Buồn vui thưởng Tết ngân hàng

Đã là cái Tết Nguyên đán thứ 3 các nhân viên của nhiều ngân hàng vẫn ngại nhắc chuyện thưởng Tết.

Đã là cái Tết Nguyên đán thứ 3 các nhân viên của nhiều ngân hàng vẫn ngại nhắc chuyện thưởng Tết.

Phần vì kết quả kinh doanh còn lẹt đẹt, cố lắm mới đạt chỉ tiêu giao khoán. Phần quan trọng hơn là, bao nhiêu lợi nhuận làm ra của cả hệ thống ngân hàng đều phải ưu tiên trích lập dự phòng nợ xấu, bổ sung vốn hoạt động, hoặc các nhiệm vụ cấp bách khác.…

Chỉ còn 1 tuần làm việc nữa là Tết, song đến giờ, thông tin chung từ một số nhân viên ngân hàng chia sẻ về thưởng Tết là "may mắn có thưởng chút ít", "vẫn chưa thấy gì", hay ngắn gọn là "chán lắm"! Cũng đủ thấy cảm xúc của những người lao động trong ngành ngân hàng - đang phải tái cơ cấu quyết liệt mấy năm qua, có chút buồn vui, ngậm ngùi.

Chỉ tiêu cao, thu nhập "hẻo"

Gắn bó với ngân hàng Eximbank hơn 5 năm, anh N.H.T - cán bộ tín dụng của một chi nhánh lớn tại TP HCM, đã không còn hào hứng với chuyện thưởng Tết. Từ 2 năm nay, Eximbank đã thay đổi cơ chế đánh giá kết quả công việc của nhân viên để xét thu nhập cũng như các khoản thưởng. Theo đó, mỗi chi nhánh sẽ bị giao khoán chỉ tiêu kinh doanh và phân bổ cho các phòng ban, từng nhân viên. Thu nhập và khoản thưởng sẽ được tính trên mức độ hoàn thành chỉ tiêu trong năm đó.

Tùy theo vị trí công việc và mức độ đóng góp, cống hiến mà mức lương, thưởng sẽ khác nhau.

Tùy theo vị trí công việc và mức độ đóng góp, cống hiến mà mức lương, thưởng sẽ khác nhau.

Anh T cho biết: "Cả năm đi làm cũng chỉ được thưởng 1 tháng lương thứ 13, coi như là thưởng Tết rồi. Vì phòng tôi không hoàn thành chỉ tiêu. Nhìn chung, mấy năm qua, việc kinh doanh của ngân hàng nào cũng khó khăn, có lợi nhuận thì phải trích dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu hết. Cho nên, đi làm chỉ có lương thôi". Thực tế, ở chi nhánh này, mấy năm gần đây thưởng Tết là điều xa xỉ.

Còn chị N.T.H, giao dịch viên của một chi nhánh ngân hàng BIDV tại Hà Nội có phần mừng hơn với khoản thưởng Tết "hơn chục triệu đồng", tương ứng khoảng 2 tháng lương. Tuy vậy, theo chị H, cả năm đi làm không hề có bất kỳ khoản thưởng nào khác như một số ngân hàng hay thực hiện chia thưởng tháng, quý (tính theo doanh số kinh doanh…).

Nhắc chuyện thu nhập, nữ giao dịch viên này than thở: "Chán lắm, vị trí giao dịch viên cũng bị khoán một số chỉ tiêu, như huy động vốn, phát hành thẻ… Áp lực căng thẳng lắm mà lương cũng chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, chứ không phải cao như nhiều người nghĩ". Thực tế, với mức thu nhập hiện tại, chị H cũng phải khéo co kéo thì mới đủ sinh hoạt tại thành phố đắt đỏ như Hà Nội. Một số bạn bè của chị H làm việc tại các ngân hàng lớn như Vietinbank… cũng chia sẻ mức thưởng Tết khá "khiêm tốn". 

Từ khi tái cơ cấu, các ngân hàng đẩy mạnh thực hiện chế độ giao khoán chỉ tiêu, đánh giá, xếp loại chi nhánh, phòng ban để duyệt kế hoạch thưởng Tết. Căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc, chi nhánh sẽ quyết định mức lương, thưởng cả năm của nhân viên. Và, tùy theo vị trí công việc là bộ phận kinh doanh trực tiếp, hay hỗ trợ kinh doanh, mức độ đóng góp, cống hiến, thâm niên… thì mức lương, thưởng sẽ khác nhau.

Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, ngân hàng ACB xét thưởng Tết theo phân loại chi nhánh: đạt loại B thì thưởng 2 tháng lương, cá nhân làm việc tốt, đạt loại A thì có thưởng thêm… Nhìn chung, các ngân hàng cố gắng giữ mức thưởng như năm trước, có tháng lương thứ 13 hoặc tùy kết quả kinh doanh để chia thưởng cho nhân viên.

Có ngân hàng A - có vốn của tập đoàn nhà nước lớn và một ngân hàng B ở miền Nam chỉ thưởng 200.000-500.000 đồng/người! Còn ngân hàng yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt, hay có biến cố lãnh đạo bị bắt giữ, các nhân viên cũng chuẩn bị sẵn tâm lý "nói không" với thưởng Tết.

Tội của nợ xấu

Thực tế, chuyện lương thưởng của ngành ngân hàng bị cắt giảm đã diễn ra phổ biến trong vài năm gần đây. Kinh doanh sụt giảm, lợi nhuận teo tóp, nợ xấu tăng cao, áp lực tăng vốn không ngừng… khiến các chủ ngân hàng buộc phải tiết giảm chi phí hoạt động, lương thưởng, cổ tức.

Một trong những nguyên nhân chính là do ngân hàng phải hi sinh lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu, nợ quá hạn. Nói cách khác, phần lớn lợi nhuận đang "chôn" ở dự phòng rủi ro.

Tính đến cuối năm 2014, các ngân hàng đã bán hơn 95.000 tỷ đồng nợ xấu cho công ty VAMC, thu về trái phiếu đặc biệt. Nhưng ngân hàng vẫn phải trích lập 20% nợ xấu bán đi, tức có khoảng 19.000 tỷ đồng vốn phải đưa vào quỹ dự phòng trong 1 năm qua.

Một số ngân hàng có dư nợ xấu lớn đã tăng cường bán nợ xấu để giảm nhanh dư nợ, tỷ lệ trên sổ sách. Thế nhưng, ngân hàng phải tăng trích dự phòng bằng nguồn lợi nhuận và chỉ khi tự xử lý, thu hồi được nợ thì mới "giải phóng" nguồn vốn bị "đọng" tại đây.

Cụ thể, Eximbank đã trích dự phòng rủi ro đến hết tháng 6/2014 gần 800 tỷ đồng (nợ xấu là 1.945 tỷ đồng). DongAbank có nợ quá hạn tới 6.945 tỷ đồng (cuối tháng 9/2014) nên tổng dự phòng rủi ro lên tới 893 tỷ đồng. Ngân hàng ACB cũng "mắc kẹt" với khối nợ xấu tới 3.478 tỷ đồng, đã khiến tổng dự phòng rủi ro tăng lên, đạt 1.894 tỷ đồng.

Theo Thời báo Kinh Doanh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.