Ngân hàng cho nhau vay lãi suất 37,5%

Năm 2011, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có một số thời điểm cao gấp đôi so với huy động từ dân cư, thậm chí lên tới 37,5% một năm.

Năm 2011, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có một số thời điểm cao gấp đôi so với huy động từ dân cư, thậm chí lên tới 37,5% một năm. Kiểm toán Nhà nước gọi đây là "bất thường" còn bản thân các nhà băng từng đi vay cho là "sự cắt cổ".

Báo cáo vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi các Đại biểu Quốc hội cho biết năm 2011, có nhiều thời điểm xuất hiện các giao dịch cho vay, gửi tiền liên ngân hàng (thị trường 2) với lãi suất cao bất thường. Tháng 3/2011 có giao dịch với lãi suất 23% một năm còn tháng 10 ghi nhận giao dịch với lãi suất 30% một năm. Chưa dừng lại ở đó, tháng 11 có giao dịch trên thị trường liên ngân hàng với mức lãi suất 37,5% một năm. Tại thời điểm này, lãi suất huy động trên thị trường dân cư (thị trường một) tối đa là 14% một năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, lãi suất các ngân hàng gửi và cho nhau vay liên tục tăng từ tháng 3 đến tháng 11. Do đó, đánh giá về công tác điều hành, thực hiện chính sách tiền tệ trong năm 2011, Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc điều hành thị trường liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước còn hạn chế và không kiểm soát được mức lãi suất cao bất thường như trên.

nh9-hh480-1369197977_500x0.jpg
Kiểm toán Nhà nước cho rằng thị trường liên ngân hàng có những giao dịch ở mức lãi suất cao bất thường. Ảnh: Hoàng Hà.

Nguyên nhân khiến các nhà băng vay lãi suất cao thời điểm đó được nhiều chuyên gia lý giải do thanh khoản quá căng thẳng, đặc biệt những người đã mạnh tay cho vay bất động sản. "Dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nên khi bất động sản chết, họ quay vòng vốn không kịp", một chuyên gia lý giải.

Điều này một phần cũng được thể hiện trong Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. "Một số hoạt động của các tổ chức tài chính ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn lớn,c hưa thực hiện nghiêm nội dung Nghị quyết số 11 của Chính phủ về hạn chết đầu tư, cho vay bất động sản, chứng khoán", báo cáo nêu. 

Trao đổi với PV, bản thân không ít lãnh đạo ngân hàng cũng sửng sốt với mức lãi suất này. Tổng giám đốc một ngân hàng từng tham thị trường 2 trong vai trò người đi vay nói: "Chỉ có ngân hàng nào thiếu thanh khoản nghiêm trọng mới chịu mức này". Nhớ lại thời điểm năm 2011, thanh khoản "nóng", ông cho biết một vài ngân hàng lớn dư dả tiền thời kỳ đó làm vậy chẳng khác nào "cắt cổ ngân hàng nhỏ".

Tổng giám đốc một nhà băng quy mô vừa tại Hà Nội thậm chí còn không tin có mức lãi suất đó, kể cả ở thời điểm tháng 10/2011 như Kiểm toán nêu. Gọi mức lãi suất này là "quá sốc", ông bình luận: "Tôi không bao giờ nghĩ có ngân hàng nào dám cho vay và đi vay với lãi suất này".

Chuyện thị trường liên ngân hàng có nhiều bất ổn trong năm 2011 không phải câu chuyện mới, bởi chính bản thân lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong nhiều lần trả lời trước Quốc hội cũng như báo chí đều thừa nhận thực trạng này.

Tuy nhiên, những số liệu về mức lãi suất "khủng" 23% hay 30% và 37,5% khiến không ít chuyên gia tài chính ngân hàng giật mình. "Mức lãi suất các ngân hàng cho vay lẫn nhau cao như thế là không tưởng và thể hiện sự bất thường", một chuyên gia tài chính bình luận. Theo ông, điều này cho thấy bản thân người đi vay đang quá cần tiền còn người cho vay thì không ngại "chém đẹp".

Trên thực tế, không có quy định nào khống chế trần lãi suất các ngân hàng cho vay lẫn nhau. Thị trường liên ngân hàng là nơi các tổ chức tín dụng có thể cho vay lẫn nhau để bù đắp sự thiếu hụt vốn tạm thời. Mục đích của vay trên thị trường này là đáp ứng nhu cầu thanh khoản tạm thời, cân đối vốn trong ngắn hạn hay đáp ứng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm đi vay. Theo một chuyên gia tài chính, tại những hệ thống ngân hàng truyền thống, lãi suất trên thị trường 2 thường thấp hơn lãi suất vay trên thị trường một (huy động từ người dân). 

Theo ông, nếu các ngân hàng vay nhau lãi suất quá cao sẽ là một áp lực lớn ảnh hưởng đến lãi suất cho vay nền kinh tế. "Chưa kể có ngân hàng dùng lãi suất trên thị trường 2 để cho vay ngược thị trường 1 hoặc đầu tư trái phiếu hay làm những mục đích riêng khác", ông nói.

Trong khi đó, một chuyên gia làm phó viện trưởng một viện nghiên cứu trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng lãi suất thị trường 2 không nhất thiết phải thấp hơn thị trường 1. Theo ông, mức lãi suất này thể hiện ngân hàng đi vay vô cùng thiếu thanh khoản, sẵn sàng vay với mọi giá nhưng không có nghĩa họ sẽ dùng nguồn vốn đắt đỏ này cho vay dân cư (doanh nghiệp và người dân). "Ở Mỹ, cũng có cả những giao dịch lãi suất 50% nhưng vì là vay liên ngân hàng nên thời gian vay rất ngắn, có thể chỉ qua đêm thôi", ông nói thêm.

Theo vị này, cũng không nên quy chụp việc ngân hàng dám vay mức lãi suất ngất ngưởng là những người "sắp phá sản". "Việc thiếu thanh khoản của các ngân hàng thời điểm đó cũng giống như việc chiếc xe hết sạch xăng. Cần xăng quá thì giá cao mấy cũng mua nhưng việc này chưa làm hỏng cả chiếc xe máy được", ông ví von.

Theo Vnexpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.