Chủ dự án Ngọc Viên Islands phá sản

Trong 60 ngày, các chủ nợ của Công ty cổ phần Sỹ Ngàn, chủ đầu tư dự án Ngọc Viên Islands có thể gửi giấy đòi nợ kèm các chứng từ liên quan đến Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội.

Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội vừa có quyết định mở thủ tục phá sản với Công ty cổ phần Sỹ Ngàn, chủ dự án Ngọc Viên Islands. Thủ tục phá sản được mở theo yêu cầu của Công ty cổ phần Đầu tư Trường Phúc (Đống Đa, Hà Nội), một trong các chủ nợ của Công ty cổ phần Sỹ Ngàn.

Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội khẳng định: "Sau khi xem xét các giấy tờ, tài liệu liên quan đến yêu cẩu mở thủ tục phá sản; các căn cứ đã chứng minh Công ty Cổ phần Sỹ Ngàn lâm vào tình trạng phá sản".

Dự án được tuyên bố mở bán từ năm 2011 với mức giá khởi điểm là 15 triệu đồng một m2.

Theo đó, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bố cáo cuối cùng được phát đi, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội. Trong đó nêu cụ thể các khoản nợ, số nợ đến hạn, chưa đến hạn, số nợ có đảm bảo và không có đảm bảo mà Công ty cổ phần Sỹ Ngàn phải trả. Kèm theo giấy đòi nợ là các giấy tờ chứng minh khoản nợ đó.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp ngày 8/2/2010, Công ty cổ phần Sỹ Ngàn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Sỹ Ngàn là chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế 5 sao Ngọc Viên Islands tại Ba Vì. Dự án gồm tổ hợp resort, biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ dịch vụ có tổng diện tích gần 30 ha bao gồm 70 căn biệt thự cao cấp, 112 phòng khách sạn, khu nhà hàng, khu hội nghị, vui chơi giải trí. Dự án được tuyên bố mở bán từ năm 2011 với mức giá khởi điểm là 15 triệu đồng một m2.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến 31/12/2012, tổng số doanh nghiệp ngành xây dựng đang hoạt động là gần 56.000, tăng hơn 7.000 đơn vị so với năm trước. Tổng số doanh nghiệp có lãi là 37.197, trong khi năm 2011 con số này hơn 33.300. Số đơn vị kinh doanh thua lỗ là 17.000 doanh nghiệp, tăng hơn 2.000 so với năm 2011.

Tổng số doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể là 2.637, trong đó có 2.110 doanh nghiệp xây dựng, 527 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. So với năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng dừng hoạt động, giải thể tăng 6,2%, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng 24,1%.

Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá, thị trường khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp đều mong muốn "thoát" khỏi thị trường bất động sản nhưng hàng không bán được, phá sản cũng không ai cho. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn muốn được ngân hàng "siết" nợ bất động sản với giá bằng giá trị đã định giá trước đó, vì trước đó nhà băng đã… lỡ định giá quá cao.

Theo VnExpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.