Cái kết đắng sau ánh hào quang du học

Ước mơ du học luôn cháy bỏng trong tiềm thức của nhiều bạn trẻ Việt. Nhưng thực tế, không phải cứ cắp sách ra nước ngoài du học là sẽ có tương lai rộng mở khi về nước.

Ước mơ du học luôn cháy bỏng trong tiềm thức của nhiều bạn trẻ Việt. Nhưng thực tế, không phải cứ cắp sách ra nước ngoài du học là sẽ có tương lai rộng mở khi về nước. Nhiều trường hợp vẫn thất nghiệp hoặc đành phải chấp nhận làm không đúng với chuyên ngành đào tạo. Đó chính là những cái kết đắng sau ánh hào quang du học.

>>Bao nhiêu người đã từng trăn trở: Du học xong về thì làm gì?


Không phải cứ ra nước ngoài, khoác “mác” du học sinh là có thể dễ dàng xin được việc khi về nước. Bởi để kiếm được việc làm với mức lương mong muốn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan.

Nhiều người đi du học chỉ với mục đích trốn chạy sự kém cỏi hay thoát khỏi tầm kiểm soát của gia đình, để trải nghiệm một cuộc sống mới… cũng có trường hợp đi du học chỉ để có cơ hội kiếm tiền gửi về cho gia đình. Nhiều bạn trẻ mang danh du học mà sang đó chỉ ăn, ngủ, chơi là chính. Du học ở Anh về mà tiếng Anh còn lộ cộ, kiến thức chuyên môn thì “ấm ớ”. Phần lớn những người như vậy thường không chú trọng vào chuyện học hành, nên khi hoàn thành khóa học chỉ có trong tay tấm bằng cho có, thậm chí rất khó khăn để lấy bằng do sức học của nhiều mốn không đạt yêu cầu. Vì thế, năng lực và kiến thức làm việc không thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng trong nước.

>>Vụ thanh niên đốt bằng du học: Chơi sốc?

Du học sinh T.H ở (Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong những trường hợp như thế. Học lực thuộc loại trung bình, biết sức mình không thể thi đậu vào các trường có chút uy tín trong nước, gia đình lại có điều kiện, nên bố mẹ quyết định cho T.H sang Nam Ninh (Trung Quốc) du học để lấy le thiên hạ cũng như tô điểm cho hồ sơ xin việc sau này. Hiểu được khả năng của bản thân, nên khi đi du học, H chịu khó rèn giũa. Nhưng do nhận thức có hạn, nên kết quả học tập cũng chỉ đủ điểm qua. Vì thế, khi về nước, dù chạy việc khắp nơi, nhưng rốt cuộc H cũng chỉ được một công ty làng nhàng của Trung Quốc với quy mô khoảng chục nhân viên, cô được nhận vào làm với mức lương xoàng xĩnh. Sau khi lấy chồng, sinh con, tiền lương chỉ đủ thuê ô sin trông con, thế là đành nghỉ việc ở nhà làm... nội tướng.

Với những người có năng lực hạn chế khó xin việc đã đành, những du học sinh năng lực đầy mình, bảng thành tích học tập khiến nhiều người kính nể phải chịu cảnh thất nghiệp cũng không phải hiếm. Đơn giản vì chuyên ngành mà họ theo học chưa thật phù hợp với môi trường kinh doanh của Việt Nam. Một người làm việc lâu năm trong lĩnh vực nhân sự cho biết: Nhiều trường hợp thử việc rất “ngớ ngẩn”, nhất là khi được giao những công việc liên quan đến thị trường. Kế hoạch cứ như ở trên trời, không xuất phát từ thực tiễn mà chủ yếu từ mớ lý thuyết học xứ người chẳng hề phù hợp với môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

B.V.M tốt nghiệp Đại học California (Mỹ) là trường hợp như vậy. Sau nhiều năm làm việc tại công ty phần mềm ở Mỹ, B.V.M quyết định trở về nước . Nhưng khi bắt tay vào công việc, những kiến thức B.V.M học được, thậm chí đang làm rất tốt ở Mỹ lại chưa thể áp dụng ở Việt Nam. Phần mềm bán hàng của B.V.M chưa phù hợp với thói quen thanh toán online của người Việt, nên rốt cuộc chẳng thể tìm được người mua. B.V.M chán nản xin nghỉ việc.

