LHP Quốc tế Hà Nội: Ít tiền nên dở, đừng chê?

LHP Quốc tế đã khép lại nhưng dư âm đọng lại của nó chẳng là bao. Có chăng chỉ là sự lùm xùm Hồng Quế mặc váy trong suốt xông vào thảm đỏ gây sốc dư luận.

LHP Quốc tế đã khép lại nhưng dư âm đọng lại của nó chẳng là bao. Có chăng chỉ là sự lùm xùm Hồng Quế mặc váy trong suốt xông vào thảm đỏ gây sốc dư luận.

Ít tiền nên dở?

Tại buổi họp báo khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội 2012, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đã chia sẻ, trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, việc tổ chức LHP lần này là cố gắng lớn từ phía Bộ.

Quả thật, so với mùa liên hoan đầu tiên năm 2010, LHP Quốc tế Hà Nội năm nay có quy mô nhỏ gọn hơn. LHP đi sâu vào những hoạt động chuyên ngành như Trại sáng tác trẻ Haniff, Triển lãm “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới”, đặc biệt là hai cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức trong khuôn khổ LHP với chủ đề “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” và “Xu hướng phát triển điện ảnh trong thời kỳ công nghệ số”.

LHP Quốc tế Hà Nội: Ít tiền nên dở, đừng chê?
Hồng Quế và chiếc váy gây sốc tại sự kiện thảm đỏ của LHP Quốc tế Hà Nội 2012. 
LHP Quốc tế Hà Nội 2012 cũng không thiên về bề nổi như mọi năm. Sự kiện thảm đỏ với những ngôi sao tầm cỡ khu vực như Ngô Ngạn Tổ hay Trương Gia Huy cũng không còn. Chỉ có sự xuất hiện của dàn sao Việt khá đông đảo trên thảm đỏ đem khai mạc, đêm bế mạc thì có phần thưa vắng hơn.

Không còn sự nồng nhiệt của các fan hâm mộ, cũng chẳng có mấy sự ngó ngàng của công chúng yêu điện ảnh, thảm đỏ LHP năm nay lẽ ra là sự kiện nhộn nhịp nhất, kéo lại phần nào sức hút cho BTC, nhưng cũng đã không thành công.

Ông Phan Đình Tân, Người phát ngôn của Bộ VHTTDL cho biết LHP năm nay chỉ được Bộ chi cho 2 tỷ đồng. Số tiền còn lại huy động từ nguồn tài trợ và xã hội hoá.

Quả thực tiền nào của ấy. Cả lễ khai mạc và bế mạc LHP năm nay đều tẻ nhạt. Chương trình do đạo diễn Lê Quý Dương đảm nhiệm cùng với NSND Trần Bình làm Giám đốc sản xuất. Bộ VHTTDL đã tận dụng tối đa nguồn lực nội bộ.

Sân khấu và các hoạt động bề nổi của LHP như lễ khai mạc, bế mạc, sự kiện thảm đỏ đều được tổ chức gói gọn tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội, không còn sự dàn trải như kỳ LHP trước.

Cũng bởi khó khăn về kinh tế và chi phí bị thắt chặt nên sân khấu lễ khai mạc và bế mạc được giữ nguyên. Các tiết mục ca múa nhạc chào mừng được tận dụng từ chính đội ngũ diễn viên của Nhà hát Ca múa Nhạc nhẹ TW thuộc Bộ VHTTDL.

Nhìn vào đó thôi cũng đã đủ thấy chương trình đêm khai mạc và bế mạc không thể thoát được hai chữ “nghèo nàn” và thiếu sáng tạo. Thậm chí mang tiếng là LHP quốc tế, nhưng hai buổi lễ quan trọng trên tại kỳ LHP này xem ra không bằng cả đêm trao giải Cánh diều vàng của Hội điện ảnh tổ chức thường niên hàng năm.

