loved me) đã từng chiếu lúc 12h trên kênh HTV7. Không khác ngay cả với những câu thoại tình huống... Nhưng sao phim này không thấy nói là “Việt hóa” từ bản phim của Trung Quốc? Nếu thế hóa ra “cầm nhầm” kịch bản của người ta à?” (diễn đàn Dienanh.net).

Nhưng trên thực tế, đa phần khán giả, dù có “soi” và có “so” (sánh) song phiên bản mấy cũng không quan trọng bằng phim có hay, kịch bản có hợp lý, diễn xuất diễn viên có chân thực... hay không. Trong một giai đoạn nào đó, sự cần thiết sử dụng kịch bản nước ngoài, Việt hóa để gần gũi với tâm lý và văn hóa sống của người Việt, thì khán giả vẫn có cảm tình với phim phiên bản như thường, như các khán giả trên diễn dàn Dienanh.net: “Vì bê nguyên xi kịch bản của Trung Quốc vào nên chuyện phim đâu ra đấy, không thiếu cũng không thừa, không dàn trải. Diễn viên không sáng long lanh, nhưng ai diễn cũng đạt!”.

Theo Nhật Minh - Quang Hà



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.