Hồ Kiểng: Hết phim, ít nghệ sĩ trẻ tới thăm tôi

Nhắc đến NSƯT Hồ Kiểng, hầu hết lớp thanh niên trẻ đều nhớ ngay đến hình ảnh ông già ăn cá sống trong bộ phim Đất phương Nam, dù trong phim, ông chỉ đảm nhiệm vai phụ.

Nhắc đến NSƯT Hồ Kiểng, hầu hết lớp thanh niên trẻ đều nhớ ngay đến hình ảnh ông già ăn cá sống trong bộ phim Đất phương Nam, dù trong phim, ông chỉ đảm nhiệm vai phụ.

Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật từ năm 1959, NSƯT Hồ Kiểng đã tham gia hơn 200 bộ phim lớn nhỏ và hơn phân nửa là những vai phản diện. Tuyệt nhiên chưa bao giờ ông có cơ hội đóng vai chính.

Nhiều người nói, có lẽ vì ngoại hình nhỏ nhắn và gương mặt không có "chút điện ảnh" nào đã cản đường đi lên của NSƯT Hồ Kiểng. Chính lão nghệ sĩ cũng hóm hỉnh thừa nhận trong một bài phỏng vấn rằng "Tôi vốn lùn lại xấu trai nên thường chỉ được chọn vào những vai “xù xì” như bợm nhậu, già dê, gián điệp, ăn mày...". Đối với ông, việc đóng một vai phản diện không quá khó khăn, vì chỉ cần thể hiện sự giả dối, mưu mô trong ánh mắt, hành động là đủ. Trong khi đó, để thể hiện những nhân vật chính diện thì đòi hỏi sự diễn xuất đa dạng hơn. Thế nhưng, chẳng bao giờ vì thế mà lão nghệ sĩ cảm thấy buồn và không trân trọng từng vai diễn mình đã tham gia.

Bao lần suýt chết vì mê đóng phim


Không chỉ với vai ông già ăn cá sống trong Người đẹp Tây Đô được nhiều người nhớ đến, mà ở Mùa hè lạnh, bộ phim điện ảnh cuối cùng ông tham gia khi đã 87 tuổi, khán giả vẫn bị thuyết phục bởi lối diễn đầy tinh tế. Chỉ xuất hiện trong một vài phân đoạn, nói rất ít, diễn như không diễn nhưng vai “lão đại gia người Hoa” bên cô vợ trẻ lả lơi (do Lý Nhã Kỳ đảm nhiệm) vẫn đọng lại người xem những ấn tượng khó quên. Bộ phim cuối cùng ông đóng góp cho điện ảnh nước nhà, chỉ vài tháng trước khi ông ra đi mãi mãi về phía bên kia cuộc đời là Vượt sóng vẫn còn đang trong giai đoạn hậu kỳ.

Hồ Kiểng: Hết phim, ít nghệ sĩ trẻ tới thăm tôi - 1

Trong sự nghiệp hơn 200 vai phụ, NSƯT Hồ Kiểng suýt chết ít nhất 3 lần. Lần thứ nhất khi ông vào vai đồn trưởng trong phim Rừng xà nu (quay ở Cao Bằng thời chiến tranh chống Mỹ), ông bị ngựa quăng gãy xương sống nằm điều trị hơn một năm mới khỏi. Lần thứ hai ông lại bị rắn cắn khi vào vai bắt rắn độc trong phim Đêm săn tiền quay ở Biên Hòa. Nọc độc của rắn đã khiến Hồ Kiểng chết lâm sàng 3 ngày trong Bệnh viện Sài Gòn, nhưng may mắn, bác sĩ đã cứu sống ông vào giờ phút thân xác đã kề huyệt mộ. Lần thứ ba đóng phim Cảnh sát hình sự, ông bị bạn diễn nhập tâm quá, xô mạnh tay khiến ông già ốm nhách đập đầu tụ máu ở hộp sọ, phải mổ.

Ngoài phim ảnh, NSƯT Hồ Kiểng còn tham gia khoảng 304 vở kịch, 22 tuồng cải lương, 16 vở múa rối, vẽ 6 phim hoạt hình, sáng tác 240 bài vọng cổ, tiểu phẩm, hài, làm 664 bài thơ, 2 bản thảo thơ diễn tả tâm trạng của các nhân vật đã đóng, viết bài vè về 100 loại bánh, 100 loài hoa, 100 con đường... Theo lời người nhà, NSƯT Hồ Kiểng có mấy chục quyển sổ ghi lại tỉ mỉ và cẩn thận những bộ phim đã đóng, sáng tác những câu thơ tóm tắt nội dung, tính cách của nhân vật do ông đảm nhận. Những năm cuối của cuộc đời, sức khỏe của ông giảm sút. Năm ngoái, năm kia phải nằm viện, tới gần Tết Nguyên Đán mới được bác sĩ cho về nhà. Người thân muốn tập trung vào sức khỏe và không muốn ông viết lách nữa. Thế nhưng, cứ về tới nhà là ông lại ngồi vào bàn và cặm cụi viết lách.

