Giữa bộn bề mưu sinh, một cuộc điện thoại thôi cũng đủ khiến người ta ấm lòng trong ngày rét mướt

Câu chuyện được kể lại bởi một người khách qua đường khiến nhiều người cảm thấy chạnh lòng.

"Hai mẹ con ôm nhau, rồi chị rút điện thoại ra, gọi về cho ai đó, mặt đứa bé sáng bừng lên, à, ra là gọi cho bố", câu chuyện được kể lại bởi một người khách qua đường khiến nhiều người cảm thấy chạnh lòng.

Câu chuyện về cô bé cùng mẹ bán hoa quả bên lề đường Hà Nội đang được chia sẻ trên mạng xã hội trong nhiều ngày qua. 

Được kể lại từ một người mua hàng qua đường nhưng câu chuyện tưởng như đơn giản ấy lại khiến nhiều người bùi ngùi nhớ về người thân lâu ngày ta chưa liên lạc. Hay đơn giản, đó là câu chuyện ấm áp đủ để sưởi ấm lòng người trong ngày đông lạnh giá.

Giữa bộn bề mưu sinh, một cuộc điện thoại thôi cũng đủ khiến người ta ấm lòng trong ngày rét mướt - Ảnh 1.

Được nói chuyện với cha qua điện thoại, dù ngắn thôi, nhưng cũng đủ để em cười tươi hạnh phúc đến vậy.

Bài chia sẻ như sau: “Chiều muộn, len lỏi giữa dòng người đông đúc, tôi dừng chân bên vỉa hè, dòng người chen lấn làm tôi mệt mỏi. Rồi tôi vô tình nhìn thấy hai mẹ con chị. Chị chắc ngoài 30, tôi đoán thế vì bịt kín khuôn mặt, còn đứa nhỏ, chắc 5-6 tuổi. 

Bé mặc kín mít, áo phao vàng đã cũ sờn, lúc đầu bé cứ nép mình vào phía mẹ, hai mẹ con chỉ có miếng xốp lót dưới chân, chợt nhớ hôm nay Hà Nội lạnh hơn nhiều.

Tôi đứng đó khá lâu, để ý không ai mua của chị, người ta đang hối hả về nhà, mấy ai phát sinh nhu cầu, bán hoa quả dọc đường rất bấp bênh, bữa no, bữa đói. 

Hai mẹ con ôm nhau, rồi chị rút điện thoại ra, gọi về cho ai đó, mặt đứa bé sáng bừng lên, à, ra là gọi cho bố. 

Tôi không nghe rõ cuộc trò chuyện, loáng thoáng chỉ nghe trong đó nóng, ngoài này lạnh, dường như anh chị mỗi người mỗi ngả, người Nam, kẻ Bắc, vì cuộc sống mà tha hương, nhặt nhạnh từng đồng. 

Mặt cô bé tỏ rõ sự vui sướng, cứ bi bô đủ chuyện, nghe rõ nhất là con nhớ bố, Tết bố về với con, còn chị thì bảo hai mẹ con chưa ăn cơm, lát nữa mới ăn.

Độ tuổi của bé nhẽ ra được đi nhà trẻ rồi, buổi tối được ở trong nhà ấm, chơi với gấu bông, búp bê, nhưng bé phải lang thang theo mẹ kiếm sống. Nhưng em hạnh phúc, tôi tin là như vậy, theo cách của em. Và vì em cười, nụ cười trong vắt.

Người ta không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ cuộc đời này không có gì để níu giữ, cho họ động lực sinh tồn, mưu cầu hạnh phúc, giấc mơ, không ai đánh thuế cả. 

Hai mẹ con đang mơ gì? Chắc đơn giản chỉ là một ngày bán được hàng, mẹ mua cho em xiên thịt nướng, vậy là vui rồi. Gió thổi vi vu, tôi vít ga đi, có bao nhiêu mảnh đời như vậy, tôi không thể kể hết chỉ biết họ đang hàng ngày sống, vươn lên”.

Giữa bộn bề mưu sinh, một cuộc điện thoại thôi cũng đủ khiến người ta ấm lòng trong ngày rét mướt - Ảnh 2.