Không thể và không nên so sánh

"Không thể và không nên so sánh LHP Quốc tế HN còn non trẻ với các LHP quốc tế có uy tín nhiều năm trên thế giới. Chúng tôi cố gắng xây dựng LHP Quốc tế Hà Nội theo thông lệ quốc tế nhưng mang dấu ấn của điện ảnh VN", đó là lời tổng kết của bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh, Trưởng BTC LHP Quốc tế Hà Nội 2012.

Quả thực là không thể và không nên so sánh. Nhưng vẫn nên chỉ ra những điểm chưa ổn của một kỳ LHP để chúng ta cùng “rút kinh nghiệm lần sau”.

Trước tiên là chuyện lộn xộn thảm đỏ. Trước thềm lễ khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội 2012, ban tổ chức (BTC) nhấn mạnh sự kiện thảm đỏ năm nay sẽ là nơi tôn vinh các tên tuổi gạo cội của điện ảnh Việt. Nhưng trước khi được vinh danh các nghệ sĩ đã xếp hàng chờ đợi cả tiếng đồng hồ trên đường Trần Hưng Đạo, trước cửa Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội.

MC Tuấn Tú thì liên tục đọc sai tên nghệ sĩ, tên phim biến thảm đỏ thành một sân khấu hài.

LHP Quốc tế Hà Nội: Ít tiền nên dở, đừng chê?
Tại sự kiện thảm đỏ MC thì liên tục đọc sai tên nghệ sĩ, tên phim biến thảm đỏ thành một sân khấu hài.  
Không có người điều phối, quản lý nên sự kiện thảm đỏ trở nên lộn xộn như… cái chợ. Người mẫu Hồng Quế và những người bạn của cô dù không có tên trong danh sách khách mời thảm đỏ vẫn ngang nhiên đi vào thảm đỏ với một bộ váy trong suốt khoe hết nội y.

LHP bỗng dưng chết chìm trong cái scandal ngớ ngẩn. Thế nhưng khi được hỏi để xảy ra sự cố trên BTC quy trách nhiệm cho ai và khâu nào, ông Đỗ Duy Anh, Cục phó Cục Điện ảnh VN chỉ bảo sẽ rút kinh nghiệm còn chẳng biết quy trách nhiệm cho ai cả vì đây là sự cố bất ngờ.

Ở một sự kiện bên lề khác khá quan trọng của LHP, hội thảo Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới được rất nhiều nghệ sĩ đến dự và đọc tham luận. Thế nhưng bên lề hội nghị, NSND Đoàn Dũng chạy ra bức xúc với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên về việc hội nghị thiếu đề cương, ai thích nói gì thì nói.

Nguyên nhân xuất phát từ đạo diễn Lê Hoàng. Anh lên phát biểu tay không với những bức xúc về sự phân biệt phim thương mại và phim nghệ thuật, phim Nhà nước và phim tư nhân khiến cho những người làm nghề có phần hoảng hốt vì lo phiên dịch sẽ dịch không đúng khiến bạn bè quốc tế hiểu sai về điện ảnh Việt Nam.

Một LHP quan trọng nhất là công tác tuyển chọn phim tham dự và tham gia tranh giải phải tốt. Thế nhưng do mải làm công tác tuyển chọn phim quốc tế, BTC đã bỏ qua phim nước chủ nhà.

Năm nay BTC LHP Quốc tế Hà Nội chọn Cát nóng của Lê Hoàng (Hãng phim Giải phóng) làm phim chiếu mở màn và cử 2 phim tranh giải tại hạng mục Phim truyện là Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ và Đam mê của đạo diễn Phi Tiến Sơn.

LHP Quốc tế Hà Nội: Ít tiền nên dở, đừng chê?
Ở đêm khai mạc, suất chiếu mở màn LHP của Cát nóng đã làm cho quan khách trong nước và quốc tế hết chịu nổi khi buộc phải đứng lên ra về sau khi phim chiếu được 15 phút.  
Ngoại trừ Thiên mệnh anh hùng, hai bộ phim đại diện cho điện ảnh Việt Nam còn lại là Cát nóngĐam mê đã gây thất vọng lớn.

