Bức ảnh lắng đọng nhất ngày hôm nay: Ai đồng phục tung tăng tới lớp, riêng em lặng lẽ góc đường cờ hoa

Tại sao tạo hóa lại sắp đặt em ở đây, ngay giữa cuộc vui của bè bạn cùng trang lứa, được cha mẹ nắm tay đưa đến trường, còn em thì không?

Tại sao tạo hóa lại sắp đặt em ở đây, ngay giữa cuộc vui của bè bạn cùng trang lứa, được cha mẹ nắm tay đưa đến trường, còn em thì không?

5/9 hàng năm là một ngày truyền thống để các bậc phụ huynh đưa con em mình đến trường bắt đầu năm học mới. Ngày khai giảng luôn mang đến cho những đứa trẻ một cảm xúc khó tả, hệt như trong bài học vỡ lòng "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh.

Trường lớp là gì? Là nơi dành cho bất kỳ đứa trẻ nào đến tuổi cắp sách đến trường để ấp ủ trong mình những ước mơ non nớt nhất bằng việc học, việc chơi. Nhưng kỳ lạ thay, cái nôi để tạo ra mơ ước cho đứa trẻ này lại chính là nơi đứa trẻ khác mơ ước đặt chân tới. Bởi ngoài kia, đâu đó trong dòng người khấp khởi đưa con em đến lớp, còn những cô cậu bé đã đến tuổi rụt rè đứng từ xa mà thèm đi học.

Xúc động trước hình ảnh một con đường hai số phận: đứa trẻ nặng gánh mưu sinh thèm một lần đến trường như bè bạn - Ảnh 1.

Bức ảnh "Chuyện ngày khai giảng" đăng tải trên mạng xã hội thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng. (Ảnh: Facebook)

Những cảm xúc trên y hệt như cảm xúc của cậu bé trong bức ảnh dưới đây, vừa được chụp sáng nay tại trường tiểu học Kim Liên, Hà Nội. Bức ảnh sau đó được đăng tải lên mạng xã hội thu hút rất nhiều người quan tâm bới tính nhân văn và giàu cảm xúc - những cảm xúc chồng chéo đối nghịch đã làm biết bao người phải rơi nước mắt.

Nhìn vào bức ảnh, chắc có lẽ ai cũng đoán được rằng cậu bé kia đang bán cờ hoa – một thứ vui vầy cỏn con của những đứa trẻ cầm trên tay để tăng thêm tính hân hoan trong tiếng trống ngày khai giảng. Có đứa trẻ vui vẻ khi cầm cờ, có đứa trẻ thích thú khi cầm hoa. Vậy mà, cậu bé kia có cả hai mà nét mặt cứ buồn man mác, dường như thẫn thờ nhìn dòng người đi qua. Càng còn nhiều hoa trong tay em càng buồn, vì nỗi mưu sinh, mà có lẽ cũng vì sự sắp đặt trái ngang, để em ở đây, ngay giữa cuộc vui của bè bạn cùng trang lứa, được cha mẹ nắm tay đưa đến trường, còn em thì không.

Có lẽ cái nghèo bắt em phải như thế, cuộc mưu sinh bắt em phải như vậy. Trong ngày tựu trường, em cứ đứng bên vỉa hè như đứng bên lề cuộc đời, mặc cho những đứa trẻ may mắn khác trạc tuổi em được có được cả khoảng trời mơ ước, được học, được chơi, được mua những thứ mà em đang bán.

Xúc động trước hình ảnh một con đường hai số phận: đứa trẻ nặng gánh mưu sinh thèm một lần đến trường như bè bạn - Ảnh 2.

Em cứ đứng trên vỉa hè như đứng bên lề cuộc đời... (Ảnh: Sơn Tùng)

Và cái sự tủi thân in hằn trong ánh mắt nhìn xa xăm đó đã làm biết bao nhiêu người xúc động. Chúng ta không biết rõ em, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc ngắn được ghi lại này thôi, em đã phơi trần sự cô đơn và buồn bã của chính mình. Thế là bức ảnh chỉ được đăng tải một thời gian ngắn đã thu hút nhiều lượt quan tâm, bình luận và chia sẻ của cộng đồng người dùng mạng. Đa số ai cũng cho rằng đây là một bức ảnh giàu cảm xúc, cảm xúc bật ra bởi em, bởi sự sắp đặt của cuộc đời khiến niềm vui trong dòng người háo hức đối nghịch với nỗi buồn mà em đang mang.

Như anh bạn Ngô Kỳ Dương có bình luận: "Một con đường hai số phận, nhìn bé mà nghẹn lời. Mặt bé như muốn khóc kìa. Thôi hy vọng hôm nay em bán hết được số cờ hoa đó thì bớt buồn".

Bạn Minh Tran cũng xúc động nói: "Nhìn các bạn được đến trường mình thì không cũng buồn lắm chứ. Chỉ tiếc là mỗi đứa trẻ một số phận".

Cô nàng Hoàng Thanh cũng hòa vào dòng cảm xúc khi nói rằng, quả thật bức ảnh khắc họa chính xác những gì đang xảy ra ngoài kia: "Có đứa trẻ được đến trường nhưng kêu la khóc lóc đến mức bố mẹ phải năn nỉ, còn những đứa khác mưu sinh ngoài đường thì thèm một lần được đến lớp. Ôi đúng là cuộc đời".

Xúc động trước hình ảnh một con đường hai số phận: đứa trẻ nặng gánh mưu sinh thèm một lần đến trường như bè bạn - Ảnh 3.

Những bình luận xúc động của cư dân mạng. (Ảnh: Facebook)

Liên hệ trực tiếp với anh bạn Sơn Tùng – người ghi lại khoảnh khắc này thì được anh bạn cho biết:

"Bé trai này tầm 7, 8 tuổi, bé đứng rất lâu trước trường tiểu học Kim Liên mà mặt rất buồn. Lúc đó bé bán ế, nhưng mình biết khi ánh mắt bé nhìn từng người đưa con đến lớp mà tò mò thì cái chuyện bán ế bán đắt không còn quan trọng nữa rồi. Mình cảm nhận được bé thật sự buồn tủi.

Mình theo dõi bé tầm 15, 20 phút rồi quyết định chụp lại khoảnh khắc này. Sau đó mình loay hoay một lúc xem ảnh, định chạy đến hỏi chuyện bé thì rất tiếc là bé đã di chuyển địa điểm bán của mình.

Bức ảnh nhận được sự quan tâm của cộng đồng thật sự mình rất vui, không phải vui vì ảnh mình chụp, mà vui vì hóa ra chúng ta vẫn rất thương cảm và quan tâm những số phận thiệt thòi. Mình không biết hoàn cảnh của bé, cũng không dám chắc bé có được đi học không, bố mẹ bé đang ở đâu, đây chỉ là công việc thời vụ hay là cách bé mưu sinh hằng ngày, ngưng mình biết, trong khoảnh khắc ấy, bé buồn lắm".

Theo Thời đại


khai giảng năm học mới

hình ảnh xúc động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.