Cô bé chia sẻ khoảnh khắc mình được nói chuyện với cha cùng mẹ.

Ngay sau khi bài viết được chia sẻ đã nhận được nhiều lời bình luận thể hiện sự đồng cảm với hoàn cảnh của 2 mẹ con.

“Đọc xong sụt sịt, mình cũng từng có hoàn cảnh vậy, bố vào Nam làm việc, 3 mẹ con ở quê, những lúc được nói chuyện với bố vui lắm, lúc đó bé mà lúc nào cũng léo nhéo bố về mua kẹo cho con nhé. Đã qua cái thời cực khổ đó rồi nhưng không bao giờ quên được”, bạn Doãn Thảo bùi ngùi nhớ lại quá khứ.

Bạn Nguyễn Hoàng Phi tâm sự: “Đôi khi bàn tay nhăn nheo lại làm ra những đồng tiền đẹp nhất. Mong cho đứa con kia sau này cố gắng thành công rồi giúp đỡ lại những người đã từng giống như hoàn cảnh của mình. Mong cho 2 mẹ con họ có cái ăn cái mặc dù không dư giả gì nhưng mong đứa con đó được học hành để có tương lai”.

Bên cạnh đó, có người kể lại hoàn cảnh tương tự mình từng gặp. “Nhìn 2 mẹ con trong ảnh, mình lại nhớ đến năm nhất lúc chán nản, đi dọc Nguyễn Trãi ra chợ Phùng Khoang xem có gì hay ho đêm khuya không. 

Trời lạnh lắm, mình mặc 3 áo mới ấm người, vô tình gặp bác bán xôi dạo mặc mỗi 1 áo sơ mi kẻ, khoác ngoài áo gần như áo mưa, mỏng lắm, nhìn mà thương. Còn phía bên kia đường là bá lao công đang quét dọn độ 50-60 tuổi. Cả con đường có duy nhất 3 người, thi thoảng có xe lớn, xe nhỏ chạy vụt nhanh qua.

Mình có ghé lại quán xôi mua giúp bác nắm xôi cùng bắp ngô vì nhìn chiếc xe hàng ngô vẫn ngăn nắp như chưa ai đụng. Mình hỏi bác sao xe hàng vẫn còn nhiều vậy, bác mới bảo :”Hôm nay tôi dọn hàng hơi muộn” rồi bác chỉ tay sang bên đường kia và nói:” Đó, bà nhà tôi đấy cậu.

 Vợ chồng tôi quanh năm túc tắc mấy đồng bạc sống đủ miếng rau, bát cơm thôi”, mình có hỏi còn các con bác thì sao? Bác đáp:” trước kia tôi nuôi chúng nó ăn học không đến nơi nên chúng nó bỏ nhà đi hết rồi, đứa thì vào Nam, đứa xuống Hải Phòng, thi thoảng chúng nó mới gọi về, 11 mùa Tết rồi gia đình chưa đủ mâm cơm”…

Ngồi lúc nhấm nháp bắp ngô nghe bác kể về cuộc đời mà tự dưng mình thấy xót thương làm sao… Xong câu chuyện phủi quần áo, đứng dậy chào bác rồi lại đi tiếp. 

Cứ đi tiếp và nghĩ gia đình bác đó rồi lại nghĩ cảnh mẹ ở quê vất vả nuôi mình ăn học, mà nhiều lúc mình đòi hỏi hơi quá, có lúc không nghe lời mẹ, rồi đôi lúc nói dối mẹ rằng đang học nhưng thực ra ngồi chơi game. 

Từ hôm đó mình biết tiết kiệm, chơi game ít đi và làm nhiều điều hơn để mẹ ở quê yên lòng“, bạn Dương Văn Nam chia sẻ câu chuyện về người bán xôi mình đã gặp.

Thực sự, câu chuyện về cô bé và cuộc điện thoại đường dài với người cha làm việc ở xa khiến nhiều người cảm động. Giữa cuộc sống bộn bề đầy những lo toan, vội vã, đôi khi cũng cần lắm những khoảng lặng để mỗi người biết quan tâm, suy nghĩ hơn về gia đình, người thân của mình.

Theo Saostar


câu chuyện cảm động

Bài học yêu thương


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.