NHNN bị cảnh báo: Nóng vội sẽ lệch pha

Lạm phát mới giảm chưa bền vững, việc nới điều hành tiền tệ, giảm lãi suất nhanh bị nhiều chuyên gia cảnh báo không nên nóng vội và thận trọng trước nguy cơ lệch pha.

 Lạm phát mới giảm chưa bền vững, việc nới điều hành tiền tệ, giảm lãi suất nhanh bị nhiều chuyên gia cảnh báo không nên nóng vội và thận trọng trước nguy cơ lệch pha. Bài học lạm phát vừa giảm vội nới tiền tệ gây hậu quả xấu đã nhiều lần phải trả giá.

Lãi suất giảm bao nhiêu mới đủ?

Cho đến nay, một mặt bằng lãi suất mới được xác lập thấp nhất trong 5 năm qua. Nhìn lại lộ trình vừa qua cho thấy, hệ thống NH đã bám sát chính sách điều hành và điều kiện vĩ mô. Các chuyên gia đều cho rằng, điều hành lãi suất thời gian qua là hợp lý; mức trần lãi suất huy động 7,5% và lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên 13% là phù hợp với điều kiện hiện nay.

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, xét dưới góc độ của DN đang khao khát tín dụng thì lộ trình giảm lãi suất vừa qua là quá chậm, nhưng nếu căn cứ vào mục tiêu lạm phát thì không hề chậm. Nếu CPI tháng 5 âm thì lạm phát tính theo năm đến nay vẫn trên 6% và như thế thì lãi suất huy động và cho vay như hiện nay là hợp lý.

Theo đại diện NHNN, trong hơn 4 tháng SBV đã hai lần điều chỉnh lãi suất. Đầu tháng năm tiếp tục hạ lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất cho vay. Đây là những bước đi phù hợp với kỳ vọng lạm phát 2013 và đảm bảo lãi suất thực dương.

Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Cao Sỹ Kiêm nói, đứng về phía DN, lợi nhuận bình quân hiện nay 8-10% đã là khó. Trong khi lãi suất hiện nay 11-12%, các khoản vay cũ là 13%, cao hơn khả năng thu lời của DN nên kinh doanh còn khó khăn.

lãi suất, nợ xấu, chênh lệch, lạm phát, chính sách tiền tệ

Dưới góc độ một người làm tiền tệ lâu năm, ông Kiêm cho rằng nếu lãi suất thấp dân không gửi tiền, mà quá cao thì ách tắc sản xuất. Lãi suất hiện nay đúng là cao nhưng phù hợp với điều kiện vĩ mô. Muốn giảm lãi suất phải trên cơ sở lạm phát giảm xuống, vĩ mô ổn định.

Chuyên gia NH Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: Lãi suất “nước lên thuyền lên”. Để hạ lãi suất xuống thì phải hạ lãi suất tiền gửi, lạm phát phải hạ xuống. Chúng tôi hiểu khó khăn của DN nhưng phải căn cứ trên điều kiện thực tế".

Ông Kiêm nói: “Tôi là DN cũng không tán thành giảm một cách vô lối, không những không có kết quả mà gây tác dụng ngược lại”.

Tiến sỹ Trịnh Quang Anh lo ngại, phải chăng NHNN đã chịu sức ép và giảm lãi suất quá nhanh. CPI hiện nay tính theo tháng có thể thấp nhưng nhưng là do cầu đang thấp, lương thực giảm nhưng lạm phá lõi vẫn cao. Lạm phát giảm chỉ may mắn kéo dài vài tháng nữa vì thế việc cắt giảm lãi suất không thể vì sức ép và nóng vội.

Liên quan đến lạm phát, trước yêu cầu mới đây của Chính phủ về việc tiếp tục giảm chênh lệch lãi suất, ông Nguyễn Chí Hiếu đặt vấn đề, chênh lệch lãi suất hiện nay 6% được cho là lớn có thể do các chi phí xử lý nợ xấu của các NH. Nếu các NH hoạt động lành mạnh có thể kéo mức chênh lệch xuống 3% và từ đó giảm lãi suất cho vay ra hợp lý.