Chị Kiều Lan, con gái lớn của NSƯT Hồ Kiểng cho biết, vì mọi người trong gia đình đều bận rộn nên cũng không ai biết ông viết gì. Sau này, khi lo toan hậu sự cho ông xong, gia đình sẽ dành thời gian để xem lại. Mỗi bài viết, lão nghệ sĩ đều ghi lại ngày tháng và ký tên một cách rất kỹ lưỡng. Trước khi qua đời vài tháng, ông không cầm cây viết được nữa, mắt cũng đã mờ lòa không nhìn thấy gì nên luôn bực bội, bức xúc. Lão nghệ sĩ cảm thấy dường như đó là một dấu chấm hết của cuộc đời nên hay cáu gắt. Không còn phát huy được sở trường của mình, ông rất bất mãn.

Hồ Kiểng: Hết phim, ít nghệ sĩ trẻ tới thăm tôi - 2

Ông nói với con gái: “Hết rồi con ơi, ba tiêu rồi, ba đã không còn làm được gì nữa rồi”. Với kho tàng đồ sộ những tác phẩm của ông, gia đình sẽ lưu giữ một cách kỹ lưỡng. Đối với họ, đó là những kỷ vật vô giá và là những thứ không thể để sơ xuất hay thất thoát đi được. Những người yêu mến tác phẩm của ông có thể liên lạc với gia đình để được nghiên cứu tại chỗ, hoặc nếu không, gia đình không quản lý được sẽ đưa những tác phẩm của ông tới viện lưu trữ, để người nào cần sẽ tới tìm hiểu thêm.

Ba đời vợ và rất nhiều con nuôi


Nhiều người nói rằng NSƯT Hồ Kiểng mê điện ảnh đến độ có thể bỏ nhà đi đóng phim cả năm trời không về và cũng chẳng liên lạc gì với vợ con. Vì thế những người phụ nữ của ông đều lần lượt dứt áo ra đi, khiến ông bị vợ bỏ đến... ba lần! Thế nhưng, theo lời của người thân trong gia đình, ông không tệ đến như vậy. Người vợ đầu của ông là người phụ nữ Nam bộ, đồng hương với ông ở Bến Tre. Nhưng thời kỳ đó, ông ra Bắc tập kết, bà ở lại không chịu nổi sự cô đơn nên mới đến với người khác.

Ông cũng chẳng trách móc gì bà. Vài năm sau, ông tình cờ quen với một phụ nữ tên Lân gốc Thanh Hóa, cả hai nên duyên vợ chồng. Ít người biết rằng, khi ông lấy người vợ thứ hai này, thì bà đã bị tai nạn và cụt một tay. Ngoài hai chữ duyên phận, hẳn phải thương yêu người phụ nữ này lắm nên sau này ông đặt tên con gái với chữ cái bắt đầu từ chữ cái đầu tiên tên ba, mẹ. Con gái đầu của ông, chị Kiều Lan giải thích ý nghĩa tên của mình. “Tên của tôi có chữ K trong tên của ba, chữ L trong tên của mẹ. Sau này, ba mẹ chia tay, ba tôi đi bước nữa và có một cô con gái, ba cũng đặt tên là Kiều Loan. Ba nói muốn cho chị em gái luôn gần gũi nhau, không xa rời nhau nên chỉ thêm một chữ O vào tên tôi để thành tên Loan cho em. Các cô con nuôi của ba sau này cũng được đặt nghệ danh là Ngọc Lan, Vương Chi Lan…”

Hồ Kiểng: Hết phim, ít nghệ sĩ trẻ tới thăm tôi - 3

Không chỉ có nhiều vợ, NSƯT còn có nhiều con gái nuôi. Trong những chuyến đi của mình, ông gặp những cô gái trẻ, được họ yêu mến và nhận các cô làm con nuôi. Hôm ông mất, các cô con gái nuôi của ông từ nhiều nơi đã tập trung về bên linh cữu của ông, thắp cho ông nén hương, lo toan tang sự. Chị Kiều Lan, con gái lớn của ông kể lại, mặc dù ba chị rất đam mê với phim ảnh, nhưng không phải vì vậy mà ông bỏ rơi con cái. Dù không ở gần con gái, nhưng mỗi lần lão nghệ sĩ về quê dự đám giỗ, đám cưới thì ông đều rủ con đi về cùng hết.

Cứ tới mùa hè, chị lại theo ba về quê, có khi đi suốt mấy tháng. Cô con gái lớn của NSƯT Hồ Kiểng nhớ lại: “Tôi đâu biết đi cầu khỉ, ba toàn cõng tôi thôi. Đi qua chỗ sình bùn, ông cũng cõng tôi, không để con gái bị dơ. Người ông nhỏ vậy chứ bơi rất giỏi, ông chỉ mặc cái quần đùi thôi rồi cõng tôi lên cổ và bơi đứng qua con sông, tôi chỉ ướt chân thôi chứ không ướt gì tới người hết. Ba tôi rất nhanh nhẹn, đi không kịp là ba hối nhanh lên. Ba tôi là người giờ giấc rất nghiêm túc, đã hứa cái gì là làm chính xác chứ không bao giờ quên hết. Người ta mời giờ nào là đúng giờ đó ba tôi phải có mặt, cho dù sớm cỡ nào. Ba tôi rất nghiêm túc ở chỗ đó, đi chậm là ông la...”

