Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đang làm ăn ra sao?

Công ty hiện vẫn là nhà sản xuất bóng đèn, thiết bị chiếu sáng lớn nhất trong nước.

Rạng Đông là một trong số ít thương hiệu phát triển từ xưa. Công ty hiện vẫn là nhà sản xuất bóng đèn, thiết bị chiếu sáng lớn nhất trong nước.

Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) tiền thân là nhà máy sản xuất bóng đèn phích nước Rạng Đông được xây dựng từ năm 1958 tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Đây cũng là 1 trong 13 nhà máy đầu tiên được xây dựng để phát triển ngành công nghiệp nhẹ tại Việt Nam.

Thương hiệu hơn 60 năm tuổi của Hà Nội

Trước năm 1988 là thời kỳ hoàng kim của Rạng Đông, cùng với Cao su Sao Vàng, Giầy Thượng Đình, Diêm Thống Nhất, Mỳ Miliket… đây đều là những thương hiệu lớn của Việt Nam thời điểm đó. Mỗi doanh nghiệp đảm nhiệm một vài trò sản xuất và gần như độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Từ năm 2004, công ty hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ hơn 79 tỷ đồng. Trong đó, nhân viên công ty sở hữu hơn 40% vốn điều lệ và Nhà nước nắm giữ 51%.

Đến năm 2006, Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống còn 21% thông qua SCIC và chính thức thoái toàn bộ vốn vào năm 2015.

Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đang làm ăn ra sao?-1

Rạng Đông là một trong số ít thương hiệu xưa của Hà Nội còn duy trì được vị thế của mình trên thị trường. Ảnh: RAL.

Sau 61 năm hoạt động trên thị trường, Rạng Đông hiện vẫn là nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng lớn nhất tại Việt Nam với công suất hơn 150 triệu sản phẩm bóng đèn; 18,5 triệu sản phẩm phích nước; 5 triệu sản phẩm thiết bị chiếu sáng… mỗi năm.

Rạng Đông hiện cũng là doanh nghiệp sản xuất bóng đèn có thị trường lớn nhất trong nước với hơn 7.000 đại lý và cửa hàng. Ngoài ra, công ty cũng xuất khẩu sản phẩm đi 42 quốc gia, mang về khoảng 20% doanh thu hàng năm.

Rạng Đông cùng với Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (DQC) là hai doanh nghiệp sản xuất lớn nhất trong lĩnh vực bóng đèn và thiết bị chiếu sáng trên thị trường. Tuy nhiên, thị phần (theo doanh thu) của Điện Quang chỉ bằng 1/3 so với Rạng Đông.

Từng có nguy cơ phá sản

Là một trong số ít thương hiệu lớn còn duy trì được vị thế của mình, tuy nhiên, như nhiều thương hiệu vang bóng một thời khác, Rạng Đông cũng từng đứng trước nguy cơ phá sản.

Cụ thể, trong giai đoạn 1988-1990, sau khi Việt Nam mở cửa thị trường, làn sóng hàng ngoại ồ ạt tràn vào. Đặc biệt là hàng Trung Quốc với giá rẻ hơn đã khiến Rạng Đông gặp khó khăn và mất dần thị phần.

Trong giai đoạn này, công ty liên tục làm ăn thua lỗ, có thời điểm phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc suốt 6 tháng. Năm 1990, tài khoản tại ngân hàng của công ty bị phong tỏa, tài chính liên tục gặp khó khăn, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng.

Cùng năm, công ty ghi nhận vỏn vẹn 7,4 tỷ đồng doanh thu và khoản lỗ trước thuế 16 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây cũng đánh dấu bước chuyển mình của Rạng Đông, với việc vay nợ để cải tiến dây chuyền sản xuất đã cũ.

Đến năm 1991, tuy doanh thu mới đạt chưa tới 15 tỷ đồng, công ty đã chấm dứt được tình trạng thua lỗ với 220 triệu đồng lãi trước thuế.

Từ đó đến nay, Rạng Đông đã trải qua 28 năm ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng liên tục.

Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đang làm ăn ra sao?-2

Rạng Đông đang làm ăn ra sao?