“Đắng lòng” nhất là câu chuyện của một cử nhân du học ở Australia thất nghiệp chỉ vì không có bằng cấp 3. Câu chuyện này do bạn đọc Hoang.nguyen1120 chia sẻ: “Sau 5 năm du học tại Úc, tôi nộp hồ sơ xin thi tuyển vào vị trí ở sân bay, bất ngờ nhận được lý do từ chối: “Do em không có bằng tốt nghiệp phổ thông nên không đúng yêu cầu tuyển dụng”. Thật trớ trêu, tôi đi du học Úc từ lớp 11 thì làm sao có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông !. Vậy là tấm bằng cấp 3 quan trọng hơn cả bằng tốt nghiệp đại học tại Úc.

>>14 nỗi khổ của du học sinh không phải ai cũng hiểu

Bên cạnh đó, tình trạng “ảo tưởng sức mạnh” của các du học sinh cũng khá phổ biến. Nhiều người cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp từ nước ngoài về nước đã tự mặc định cho mình vị thế cao hơn các cử nhân chỉ tốt nghiệp đại học trong nước. Thế là, trong hồ sơ xin việc hoặc khi trả lời phỏng vấn, họ hồn nhiên đề nghị nhà tuyển dụng mức lương cao ngất để xứng với bằng cấp cũng như chi phí đầu tư đã bỏ ra. Trong khi trên thực tế, để được hưởng mức lương đó, ngoài tấm bằng, các công ty cũng đòi hòi người được tuyển dụng phải có kinh nghiệm thực tế, các mối quan hệ... mà một du học sinh mới về nước khó có thể đáp ứng. Không được nhà tuyển dụng đáp ứng yêu cầu, những du học sinh này tỏ ra chán nản, rồi từ bỏ công việc với mức lương mà nhà tuyển dụng đề nghị. Một số người sau thời gian nếm trái đắng cũng chấp nhận làm việc với mức lương mà nhà tuyển dụng đưa ra. Nhưng do làm việc trong tâm trạng “làm thử, tìm cơ hội tốt hơn sẽ nhảy việc”, nên công việc cũng chẳng đi đến đâu.

Đến từ Hà Nội, H.G từng theo học ở Đại học Ngoại thương nhưng đành rẽ ngang đi du học. Sau nhiều năm miệt mài học tập ở Đức, H.G có trong tay tấm bằng đại học chuyên ngành marketing như mong muốn. Những tưởng với tấm bằng đại học ở quốc gia có nền giáo dục phát triển như Đức, H.G sẽ được các nhà tuyển dụng chào đón. Song, thực tế không phải vậy. Tiếng Đức ở Việt Nam không phổ biến như tiếng Anh trong khi mức lương mà H.G đề xuất lên đến 1.200 USD khiến các công ty không thể đáp ứng. Sau nhiều năm lông bông chạy việc mà không tìm được chỗ làm ưng ý, H.G đành nhờ người quen xin vào Đại Sứ quán Đức làm việc với mức lương hơn 700 USD.

Trường hợp của H.G cũng tương tự câu chuyện mà bạn đọc có nickname Rubi chia sẻ: “Anh trai và chị dâu tôi đều học ở Nga 7 năm, phấn đấu để được bằng đỏ cử nhân rồi lên thạc sĩ cùng tâm huyết trở về nước làm việc. Nhưng sau khi trở về Việt Nam, họ không thể kiếm được công việc và mức nước mong muốn, nên đành quay lại Nga tiếp tục học lên tiến sĩ và kiếm thêm ít vốn liếng để khi trở lại quê hương sẽ tự mở công ty riêng.


Du học mở ra tương lai sáng lạn cho không ít người có năng lực thực sự. Nhưng không phải hễ tốt nghiệp ở nước ngoài trở về nước là sẽ “vừa có danh, vừa có lợi”. Vì thế, ngoài việc chăm chỉ học tập để có kiến thức vững vàng, các du học sinh cũng cần theo học các chuyên ngành Việt Nam đang có nhu cầu và tránh “ảo tưởng về bản thân” để không phải nhận những trái đắng sau khi quay về nước làm việc.

Theo SMO


thất nghiệp

du học sinh

xin việc

du học


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.