'Chuyên Anh 8 năm, tôi khó giao tiếp với người nước ngoài'

"Đỗ đại học, thi IELTS đạt 7.5, tôi nghĩ mình giỏi tiếng Anh. Sau 2 năm ở Nhật Bản, tôi nhận ra mình lãng phí 8 năm học ngoại ngữ ở Việt Nam", du học sinh Thanh Huyền viết.

 "Đỗ đại học, thi IELTS đạt 7.5, tôi nghĩ mình giỏi tiếng Anh. Sau 2 năm ở Nhật Bản, tôi nhận ra mình lãng phí 8 năm học ngoại ngữ ở Việt Nam", du học sinh Thanh Huyền viết.

Đang du học tại Nhật Bản, Thanh Huyền - sinh viên ĐH Osaka - chia sẻ về thời gian học tiếng Anh khi còn học phổ thông và đại học trong nước.

Hai năm trước, tôi tự tin sang Nhật Bản với bảng thành tích học tập không đến nỗi nào cùng chứng chỉ IELTS 7.5. Tuy nhiên, niềm tin vào năng lực bản thân nhanh chóng sụp đổ khi tôi phát hiện mình gần như không theo kịp tốc độ nói chuyện của các du học sinh khác, dù họ cũng đến từ những nước không nói tiếng Anh như Trung Quốc, Hàn Quốc...

Tôi thấy áp lực vô cùng khi vừa phải ôn thi N1, ôn thi học kỳ vừa học tiếng Anh để thi TOEFL - yêu cầu bắt buộc của trường.

Nhiều người sẽ không tin câu chuyện nữ sinh chuyên ngữ học tiếng Anh 8 năm khi du học lại sợ một kỳ thi và không thể giao tiếp với người nước ngoài. Song, đó là những gì tôi đang phải đối mặt sau hai năm học nơi đất khách. Ngẫm lại những năm học ở Việt Nam, tôi thấy mình lãng phí quá nhiều.

Tôi học tiếng Anh từ năm lớp 6 và chỉ coi đó là môn để thi tốt nghiệp hoặc đại học, không ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với tương lai.

'Chuyen Anh 8 nam, toi kho giao tiep voi nguoi nuoc ngoai' hinh anh 1
Thanh Huyền cho rằng kiến thức ngoại ngữ học ở Việt Nam không thể đáp ứng nhu cầu học tập, giao tiếp khi du học. Ảnh: NVCC.
 

Thực ra, việc học và thi tiếng Anh thời cấp ba rất đơn giản vì giáo viên thường ra đề theo mặt bằng chung. Lớp 50 người, chỉ khoảng 5, 6 bạn có ý định thi khối D, còn lại các bạn học rất kém.

Học sinh chỉ học tiếng Anh “chay”, chú trọng ngữ pháp, từ vựng. Phần nghe, nói bị bỏ qua do không đủ cơ sở vật chất và thời gian. Ngay cả giáo viên cũng mỗi người phát âm một kiểu.

Đến giờ, tôi vẫn không quên được cảm giác lạc lõng, chán nản trong giờ học nghe đầu tiên khi vào đại học. Nhiều bạn không nghe được gì, kể cả từ đơn giản nhất. Tiếng Anh trở nên xa lạ dù các tân sinh viên đã tiếp xúc gần 10 năm.

Phần nói tiếp tục khiến nhiều bạn trong lớp hoang mang về trình độ ngoại ngữ của bản thân. Giọng miền Trung khiến tôi thường xuyên nói sai ngữ điệu, cách phát âm cũng không chuẩn.

Các giáo viên thường nắm chắc ngữ pháp nhưng cũng phát âm không thống nhất. Điều đó khiến người học gặp nhiều khó khăn.

Khi chuẩn bị du học, tôi cuống cuồng tìm đến các trung tâm, học ngày đêm, nhồi nhét để thi IELTS. Đến lúc đã yên vị ở Nhật, tôi lại quên gần hết những thứ học được (vì nhồi nhét) và phải bắt đầu ôn lại từ đầu.

Tôi đã lãng phí 8 năm học tiếng Anh ở Việt Nam và chắc chắn không ít bạn khác cũng như vậy. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu đến từ cách dạy và học thụ động, chậm đổi mới, ít thực hành...

Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 trị giá 9.400 tỷ đồng được đưa ra khi tôi còn học lớp 10. Nhưng trong 6 năm tiếp theo, chương trình học của thế hệ chúng tôi dường như không thay đổi so với các anh chị khóa trên.

Hai năm nay, mỗi lần nghe em trai kể lại việc học tiếng Anh ở trường không khác gì thời mình đi học, tôi dần mất niềm tin.

Cuối năm 2016, tôi đọc báo thấy Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo Quốc hội rằng Đề án ngoại ngữ quốc gia không đạt mục tiêu. Tôi tiếc nhưng không bất ngờ bởi đã hơn nửa chặng đường của đề án, học sinh như tôi lại chưa nhận được gì từ nó.

Tháng 11/2014, dư luận xôn xao với bức thư của cô gái Việt tại Nepal gửi Bộ trưởng GD&ĐT (khi đó là ông Phạm Vũ Luận).

Theo Linh, việc dạy tiếng Anh ở Nepal không tốt, vì họ không có tiền mua tivi, băng đĩa, không có phương tiện cho học sinh nghe người bản xứ nói chuyện, thậm chí đến cả cuốn từ điển còn thiếu.

Tuy nhiên, nữ sinh cho rằng, so với Việt Nam, tiếng Anh của học sinh Nepal giỏi hơn, dù họ xếp hạng nghèo của thế giới.

Linh nhờ bạn thân ở Việt Nam ra hiệu sách, chụp SGK dạy tiếng Anh. Bài đầu tiên của sách  giáo khoa lớp 1 dạy Hello. Bài học của sách SGK 2 dạy câu Where are you from?. Bài học của SGK 3 dạy lại Hello. Bài học đầu tiên của SGK 4 dạy câu How're you?. Bài học đầu tiên của SGK 5 dạy lại câu Where're you from?.

Cô viết thư gửi Bộ trưởng GD&ĐT: “Cháu không biết vì nghi ngờ trình độ của học sinh Việt Nam quá kém nên có mỗi 3 câu Hello, How're you, Where're you from mà phải học đi học lại suốt 5 năm? Hay tại chúng ta quan niệm, 5 năm, học được 3 câu đó là đã quá nhiều rồi?... Cháu buồn khi thấy chúng ta bắt các em học quá nhiều thứ về Toán, Lý, Hoá nhưng lại lo sợ trí nhớ của các em không đủ để học tiếng Anh".


Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.