Đừng để ngân hàng gồng gánh nặng

Nền kinh tế khó khăn, chính sách tiền tệ phải gánh gồng đủ việc từ lo hạ lãi suất, cho vay vốn giải cứu doanh nghiệp, tới trách nhiệm kích cầu hàng tiêu dùng, lo tăng trưởng kinh tế rồi đảm bảo kiềm chế lạm phát, giữ ổn định thị trường vàng, ngoại tệ.

 Nền kinh tế khó khăn, chính sách tiền tệ phải gánh gồng đủ việc từ lo hạ lãi suất, cho vay vốn giải cứu doanh nghiệp, tới trách nhiệm kích cầu hàng tiêu dùng, lo tăng trưởng kinh tế rồi đảm bảo kiềm chế lạm phát, giữ ổn định thị trường vàng, ngoại tệ. Không nên dồn gánh nặng lên chỉ đôi vai ngành ngân hàng - Nhận định của nhiều chuyên gia.

Vấn đề không phải là lãi suất mà là niềm tin Ảnh: PV
Vấn đề không phải là lãi suất mà là niềm tin.  Ảnh: PV.

Nghe lãi suất lên tiếng

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, chỉ trong 4 tháng đầu năm lãi suất đã giảm từ 2-4% chưa kể đã giảm mạnh trong 2012. Mặt bằng lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở 8-10%. Với các lĩnh vực kinh doanh khác là 9-12%. Với các khách hàng có dự án tốt, 7,5-8% một năm.

“Chúng tôi theo dõi diễn biến lãi suất các giai đoạn trước, thì thấy đã trở lại giai đoạn ổn định trước đây. Với các khoản vay cũ, vào tháng 7/2012 Thống đốc đã hiệu triệu giảm lãi suất cho vay cũ về tối đa 15%. Các tổ chức tín dụng đã ủng hộ mạnh mẽ. Dư nợ lãi suất trên 15% chỉ còn 14,7% thay vì hơn 60% của tháng 7 năm ngoái. Đầu tháng 5 này các ngân hàng lớn giảm tối đa về 13% một năm với các khoản vay cũ”- bà Hồng nhấn mạnh.

Theo bà Hồng, hiện có những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng họ không vay vì tồn kho cao, tiêu thụ hàng hóa kém, nên không biết vay để mở rộng sản xuất thế nào trong điều kiện đầu ra đang khó khăn.

Trong khi đó các doanh nghiệp khác cần vốn lại tình hình tài chính kém. Các ngân hàng không dám cho vay dưới chuẩn. Câu chuyện ở Mỹ là bài học để các ngân hàng không làm như vậy.

“Trước đây tăng trưởng tín dụng cao trên 30%, nay các ngân hàng phải cơ cấu lại tài sản của mình để đảm bảo tài sản an toàn nên việc cho vay cũng không thể tăng trưởng như trước”- bà Hồng nói

Liệu có phải lãi suất vẫn cao? Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng chia sẻ, ngân hàng này đang tìm mọi cách để tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN bằng nhiều giải pháp: phân loại khách hàng để đưa ra các gói tín dụng lãi suất VND ưu đãi trung bình chỉ 8,5%/năm. Với doanh nghiệp xuất khẩu quy mô lớn, lãi suất USD bình quân 3,6%/năm...

Hay như tại Agribank, theo Phó tổng giám đốc Nguyễn Tiến Đông lãi suất cho vay ngắn hạn DN tốt 8 - 10%/năm; trung dài hạn 11 - 13%/năm. Mặc dù các gói lãi suất thấp như vậy đến giờ này tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn thấp. Tính đến hết tháng 4 tín dụng toàn hệ thống tăng 2,14%.

Gánh nặng

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng tín dụng NHNN chỉ ra vốn của ngân hàng hiện nay không thiếu. Bản thân NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng sâu sát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gia hạn nợ.

 4 tháng đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi quyết liệt trong điều hành chính sách tiền tệ và đạt được một số thành quả bước đầu khá tích cực. Các vấn đề lớn được Ngân hàng Nhà nước quyết tâm đi sâu vào mổ xẻ tận gốc vấn đề đó là: Khả năng tiếp cận vốn; lãi suất, nợ xấu, cho vay và thị trường vàng 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Theo ông Mạnh về việc tiếp cận vốn, trước đây mọi người cứ đổ do lỗi ngân hàng, nhưng nay, VCCI vừa công bố khảo sát với toàn bộ doanh nghiệp, thì 73% nói rằng khó khăn vay vốn không phải vì lãi suất hay ngân hàng nữa, mà là vấn đề thị trường. Lòng tin trên thị trường đang có vấn đề không tạo điều kiện cho họ kinh doanh.

Tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh, đương nhiên kéo theo sức mua của nền kinh tế sẽ giảm xuống. Như vậy, nếu chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ để cứu DN thì khó có thể đạt được.

“Với bất cứ chính sách nào cũng cần có độ trễ. Với mặt bằng lãi suất hiện này, ít nhất 4 - 6 tháng nữa mới có chuyển biến tích cực. Nếu sốt ruột quá đôi khi sẽ làm méo mó chính sách cũng như thể hiện sự không nhất quán điều hành chính sách của cơ quan quản lý”, chuyên gia ngân hàng TS Đào Văn Hùng nhận định.

Theo ông Hùng, gốc vấn đề là kỳ vọng lạm phát. Lãi suất chỉ có thể giảm được khi kỳ vọng về lạm phát giảm. “Tôi cho rằng điều hành cắt giảm lãi suất thời gian qua của NHNN dựa vào chỉ số CPI là bước đi chắc chắn, bền vững. Về lý thuyết có thể giảm lãi suất trước CPI nhưng sẽ không bền vững. Bởi làm như vậy dân chúng sẽ rút tiền ngân hàng và sẽ tạo áp lực mới về lạm phát” - ông Hùng nói.

Không quá lo lắng về các chỉ số cơ bản của nền kinh tế nhưng TS Trịnh Quang Anh băn khoăn về việc NHNN chịu sức ép thái quá. Trong thời gian vừa qua NHNN sử dụng linh hoạt, thận trọng công cụ chính sách tiền tệ, kiểm soát cung tiền không gây lạm phát.

NHNN hoàn thành xuất sắc hai mục tiêu là kiềm chế lạm phát, và nỗ lực giảm lãi suất hỗ trợ DN. “Nhưng cũng như con người không thể chạy nhanh bằng một chân. Và chính sách tiền tệ giải quyết những vấn đề ngắn hạn, còn trung dài hạn phải tổng thể chính sách vĩ mô”, ông Anh lưu ý.

Theo Tiền Phong



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.