Làng lụa Hội An: hội tụ nghề dệt tơ lụa thế giới

Trong chương trình Festival Quảng Nam 2017, từ ngày 11/6/2017 sự kiện Festival văn hóa tơ lụa, thổ cẩm VN- châu Á tại làng lụa Hội An mang đến du khách sản phẩm truyền thống Việt Nam và 15 quốc gia có nghề dệt tơ lụa hàng đầu thế giới.

Trong chương trình Festival Quảng Nam 2017, từ ngày 11/6/2017 sự kiện Festival văn hóa tơ lụa, thổ cẩm VN- châu Á tại làng lụa Hội An mang đến du khách sản phẩm truyền thống Việt Nam và 15 quốc gia có nghề dệt tơ lụa hàng đầu thế giới.

“Bảo tàng sống” về tơ lụa nổi tiếng


Làng lụa Hội An bắt đầu khai hội là nơi hội tụ hơn 60 làng nghề, DN sản xuất tơ lụa VN và 15 quốc gia có ngành tơ lụa phát triển trên thế giới. Đây cũng chính là nơi tơ lụa Việt Nam hơn 400 năm trước theo chân các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc... rời thương cảng Hội An để xuất khẩu sang các nước Bắc Á và châu Âu…


Một gốc dâu Chăm 400 năm tuổi, đây là cây dâu nuôi tằm của người Chăm cổ để dệt nên loại lụa nổi tiến hơn 400 năm trước tại Quảng Nam

Làng lụa Hội An không chỉ là “bảo tàng sống” về tơ lụa nổi tiếng của Quảng Nam mà còn lưu giữ truyền thống của các làng nghề dệt lụa nổi tiếng cả nước. Đây là điểm đến cho du khách chiêm ngưỡng tinh hoa nghề tơ lụa một thời của cha ông được gìn giữ và phục dựng đến hôm nay.
Một góc làng lụa Hội An nơi lưu giữ và phục hồi nghề dệt lụa truyền thống của Quảng Nam

Bên khung cửi là những cô gái làng lụa Mã Châu đang quay tơ dệt lụa. Đây là làng dệt lụa nổi tiếng của Quảng nam hơn 400 năm trước nằm ven sông Thu Bồn, nơi có những biền dâu xanh mát đang được phục hồi. Lụa Mã Châu nức tiếng từng theo chân những thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc qua thương cảng Hội An xuất khẩu sang các nước Bắc Á và châu Âu.

Làng lụa Hội An còn hội tụ những nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) nổi tiếng chuyên sản xuất lụa cho người tiêu dùng nội địa.

Ươm tơ dệt lụa từ kén tằm

Một dòng lụa thô khác của người Việt xưa là đũi Thái Bình cũng xuất hiện tại ngày hội. Những nguyên liệu tự nhiên kết hợp với đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo, để có được những tấm đũi mềm mại mang màu đất, màu nâu đỏ, tím tía... Chính dòng đũi thô này đang được xây dựng thành sản phẩm cao cấp hiện đại, chinh phục thị trường châu Á và được ưa chuộng tại Hàn Quốc, Singapore...

Nghề dệt lụa truyền thống tại Làng lụa Hội An

Chiêm ngưỡng tinh hoa 8 làng nghề thổ cẩm

Festival văn hóa tơ lụa, thổ cẩm VN- châu Á còn có sự xuất hiện 8 làng nghề thổ cẩm của đồng bào dân tộc nơi miền rừng cả nước tham dự như thổ cẩm Cơ Tu, Chăm Ninh Thuận, Khmer, thổ cẩm Hà Giang, thổ cẩm Văn Giáo...

Kỹ thuật dệt thổ cẩm từ sợi lanh truyền thống của người Lùng Tám (Hà Giang), một sắc diện mới tuyệt đẹp của thổ cẩm  miền sơn cước nơi địa đầu Tổ quốc khiến du khách mê mẩn. Còn các nghệ nhân Khmer lại lưu giữ nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo (An Giang) từ nghìn đời nay.

Họ sử dụng kỹ thuật dệt nhiều lớp sợi tơ với nhiều màu khác nhau để làm ra khăn choàng, xà rông, bức họa phỏng theo các sự tích, truyện cổ...mà khi tận mắt nhìn thấy khiến du khách ngỡ ngàng.

Một cơ hội đặc biệt khi du khách có dịp xem nghệ nhân làng nghề Việt trình diễn và trực tiếp mua sắm những sản phẩm “nức tiếng” đến từ khắp năm châu. Đây cũng là dịp kết nối mô hình dịch vụ “thành phố may đo thời trang cho cả thế giới thông qua khách du lịch” với gần 1.000 cơ sở may đo “nóng” phục vụ du khách.

Đại diện đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện cho biết, đây là lần thứ ba Làng lụa Hội An tổ chức Festival nhằm tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, kết nối giao lưu để tìm kiếm thị trường tơ lụa Việt để xuất khẩu ra nước ngoài.

“Làng lụa Hội An được phục hồi để kế nghiệp truyền thống sản xuất và xuất khẩu tơ lụa từ 400 năm trước ở Hội An và sẽ xây dựng làng lụa Hội An trở thành trung tâm thương mại phân phối tơ lụa của cả nước”, vị đại diện này khẳng định.

Các tập đoàn sản xuất tơ lụa lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc, Nhật bản, Ấn Độ, Thái Lan, các nước láng giềng như Malaysia, Cambodia, Lào, Myanmar…cũng đưa sản phẩm đến tham dự triển lãm, tham gia hội thảo nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển thị trường chung tại châu Á cho thời trang tơ lụa.

Tại Việt Nam, các công ty sản xuất tơ lụa lớn tại Bảo Lộc, TP.HCM, Hà Nội cũng có mặt với hàng trăm sản phẩm tơ lụa xuất khẩu ra nước ngoài cùng với 80 nghệ nhân nghề dệt truyền thống của hàng chục làng nghề dệt nổi tiếng khắp mọi miền đất nước.

Festival Văn hóa Tơ lụa thổ cẩm Việt Nam-châu Á 2017 thu hút sự hợp tác của những nhà thiết kế thời trang hàng đầu Việt Nam tham gia như Nhà thiết kế Minh Hạnh và ê kip 15 nhà thiết kế trẻ sẽ thực hiện “Đêm Lụa Phương Đông”, thể hiện dòng thời trang tơ lụa ứng dụng vào đời sống hàng ngày và có sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo thời trang và chất liệu lụa, đũi Việt Nam. Trong đó có những tên tuổi đầy triển vọng như NTK Thanh Thúy, Des Khang, hoa hậu Ngọc Hân…

Vũ Trung


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.