Ở đêm khai mạc, suất chiếu mở màn LHP của Cát nóng đã làm cho nhiều khách xem trong nước và quốc tế hết chịu nổi khi phải đứng lên ra về sau 15 phút khi phim được chiếu. Một bộ phim cũ kỹ và thậm chí là cẩu thả đậm chất truyền hình lại được chọn làm phim chiếu khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội.

Ðam mê của đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng không khá gì hơn. Ngay từ khi công chiếu ra mắt báo giới, phim đã bị nhận xét là gây thất vọng. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng phim chiếu trong nước đã buồn cười, mang đi thi quốc tế lại càng buồn cười hơn.

LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 đã khép lại, nói như TS Ngô Phương Lan thì: "LHP đã tạo đà cho bước hội nhập của điện ảnh Việt Nam trong khu vực để mở rộng ra thế giới", nhưng có lẽ đó còn là giấc mơ xa vời vì còn lâu điện ảnh Việt mới hội nhập được với thế giới".

Những điểm đáng ghi nhận

Một điểm đáng ghi nhận là so với lần đầu tiên tổ chức năm 2010, LHP Quốc tế Hà Nội 2012 đã có một bước tiến lớn trong công tác tuyển lựa phim tham dự cũng như phim tranh giải. Ở hạng mục tranh giải, trừ Đam mê của Việt Nam, 13 phim còn lại đều là những phim đáng xem.

Ngoài ra BTC cũng lựa ra một bộ sưu tập gồm 79 bộ phim của điện ảnh VN và thế giới tham dự các chương trình của LHP gồm phim chiếu Toàn cảnh điện ảnh Thế giới, Phim truyện về đề tài Hà Nội, Phim truyện thời kỳ đổi mới của điện ảnh VN, Phim truyện VN từ năm 2010 đến 2012.

Tại LHP lần này, khán giả có cơ hội tiếp cận với những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, trong đó đáng chú ý có các phim Amour (Chuyện tình) - giải Cành cọ vàng LHP Cannes 2012, Iron Lady, bộ phim đã mang về cho Meryl Streep tượng vàng Oscar 2012 cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, We need to talk about Kelvin - Phim Anh xuất sắc nhất 2011, A Separation - Phim nước ngoài hay nhất Oscar 2012... và một số phim giành giải Cành cọ vàng, Sư tử vàng các năm gần đây.

LHP Quốc tế Hà Nội: Ít tiền nên dở, đừng chê?
LHP Quốc tế Hà Nội 2012 đã tìm được chủ nhân xứng đáng khi trao giải Phim truyện xuất sắc nhất cho tác phẩm “Bị còng tay”, Philippines.  
Ở một góc khác, phải nhìn nhận rằng LHP năm nay đã mời được những nghệ sĩ điện ảnh thế giới thực sự có tâm huyết với điện ảnh Việt Nam. Họ là những người tham gia tuyển chọn phim Việt cho các LHP quốc tế lớn như Thượng Hải, Tokyo hay Thái Lan,…

Với sự am hiểu của mình về điện ảnh Việt, những ý kiến của họ thực sự hữu ích cho điện ảnh của chúng ta. Tiêu biểu là ý kiến của bà Chalida Uabumrungjit, Giám đốc LHP ngắn và video Thái Lan, bà nói:

“Tôi đã xem nhiều phim cũ của VN, tôi nghĩ vẻ đẹp và sự nên thơ là thế mạnh của VN. Nhưng điều đó lại thiếu trong những bộ phim hiện nay. Các bạn đang đi theo mô hình Hàn Quốc, Hollywood nhưng đó chưa chắc là con đường đúng đắn”.

LHP Quốc tế Hà Nội năm nay không được “xôm trò” như lần đầu tiên tổ chức với sự có mặt có những ngôi sao quốc tế. Nhưng con đường đi của BTC LHP Quốc tế Hà Nội 2012 được xem là đúng đắn. Bởi nếu tạo được uy tín về chất lượng nghệ thuật thì mọi sơ suất về hình thức tổ chức sẽ được khắc phục dần ở lần sau.

Theo VTC


Bình luận