Nghệ sỹ nhân dân: Phải 'xin' mới 'cho'

Vì lòng tự trọng nghề nghiệp, nghệ sỹ không muốn khai hồ sơ, họ thường nói: "Tôi không xin, cấp thì tôi nhận”.

Vì lòng tự trọng nghề nghiệp, nghệ sỹ không muốn khai hồ sơ, họ thường nói: "Tôi không xin, cấp thì tôi nhận”.

Sau khi diễn viên Văn Hiệp – người quen mặt với khán giả Việt Nam qua vai trưởng thôn trong các tiểu phẩm hài qua đời, nhiều ý kiến cho rằng cần truy tặng ông danh hiệu NSƯT cho đỡ thiệt thòi. Bên cạnh đó, cũng người cho rằng, lúc sống không tặng, chết rồi “chuối oản” để ai xơi.

PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ông cũng là thành viên của Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND và NSƯT nhiều năm nay.

Ông Lê Chức (giữa) tại đám tang diễn viên Thu An

Thưa ông, sau khi nghệ sỹ Văn Hiệp qua đời, có nhiều ý kiến cho rằng cần truy tặng danh hiệu để ông đỡ thiệt thòi. Có người lại nói, khi ông Hiệp còn sống không để ý, khi mất mới xin. Ông nghĩ sao?

Ngày hôm nay, chúng tôi xin cho người nghệ sỹ 71 tuổi Văn Hiệp vì câu: “Nghệ sỹ của nhân dân”. Vẫn là ông Hiệp không có “huy chương” nhưng xét về mặt cống hiến qua các vai diễn; uy tín trong công chúng và tình cảm xúc động của anh em nghệ sỹ...

Được biết, Hội Nghệ sỹ Sân khấu đã soạn thảo đơn đề nghị Bộ VH – TT – DL đặc cách phong NSƯT cho nghệ sỹ Văn Hiệp. Vậy lá đơn hiện nằm đâu, thưa ông?

Anh Văn Hiệp không có giải thưởng, danh hiệu, cũng phải nói anh Hiệp thiệt thòi. Anh có nhiều vai diễn đặt dấu ấn như vai y tá trong vở Đôi Mắt của tác giả Dũng Minh; vai Ốc trong vở hài kịch Nghêu, Sò, Ốc, Hến của đạo diễn Dương Ngọc Đức... Người ta có cảm giác không ai vượt qua được Văn Hiệp trong vai Ốc.

Một ngày sau đám tang anh Văn Hiệp, chiều 12/4, Hội Nghệ sỹ Sân khấu đã làm văn bản đề nghị đặc cách danh hiệu NSƯT cho ông và gửi sang Bộ VH – TT – DL. Trong văn bản gửi đi, chúng tôi nói rõ, anh Văn Hiệp là diễn viên có năng lực, có tài ở phạm vi vai anh Hiệp diễn; trở thành danh hài; có uy tín và lượng công chúng lớn.

Chúng tôi tin rằng, lý lẽ đưa ra và chút xúc động của mỗi người trong sự được gọi là thiệt thòi của người nghệ sỹ, sẽ có nhiều phiếu cho anh Hiệp. Tuy nhiên, khi nào được hoặc được hay không vẫn phải chờ.

Nhưng, với diễn viên Văn Hiệp, sinh thời ông từng hai lần làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT, cả hai lần đều bị loại?

Các vai diễn “để đời” của anh Hiệp như tôi vừa kể trên, đáng tiếc là ở trong các vở kịch không đi hội diễn. Do vậy, anh không có giải vàng, giải bạc như tiêu chí xét tặng... Nhưng lúc này là xin xét đặc cách, không xét tiêu chí.

Đạo diễn Khải Hưng (thứ hai từ trái sang) vận động các nghệ sỹ khác ký vào đơn đề nghị danh hiệu NSƯT cho "trưởng thôn" Văn Hiệp

Trước đây, đã có tiền lệ xin đề nghị phong danh hiệu như ông Văn Hiệp chưa?

Trước đây, năm 2009, khi diễn viên Phương Thanh vừa mất, cũng dấy lên đề nghị phong tặng NSƯT. Sau đó, đến đợt xét năm 2012, diễn viên Phương Thanh được truy tặng danh hiệu NSƯT. Tôi là một trong những người bỏ phiếu cho Phương Thanh ở Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND và NSƯT năm 2012.

Năm 2010, NSƯT Y Moan được xét đặc cách danh hiệu NSND, một tháng trước khi ông mất. Danh hiệu được trao trong Liveshow "Ngọn lửa cao nguyên" thực hiện sau những ngày ông đấu tranh với căn bệnh ung thư.

