Cách cúng rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) ít người biết

Ngày 15/1 âm lịch hay còn gọi là ngày rằm tháng Giêng là một trong những ngày rất quan trọng của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng.

Ngày 15/1 âm lịch hay còn gọi là ngày rằm tháng Giêng là một trong những ngày rất quan trọng của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng.

“Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” hay “Giỗ tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” là những câu thành ngữ nói lên tầm quan trọng của ngày rằm tháng Giêng. Vào ngày này người dân thường đi lễ chùa đồng thời làm lễ cúng Phật và gia tiên để cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên không nhiều người biết đến ý nghĩa, cách chuẩn bị đồ lễ và văn khấn trong ngày lễ Tết này.

Vì sao rằm tháng Giêng gọi là Tết nguyên tiêu

Có nhiều lý giải cho việc tại sao rằm tháng Giêng được gọi là Tết Nguyên Tiêu. Theo Phật giáo, ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng là ngày của Phật, Phật tử đến ngày đó thường phải đi lễ chùa. Đêm rằm tháng Giêng là đêm (Tiêu) đầu tiên (Nguyên), nhiều người tin rằng đây là đêm Phật giáng lâm nên rằm tháng Giêng thường là dịp người người đi chùa cầu an, cầu may, cúng sao giải hạn…

Còn theo truyền thuyết Trung Hoa, thì thời Hán Vũ Đế có một cung nữ tên là Nguyên Tiêu, do đã qua nhiều cái Tết mà không được đoàn tụ với gia đình nên có ý định nhảy xuống giếng tự vẫn. Cô may mắn được Đông Phương Sóc, một sủng thần của Hán Vũ Đế cứu sống. Nghe chuyện của cô gái, Đông Phương Sóc bày kế truyền khắp kinh thành quẻ bói “mười sáu tháng Giêng bị lửa thiêu” (tạm dịch: vào ngày 16 tháng Giêng cả kinh thành sẽ bị hỏa thiêu), bảo mọi người muốn sống thì hãy tâu lên nhà vua tìm cách.

Hán Vũ Đế nghe tin liền triệu ông đến bàn tính việc đối phó với thần hỏa. Đông Phương Sóc liền tâu: Nghe nói thần hỏa rất thích ăn bánh trôi, có thể giao cho Nguyên Tiêu trong cung khéo tay làm bánh đãi hỏa thần. Để thưởng công “dẹp nạn lửa” cho cô gái, vua đã cho cô về đoàn tụ với gia đình, và ngày rằm tháng giêng cùng chiếc bánh được đặt tên “nguyên tiêu”. Vào ngày tết này, người dân Trung Quốc thường tổ chức lễ hội đèn lồng, treo đèn với ý nghĩa “để Ngọc Hoàng lầm tưởng thành Trường An đang bị lửa thiêu” trong câu chuyện năm nào.

Rằm tháng Giêng còn là lễ thượng nguyên, là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cùng với rằm tháng Giêng, còn có rằm tháng bảy là lễ trung nguyên và rằm tháng mười là lễ hạ nguyên.

Chuẩn bị đồ lễ cúng rằm tháng Giêng

Ngày rằm tháng Giêng, người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà. Các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên vào giờ Ngọ. Tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau. Nhưng tựu chung là đều thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, Phật thánh và cầu mong một năm an lành, may mắn. Có hai dạng lễ cúng là lễ cúng chay (cho ban thờ Phật) và lễ cúng mặn (cho ban thờ gia tiên).

Mâm cỗ cúng Phật gồm:

Hoa quả. Chè xôi.

- Các món đậu.

- Canh xào không thêm nhiều hương liệu.

- Bánh trôi nước.

Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

Mâm cỗ cúng gia tiên:

Mâm cỗ mặn thông thường có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món.

- 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc.

- 6 đĩa gồm thịt gà (hoặc thịt lợn), giò (hoặc chả), nem thính (đĩa xào), dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng) và nước chấm.

Đồ lễ khác gồm:

- Hương

- Hoa tươi

- Vàng mã

- Đèn nến

- Trầu cau

- Rượu, thuốc lá

Văn khấn Tết nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) tại nhà

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

- Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.

- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị tôn thần.

- Con kính lạy ngài bản cảnh Thành hoàng, ngài bản xứ Thổ địa, ngài bản gia Táo quân cùng chư vị tôn thần.

- Con kính lạy Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỉ, thúc bá đệ huynh, cô di, tỉ muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ (chúng) con là: ...............................................

Ngụ tại:........................................................................

Hôm nay là ngày rằm tháng giêng năm... gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các các cụ Tổ khảo, Tổ tỉ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ................... nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).

Theo GĐXH



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.