Sự thật phía sau bát cơm "hổ lốn" có gì trộn nấy khiến người ta nao lòng

Thoạt nhìn, bức ảnh một bát cơm với đủ các thứ hổ lốn cơm, thịt, nước thịt trộn chung khiến nhiều người tỏ vẻ trách móc, chê bai. Tuy nhiên khi biết sự thật đằng sau, ai nấy không khỏi cảm thông và xúc động.

Thoạt nhìn, bức ảnh một bát cơm với đủ các thứ hổ lốn cơm, thịt, nước thịt trộn chung khiến nhiều người tỏ vẻ trách móc, chê bai. Tuy nhiên khi biết sự thật đằng sau, ai nấy không khỏi cảm thông và xúc động.

Mới đây, trên một nhóm facebook đông thành viên, một nam thanh niên đã khoe bức ảnh chụp bát cơm mà theo anh là vô cùng ngon. Theo bức ảnh, anh chàng đã đem tất cả đồ ăn còn thừa, cả cơm, thịt, nước thịt trộn lẫn vào nhau. Ngay lập tức sau khi chia sẻ, rất nhiều người đã vào bình luận chê bai vì cho rằng bát cơm có gì trộn nấy kia trông như "cám lợn".

Bát cơm "có gì trộn nấy" khiến nhiều người tỏ vẻ chê bai khi mới nhìn vào.

Thế nhưng, nếu như chịu khó đọc hết những dòng anh chàng này viết đăng kèm ảnh, người ta sẽ thấy một cái nhìn hoàn toàn khác về bát cơm "hổ lốn" này.

"Có ai ở đây có sở thích giống tôi không? Cho tất vào bát đảo đều lên xong ăn. Nhiều người bảo nhìn kinh thế nhưng tôi ăn thấy ngon…

Thực ra thì tôi không muốn ăn như thế này đâu. Nhưng vợ tôi mới đẻ nhà lại neo người, có mỗi 2 vợ chồng nên phải thay nhau ăn để 1 người còn trông con.

Tôi chuẩn bị đồ ăn cho vợ xong còn thừa bao nhiêu dồn hết vào 1 bát ô tô ăn cho đỡ phải rửa nhiều bát đĩa”.

Trải lòng của người chồng khiến ai nấy không khỏi nao lòng khi biết sự thật phía sau.

Vợ mới sinh con, nhà lại chỉ có hai vợ chồng nên phải sắp xếp thời gian hết sức tỉ mỉ. Anh chồng hiểu được sự vất vả của vợ nên đã thu xếp giúp vợ làm việc nhà, trông con nhiều nhất có thể.

Cảnh nhà neo người, vợ chồng phải thay nhau ăn để trông con, rồi bát cơm ăn vội khiến nhiều người nhớ lại những ngày sau khi có con.

Chị Hoàng Hà (Hải Dương) chia sẻ: "Tất cả những người chê bai ông chồng này nọ đã đọc những dòng trên kia chưa? Là họ chăm vợ đẻ đó. Các ông có thương vợ, nấu ăn, trông con giúp vợ được như người ta không."

Đồng tình với chị Hà, một ông bố hai con đến từ Hà Nội bình luận: "Đấy là các bạn chưa trải qua cảnh chăm vợ đẻ thôi. Tôi từng qua hai lần vợ đẻ đây. Người phụ nữ sau sinh xuống sức rất nhiều, mình cũng cố tranh thủ rảnh là giặt cái quần cái áo, nấu bữa cơm rồi trông con giúp vợ. Làm gì lâu cũng sợ con khóc nên cái gì nhanh được là phải tiết kiệm thời gian ngay."

Hoá ra, không chỉ mình ông chồng này có cách tiết kiệm thời gian để giúp vợ như vậy.

Thậm chí, nhiều anh em từng trải qua cảnh này còn trải lòng tâm sự nhớ lại những ngày miếng cơm và vội. Anh Tùng Đăng (32 tuổi) bày tỏ: "Ngày còn thanh niên, ở nhà được bố mẹ chăm nên mình cũng khó tính lắm. Ăn cơm là phải có nhiều món, món nọ món kia. Xong đến khi lấy vợ, vợ sinh con, hai vợ chồng ở riêng mới biết thế nào là chỉ cần ăn đủ chất là được. Mình còn trộn luôn tất cả vào nồi để đỡ phải rửa thêm một chiếc bát với lại cho nhanh í chứ. Giờ nhiều lúc nhớ mình vẫn ăn thế luôn."

Sau khi bức ảnh đăng tải bị nhiều ý kiến chê bai "ném đá", chủ nhân của bức ảnh đã đăng thêm một bức hình về bữa cơm ở cữ mình nấu cho vợ. Khác hoàn toàn với bát cơm "có gì trộn nấy" kia, mâm cơm cho vợ được ông chồng này chuẩn bị rất chu đáo với cơm canh và cả hoa quả tráng miệng.

Bữa cơm ông chồng chuẩn bị với đủ cơm canh cả hoa quả tráng miệng.

Thế mới thấy, không thể đánh giá bất cứ sự việc gì khi chỉ nhìn bề ngoài của nó. Nếu chỉ nhìn bức ảnh kia, chắc hẳn ai cũng sẽ thắc mắc ông chồng này lười quá hoặc có sở thích ăn uống kỳ dị quá. Nhưng sự thật phía sau bát cơm ăn vội để trông con giúp vợ khiến ai cũng thấy nao lòng.

Theo Khám phá


Câu chuyện xúc động

bữa cơm gia đình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.