Ngân hàng: Chấp nhận mất vốn

Nợ nhóm 5 của một số ngân hàng đang có xu hướng tăng lên.

Nợ nhóm 5 của một số ngân hàng đang có xu hướng tăng lên.

Lợi nhuận ngân hàng quý I/2013 tiếp tục giảm mạnh một cách đáng ngại. nguyên nhân chủ yếu là nợ xấu tiếp tục phình to. Nhưng ít ai biết phần nợ xấu tăng mạnh nhất lại rơi vào nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn.

Tổng hợp một số thông tin từ các ngân hàng tiêu biểu như Vietcombank, VietinBank, Ngân hàng Quân Đội (MBB), Eximbank, Sacombank, Techcombank và Ngân hàng Á Châu (ACB), có thể nhận thấy hầu hết các ngân hàng đều có tỉ trọng nợ nhóm 5 tăng dần qua từng quý. Chẳng hạn, ở MBB, tỉ trọng này đã tăng lên từ 37,96% của quý II/2012 lên mức 74,48% vào quý I/2013. Hay ở Sacombank, con số này tăng từ 30,47% lên 56,75%.

Còn nếu xem xét tốc độ tăng trưởng nợ nhóm 5, ngân hàng tăng tốc mạnh nhất là MBB. So với quý IV/2012, lượng nợ xấu nhóm 5 của MBB trong quý I/2013 đã tăng hơn gấp đôi. Tiếp theo sau là Techcombank, VietinBank và Sacombank.

nợ, vốn, đầu tư

Nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn, xem như khách hàng không thể trả nợ và ngân hàng buộc phải bỏ vốn ra xóa nợ bằng cách trích lập dự phòng 100%. Đây cũng là lý do chính giải thích cho việc lợi nhuận ngành ngân hàng đang giảm.

Nhưng các ngân hàng đang có một công cụ tuyệt vời là Quyết định 780/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (ra đời vào tháng 4.2012). Công cụ này cho phép ngân hàng được “giấu nợ” một cách hợp pháp. Nghĩa là họ có toàn quyền phân loại các khoản nợ và tự do đánh giá khách hàng nhiều hơn. Chẳng hạn, có thể giữ nguyên một khoản nợ quá hạn thành nợ nhóm 3 thay vì đưa xuống nợ nhóm 4 hoặc 5.

Vậy tại sao lại có xu hướng tăng nợ nhóm 5? Trên thực tế, nếu để ở nhóm 3 và 4 (vẫn là nợ xấu) thì tỉ lệ trích lập thấp hơn và ảnh hưởng đến lợi nhuận ít hơn.

Nhưng nếu nhìn từ góc độ khác, có một giả thuyết cho rằng ngân hàng đang muốn tăng nợ xấu thuộc nhóm tệ nhất để bán cho VAMC, công ty xử lý nợ xấu quốc gia sắp được thành lập.

Dù cơ chế chưa rõ ràng, nhưng theo dự thảo trước đây, nếu bán được cho VAMC thì ngân hàng vẫn có lợi. Thay vì chịu mất vốn 100%, ngân hàng sẽ nhận được một khoản tiền mới từ việc tái chiết khấu trái phiếu VAMC. Điều này tốt hơn nhiều ngay cả khi phải trích lập dự phòng hằng năm 20% .

Hơn nữa, việc trích lập chỉ là động tác thực hiện trên giấy tờ sổ sách chứ không có dòng tiền thực ra vào. Ngân hàng nào cũng mong muốn bán được các khoản nợ xấu nhất, tức những khoản nợ họ cảm thấy không thể hoặc không muốn xử lý. VAMC sẽ là đơn vị giải quyết giùm.

Liệu khả năng này có xảy ra? Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, đây là một câu hỏi hay nhưng khó kiểm chứng. Ông cho biết nợ nhóm 5 như cái phễu nhận hết những gì xấu nhất trong các khoản cho vay. Các khoản nợ không trả được theo thời gian đều chuyển về nhóm này (trong bối cảnh kinh tế đình đốn, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp không thể trả được nợ vay cho ngân hàng là chuyện không có gì lạ).

Nhưng mặt khác, chỉ có ngân hàng mới biết rõ các khoản nợ của mình xấu đến đâu. Do đó, việc bung nợ xấu ngay từ đầu để bán sẽ tốt hơn là giấu đi vì trước sau gì các khoản nợ này cũng lộ ra. Những khoản nợ này là khoản nợ nguy hiểm nhất nên dễ bán được nhất.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, có một nguyên tắc khi mua lại nợ xấu trong dự thảo VAMC. Đó là mua các khoản nợ được đánh giá là nguy hiểm (có tác động lớn đến toàn hệ thống) và khoản nợ có tài sản thế chấp, tất nhiên kèm theo đó là cả một quá trình kiểm định phức tạp.

Tương tự, theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, các ngân hàng có động cơ giữ lại nợ xấu khi vị thế của họ “quá lớn không thể sụp đổ”. Do đó, có thể hiểu, tỉ lệ nợ xấu nhất càng cao thì càng có khả năng bán được nhiều hơn.

Có một sự trùng hợp là thông tin về VAMC bắt đầu rộ lên từ tháng 6.2012 cũng là lúc nợ nhóm 5 bắt đầu gia tăng.

Dù thế, ngân hàng cũng không thể gia tăng các khoản nợ mình phải trích lập dự phòng 100%. Bởi lẽ, điều này sẽ làm ngân hàng cụt vốn, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tài chính và an toàn hoạt động. Có lẽ đó là lý do giới ngân hàng đã phản đối khá mạnh mẽ Thông tư 02/2013. Nếu áp dụng thông tư này, nợ xấu các nhóm sẽ đồng loạt tăng lên ở các ngân hàng. Nhưng điểm quan trọng là họ không còn được tự do phân loại các khoản nợ xấu, mà phải thực hiện theo tiêu chuẩn chung.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định thành lập VAMC để xử lý nợ xấu. Công ty này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 9.7.2013. Cho đến thời điểm hiện tại, việc chấp nhận mất vốn trong một chừng mực nào đó có thể sẽ mang lại lợi ích cho ngân hàng.

Theo Nhipcaudautu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.