Giải thích điều này, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Lienvietpostbank cho rằng, việc tính chênh lệch lãi suất là một quá trình, không thể lấy con số huy động và cho vay ở một thời điểm để so sánh. Hiện ngân hàng huy động được 10 tỷ đồng thì 9 tỷ đồng chịu lãi suất từ 10-12%/năm cách đây gần một năm. Vì vậy, không thể có mức chênh lệch 6%. Với mức chênh 3% đã là quá lý tưởng.

Còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh tính toán: “Giả định chênh lệch lãi suất là 4% trong khoảng 3 triệu tỷ đồng dư nợ (120.000 tỷ đồng) và nếu tính tổng tín dụng là doanh thu thì 120.000 tỷ đồng tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng trên 3 triệu tỷ dư nợ không phải là con số lớn, thậm chí còn thua nhiều DN. 120.000 tỷ này chia cho 100 tổ chức tín dụng, bình quân mỗi anh thu về 1.200 tỷ đồng, sau đó lại chia cho vốn tự có, thì thực ra không cao”.

Đừng quên lạm phát

Lãi suất hạ liên tục và đã về thấp hơn mức mà DN đã mong ước nhưng DN vẫn khó khăn, phá sản và kinh tế tiếp tục đình trệ. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng: Công cụ lãi suất không còn tác dụng.

Theo ông Vũ Đình Ánh, để cứu DN không nên trông đợi quá nhiều vào NHNN. Công ty mua bán nợ chỉ là một công cụ, lãi suất không còn là yếu tố quyết định bởi nhiều DN không dám vay.

“Vấn đề của Việt Nam hiện nay là tắc tín dụng, tắc vì nợ, nợ lòng vòng, trông chờ vào NH, quan trọng là tìm điểm kích vào đó để tháo gỡ” - ông Ánh nói rõ.

Ông Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng nợ xấu chưa giải quyết được là vấn đề lớn nhất. Nợ xấu còn thì NH không dám xông vào, DN có nợ xấu không dám vay. Lãi suất không còn là yếu tố quyết định, việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang là vấn đề của cả nền kinh tế như làm thế nào để tăng tổng cầu, giải quyết sức mua, xử lý nợ xấu... ”.

lãi suất, nợ xấu, chênh lệch, lạm phát, chính sách tiền tệ

Ông Đào Văn Hùng (Học viện Chính sách và Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, độ trễ của tăng trưởng tín dụng tác động làm tăng GDP từ 6 tháng đến 12 tháng và tác động làm tăng CPI từ 14-24 tháng. Tăng trưởng tín dụng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tăng trưởng nền kinh tế trong ngắn hạn. Nếu tăng trưởng tín dụng quá cao và không đảm bảo chất lượng sẽ làm tăng cung tiền M2 quá mức, trong khi năng suất và sản lượng không theo kịp sẽ thổi bùng lạm phát lên cao.

“Như vậy, dù tăng trưởng tín dụng 7 tháng còn lại năm 2013 đạt được mục tiêu 12%, thì tác động tăng trưởng tín dụng đến tăng trưởng GDP năm 2013 là không đáng kể”.

Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo, sức ép vẫn dồn về chính sách tiền tệ, NHNN. Trong khi nhiệm vụ chính yếu của cơ quan này là phải tập trung kiềm chế lạm phát, đảm bảo cho hệ thống thanh toán và giữ ổn định hệ thống. Một mình chính sách tiền tệ không thể cứu được DN và vực dậy nền kinh tế như mong muốn. Nếu ép quá sẽ làm méo mó mục tiêu chính sách.

Ông Trịnh Quang Anh nhấn mạnh nhiệm vụ cốt lõi và quan trọng nhất kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản, ổn định hệ thống... không thể trông đợi việc cứu DN hay kích cầu nền kinh tế qua chính sách tiền tệ.

Ý kiến này của các chuyên gia đã gợi lại bài học những năm trước, chúng ta nhiều lần vội vàng nới chính sách tiền tệ khi lạm phát giảm chưa bền vững để sau đó trả giá đắt. Vì thế, ông Đào Văn Hùng nói: "Thực tế mức lãi suất có thể giảm trước chỉ số giá tiêu dùng CPI nhưng đây là bước đi không bền vững, dân chúng mất niềm tin sẽ ồ ạt rút tiền tạo ra áp lực lên NH và gây hậu quả xấu cho xã hội".

Theo VEF



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.