Từ nhỏ tới khi con gái lớn, ông chẳng bao giờ đánh con vì “con gái yếu mềm lắm”. Gắt gỏng con thì có, nhưng khi thấy mấy cô con gái xịu mặt xuống buồn là ông lại chủ động làm lành. Ông dặn con nghe lời rồi lại hỏi có muốn ăn gì để ông đi mua cho. Lúc còn nhỏ, chị Kiều Lan cũng được ba đưa đi đóng phim, mấy bộ phim chiếu màn ảnh rộng như Đồng bằng sông Cửu Long, Dọc ngang sông nước, Chiều sâu lòng đất… chị đều được ba xin đạo diễn cho tham gia. Thế nhưng trong phim chưa bao giờ cha con họ được đóng vai ba con, vì người ba toàn đóng vai phản diện, cô con gái thì lại đóng những vai con của các gia đình cách mạng.

Sau này, đến năm Kiều Lan 10 tuổi, cũng vì biến cố của gia đình, ba mẹ chia tay, chị về ở với mẹ. Những mâu thuẫn giữa cha mẹ không đồng nhất được nên mẹ chị cũng không muốn cho con theo nghề ba nữa. Bản thân Kiều Lan lúc đó còn quá nhỏ, cũng không tự định hướng được, ở với ai thì phải theo người đó. NSƯT Hồ Kiểng rất mong mỏi con gái nối nghiệp mình, ông thường gặp con và đưa con đi quay chương trình Khéo tay hay làm trên tivi hoặc đi ca múa nhạc vào những ngày Chủ nhật, dù lúc đó ông cũng đã có gia đình mới.

Hồ Kiểng: Hết phim, ít nghệ sĩ trẻ tới thăm tôi - 4

Với Lý Nhã Kỳ khi tham gia phim Mùa hè lạnh.

Có nhiều con đẻ, con nuôi, nhưng Hồ Kiểng biết cách gắn kết các con lại với nhau, giúp chúng hiểu ra rằng, mỗi người đều là chỗ dựa tinh thần to lớn cho cuộc đời ông. Chị Lan tâm sự: “Tôi không cảm thấy có gì phiền hết khi ba có rất nhiều con nuôi. Ông rất ít con ruột nên thêm đứa con nuôi nào là có thêm một chỗ dựa tinh thần. Điều đó làm ông vui hơn nên gia đình chẳng lấy gì làm phiền hết. Tất cả những người đó đều yêu mến ba. Để gọi một người là ba như vậy cũng không phải dễ dàng. Mọi người ai cũng vui vẻ hòa đồng”.

Những giây phút cuối đời của người nghệ sĩ già   


Ít ai biết, những năm cuối đời, NSƯT Hồ Kiểng xài toàn… đồ giả, từ răng giả, tóc giả, đến đốt xương sống giả, tim nhân tạo… Cách đây 8 năm, ông phải mổ để lắp tim nhân tạo lần đầu tiên. Số tiền vài chục triệu đồng để thay tim, cũng là do bạn bè, đồng nghiệp và gia đình đóng góp, mỗi người một ít. Cách đây hơn một năm, ông lại thay tim lần thứ hai và sức khỏe cũng yếu đi nhiều.

Trưa ngày 3.4, lúc 12g30, chị Kiều Lan từ nhà riêng qua chơi với ba (NSƯT Hồ Kiểng ở cùng gia đình con gái út ở Chung cư Cao Thắng, Q3), chị còn ngồi tách xương cá để mời ông ăn cơm. Ông vẫn ăn hết một chén cơm đầy, rồi tự nhiên ông nói “Chắc ba không qua khỏi”. Kiều Lan gạt đi: “Ba nói bậy”. Lão nghệ sĩ lại nói “Ba thấy rồi, chắc không qua khỏi được đâu”. Có lẽ linh cảm của người già đã khiến ông biết cái chết đã đến rất gần với mình. Chiều hôm đó, khi gia đình con cái đều đã đi làm, ông ở nhà một mình, nằm trên võng và bị ngã xuống dưới đất. Một vết thương trên trán do đập đầu vào thành võng đã khiến ông ra đi mãi mãi. Khi người thân trở về, đã thấy ông nằm trên sàn nhà của căn hộ mà ông đã ở gần như nửa đời người.

Trước Tết Nguyên Đán, ông tâm sự với một nhà báo, khi chị tới thăm ông: “Tôi đã đóng rất nhiều phim, nhưng nỗi buồn lớn nhất của tôi có lẽ là sau khi phim hoàn thành, ít có nghệ sĩ trẻ nào sau đó đến thăm tôi”. Nỗi buồn mênh mang của người nghệ sĩ già, cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà nhiều vai diễn hay, dù chỉ là những vai phụ, vẫn còn đau đáu…

Theo Mốt và Cuộc sống


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.