Ca sỹ Y Moan là hãn hữu, không muốn nói là duy nhất từ trước đến nay. Khi truy tặng NSND, xét thấy ông có cống hiến lớn, là người Tây Nguyên và đang bệnh trọng. Tôi nhớ, đêm diễn cuối cùng ấy, có cả y tế túc trực bên cạnh. Danh hiệu NSND của anh Y Moan có cả nội dung nghệ thuật và chính trị, đồng thời bộc lộ tính nhân văn với một người có thể ví như ngọn lửa bùng cháy lên phút cuối cùng.

Ông cũng từng là thành viên của Hội đồng Xét tặng danh hiệu NSND và NSƯT nhiều lần. Là người trong cuộc, ông thấy sao khi còn nhiều ý kiến trái chiều sau mỗi đợt xét tặng danh hiệu?


Người ta vẫn mong có sự công tâm trong hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt với hội đồng giám khảo xét tặng danh hiệu cho nghệ sỹ. Có khi chúng tôi làm hết trách nhiệm, nhưng vẫn khiến nhiều người cảm thấy không bằng lòng. Có những người được suy tôn, ai cũng thừa nhận, nhưng có những người không được thừa nhận.

Trong khi xét giải thưởng, có người uy tín đúng, có người uy tín còn “độ chênh vênh” nhưng chúng tôi vẫn phải xét vì đủ tiêu chí. Ví dụ, tiêu chí xét NSƯT cần có hai giải vàng quốc gia hoặc quốc tế...  người ta có mình phải xét. Nhưng của hội diễn nào, tình huống nào thì hội đồng xét không thể quản lý được. Cũng giống như ở nước Pháp có rượu Bordeaux, phải ghi rượu của vụ nho năm nào? Bởi có năm nho không tốt vẫn ra được rượu.

Ngày hôm nay, chúng tôi vẫn nói với nhau câu: “Những gì người ta không mua được bằng tiền, họ có thể mua được bằng nhiều tiền”. Họ vẫn đủ tiêu chí, nhưng vì sao họ đủ, lại thuộc về những việc trước đó.

Khi còn sống, NSƯT Hồ Kiểng và nghệ sỹ Văn Hiệp đều ở trong những căn nhà nhỏ, nghèo nàn

Theo quy định, các nghệ sỹ phải làm đơn “xin” xét duyệt và hoàn thành hồ sơ đề nghị phong tặng khiến nhiều nghệ sĩ ái ngại, thậm chí quay lưng. Là người trong cuộc, ông nghĩ gì?

Về mặt tâm lý, vì lòng tự trọng nghề nghiệp, không ai muốn khai hồ sơ. Các nghệ sỹ thường nói: "Tôi không xin, cấp thì tôi nhận". 

Dùng chữ "xin, cho" nghe nặng nề, nhưng không tự đề xuất nguyện vọng nếu nay mai bỗng dưng công bố ông A là NSND mà họ không nhận thì sao? Ví dụ nghệ sỹ Kim Chi nói không muốn nhận, đã vậy, lên báo nói: “Tôi không muốn nhận, sao lại trao cho tôi”.

Do vậy, người làm quản lý có sự cẩn trọng, nghệ sỹ có quy định riêng, bắt gặp nhau là tốt nhất. Trao danh hiệu phải niềm vui của người được tôn vinh, trách nhiệm cả người trao, không nghiêng về một phía nào.

Về các tiêu chí, có thể thấy tiêu chí phải có giải vàng, giải bạc trong các hội diễn quốc gia, quốc tế... dường như là vật cản của khá nhiều nghệ sỹ tài năng trong việc được xét NSƯT, NSND. Theo ông, làm sao khắc phục điều này?

Chúng tôi cũng vừa xét 6 trường hợp đặc cách NSND của TP. HCM như: Viễn Châu, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy.... Những trường hợp này, nếu theo tiêu chí, họ không có giải vàng, giải bạc... Bởi lớn tuổi đi thi gì nữa. Các trường hợp trên đặt ra tiền đề cho các nghệ sỹ có cống hiến, được người trong nghề cảm phục, công chúng tiếp nhận nhưng vì nhiều lý do không được giải vàng giải bạc ở các hội diễn.

Trong dự thảo quy định xét giải thưởng đang góp ý cho Chính phủ, phải trình trước 10/5 tới đây, chúng tôi đề xuất nên có “vùng riêng” đặc cách cho các nghệ sỹ vì nhiều lý do không được giải vàng giải bạc ở các hội diễn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Khám phá


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.