Nhiều “ông lớn” ngân hàng tăng lãi suất huy động VND

Vào những ngày cuối năm 2015 này, thị trường ghi nhận thêm nhiều ngân hàng tham gia cuộc đua tăng lãi suất huy động VND.

Vào những ngày cuối năm 2015 này, thị trường ghi nhận thêm nhiều ngân hàng tham gia cuộc đua tăng lãi suất huy động VND. Cái tên mới nhất tham gia "làn sóng" này là Ngân hàng TMCP Bản Việt.

Theo biểu lãi suất mới nhất mà Bản Việt áp dụng cho các khách hàng, lãi suất huy động VND kể từ ngày 25/12 được điều chỉnh tăng thêm 0,05% - 0,2%/năm ở một số kỳ hạn.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND thêm từ 0,2% - 0,3%/năm; đưa kỳ hạn 1 - 2 tháng lên mức 4,8%/năm, các kỳ hạn từ 3, 4 và 5 tháng tăng lên mức từ 5,2% - 5,3%/năm.

Cùng với xu hướng của thị trường, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng khoảng 0,5%/năm tập trung vào kỳ hạn 1 - 2 tháng, riêng kỳ hạn 6 - 7 tháng tăng lên 6,4%/năm.

Ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước, hiện chỉ còn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng kỳ hạn 1 tháng thấp nhất hệ thống là 4%/năm. Còn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đều đã thể hiện sự nhập cuộc tăng lãi suất huy động VND với những điểm nhấn.

 


Nhiều “ông lớn” ngân hàng tăng lãi suất huy động VND

Nhiều “ông lớn” ngân hàng tăng lãi suất huy động VND

Cụ thể, tại BIDV, với kỳ hạn 1 tháng, ngân hàng này áp lãi suất huy động 4,8%/năm, trong khi nhiều thành viên khác ở khối cổ phần như Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hiện chỉ áp từ 4,4 - 4,6%/năm.

Tương tự, lãi suất tại các kỳ hạn ngắn khác của BIDV cũng cao hơn từ 0,2 - 0,4%/năm. Nếu so với Agribank và Vietcombank, lãi suất các kỳ hạn ngắn của BIDV cũng vượt hơn tới 0,7 - 0,8%/năm.

Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) cũng áp dụng biểu lãi suất mới cho các kỳ hạn 1 - 3 tháng tăng tương đương với BIDV.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là diễn biến thường thấy trước mùa cao điểm chi trả cuối năm. Tận dụng nguồn tiền dư dả trong dân cư, các ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND để áp ứng nhu cầu vốn cuối năm tăng cao.

Dữ liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, vào thời điểm giáp Tết, để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao, các ngân hàng đang tăng cường vay mượn tiền đồng lẫn nhau.

Báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê cho thấy, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tuần 14-18/12 bằng VND đạt xấp xỉ 162.278 tỷ đồng (bình quân 32.456 tỷ đồng/ngày), tăng 33.275 tỷ đồng, tương đương tăng 25,8% so với tuần từ 07 - 11/12/2015.

Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm và 01 tuần (chiếm 35% tổng doanh số giao dịch VND). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 53% và 23% tổng doanh số giao dịch bằng USD.

Về lãi suất liên ngân hàng, đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần từ 07 - 11/12/2015, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng không thay đổi ở kỳ hạn 01 tuần, tuy nhiên có sự biến động trái chiều ở các kỳ hạn chủ chốt còn lại từ 1 tháng trở xuống.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất giảm nhưng huy động vốn vẫn tăng (đến ngày 21/12/2015, huy động vốn tăng 13,59% so với cuối năm trước) tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Dù năm 2015 có những “đợt sóng” tăng lãi suất huy động nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, giúp mặt bằng lãi suất cho vay thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,2 - 0,5%/năm, có tác dụng hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2015, NHNN duy trì ổn định lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động bằng VND, kết hợp với điều chỉnh giảm trần lãi suất USD, đảm bảo duy trì chênh lệch hợp lý giữa lãi suất VND và lãi suất USD. Để tạo điều kiện giảm lãi suất, NHNN giữ ổn định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND, các TCTD trên cơ sở nhu cầu vốn của thị trường cân đối điều chỉnh giảm lãi suất cho vay so với trần quy định; điều tiết thanh khoản của các TCTD hợp lý để tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực xuống mức khoảng 6,5-6,6%/năm; tiếp tục yêu cầu các TCTD rà soát giảm lãi suất cho vay của các khoản vay cũ về mức lãi suất cho vay hiện hành.

Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với cuối năm trước (lãi suất ngắn hạn giảm khoảng 0,3%/năm, lãi suất trung và dài hạn giảm khoảng 0,3-0,5%/năm), đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011; Lãi suất huy động giảm khoảng 0,2-0,5%/năm và hiện ở mức tương đối thấp nhưng lòng tin vào đồng Việt Nam tiếp tục được củng cố và các TCTD tiếp tục huy động được vốn.

Theo Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.