Trong năm gần nhất (2018), Rạng Đông đạt 3.637 tỷ đồng doanh thu và 204 tỷ đồng lợi nhuận ròng sau thuế. Đây cũng là doanh nghiệp sản xuất bóng đèn, thiết bị chiếu sáng có thị phần (theo doanh thu) lớn nhất cả nước.

So với trước năm 2000, doanh thu của Rạng Đông đã tăng 24 lần và lợi nhuận tăng 19 lần sau gần 20 năm kinh doanh.

Báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay cũng cho biết, công ty đã thu về tổng cộng 1.804 tỷ đồng doanh thu thuần sau 6 tháng, tăng 21% so với cùng kỳ. Khoản lợi nhuận sau thuế nhờ đó cũng tăng hơn 20%, đạt 96 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, bóng đèn đóng góp 77%, phích nước chiếm 20%. Phần còn lại, bao gồm cả ngành nghề kinh doanh bất động sản và quyền sử dụng từ đất chỉ chiếm 3%. 

Với số vốn điều lệ 115 tỷ đồng, EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) của Rạng Đông sau nửa năm đạt 8.380 đồng, thuộc nhóm cao trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đang làm ăn ra sao?-3

Tại báo cáo tài chính quý II, Rạng Đông ghi nhận tổng tài sản đạt gần 2.782 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn, chiếm 89%, gồm tiền và các khoản tương đương tiền và hàng tồn kho.

Giá trị hàng tồn kho hiện tại của nhà sản xuất bóng đèn này đạt hơn 1.069 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu chưa hình thành sản phẩm và hàng hóa đã thành phẩm.

Trong khi đó, giá trị tài sản dài hạn chủ yếu nằm ở tài sản cố định bao gồm máy móc thiết bị và nhà xưởng, vật kiến trúc… Ngoài nhà máy cũ tại Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, công ty còn một nhà máy khác tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh.

Để có vốn lưu động sản xuất, Rạng Đông cũng phải thực hiện nhiều hợp đồng tín dụng với các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Đến cuối tháng 6, công ty có 1.947 tỷ đồng nợ phải trả, gấp 2,33 lần vốn chủ sở hữu, tương đương 78% tài sản ngắn hạn. Trong đó, 1.460 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 837 tỷ đồng vay dài hạn có phát sinh lãi suất.

Chủ nợ lớn nhất hiện nay của Rạng Đông là Vietcombank với khoản dư nợ ngắn hạn hơn 402 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietinbank CN Đống Đa cũng đang cho nhà sản xuất này vay 255 tỷ đồng; SCB cho vay 188 tỷ đồng… Hầu hết khoản vay trên đều có tài sản đảm bảo là hàng tồn kho và các khoản phải thu, quyền thu tại các hợp đồng kinh tế.

Điều đặc biệt cũng đến từ cơ cấu sở hữu của Rạng Đông khi ông chủ lớn nhất tại đây chính là công đoàn của công ty. Theo đó, công đoàn công ty này đang nắm tổng cộng 42,96% vốn điều lệ, và bà Lê Thị Kim Yến, Thành viên HĐQT, nắm 15,13%. Đây cũng là 2 cổ đông lớn của Rạng Đông hiện nay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đoàn Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, chỉ nắm 1,86% vốn doanh nghiệp.

Cháy lớn tại Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Khoảng 18h hôm qua (28/8), hỏa hoạn bùng phát tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trên đường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Công an thành phố sau đó đã phải huy động 50 xe chữa cháy từ các quận Thanh Trì, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông tới hỗ trợ. Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội phải huy động nhiều xe cứu hỏa như vậy tới cùng một địa điểm để dập lửa.

Đến 23h40 cùng ngày, đám cháy mới cơ bản được khống chế, không còn nguy cơ cháy lan. Cũng theo cơ quan chức năng không có thiệt hại nào về người nhưng nhiều cơ sở vật chất đã bị thiêu rụi.

Trong phiên giao dịch sáng nay (29/8), cổ phiếu RAL của Rạng Đông đã bị nhà đầu tư bán tháo ở giá sàn 81.900 đồng/cổ phiếu, giảm kịch biên độ 7% so với ngày hôm qua.

Theo Zing


bóng đèn Rạng Đông

phích nước Rạng Đông


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.