Con đi du học, mỗi năm bố mẹ mất một căn hộ

Ngày càng nhiều gia đình cho con du học từ cấp ba. Thậm chí, nhiều người cho rằng, không cần tốt nghiệp THPT tại Việt Nam vẫn có thể vào đại học ở Anh, Mỹ. Đâu là sự thật?

Ngày càng nhiều gia đình cho con du học từ cấp ba. Thậm chí, nhiều người cho rằng, không cần tốt nghiệp THPT tại Việt Nam vẫn có thể vào đại học ở Anh, Mỹ. Đâu là sự thật?

Không bằng tốt nghiệp THPT không thể vào được đại học


Một ông bố đã chia sẻ trên trang cá nhân rằng, con anh học hết lớp 11, chỉ khá các môn tự nhiên, còn văn, sử, địa thì kém. Cho rằng việc thi tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam khá áp lực, anh này liên hệ với các trường đại học hàng đầu của Anh, Mỹ qua Internet và muốn xin học đại học bên trời tây.

Sau khi được một số trường ở Mỹ cho phép, anh truy cập hệ thống tuyển sinh với sự hướng dẫn của nhà trường. Anh cho con bỏ học lớp 12 và chỉ chuyên tâm luyện thi tiếng Anh. Sau một quá trình tìm kiếm, vị phụ huynh này cho biết, tất cả các trường đại học ở Mỹ đều nhận con anh vào học, mặc dù chưa tốt nghiệp cấp ba tại Việt Nam.

Vị phụ huynh cũng cho hay, sau con anh, nhiều người cũng áp dụng phương thức này để xin học cho con cháu, và hầu hết theo học được hết chương trình đại học.

Không hẳn gia đình nào cũng đủ sức cho con du học sớm
Không hẳn gia đình nào cũng đủ sức cho con du học sớm. Ảnh: Infonet.

Câu chuyện của vị phụ huynh được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến phản hồi cho rằng, đó là cách hay để phụ huynh có thể tìm kiếm một tương lai tươi sáng cho con em mình.

Tuy nhiên, dưới cái nhìn của một chuyên gia về du học, bà Vũ Kim Hường, Phó giám đốc Công ty Giáo dục và Đào tạo quốc tế Đại Tây Dương cho rằng, thông tin này hoàn toàn không chính xác.

Bà Hường khẳng định, những quốc gia như Anh, Úc hay Newzaland thường có chủ trương khuyến khích học sinh các nước sang học từ cấp ba (THPT) trước khi vào đại học, cao đẳng tại nước sở tại.

Về cơ bản, hầu hết những học sinh này sẽ được theo học 1- 2 năm để có được bằng THPT rồi mới đăng ký vào các trường ĐH, CĐ. Tùy theo mỗi nước có những quy định riêng. Chẳng hạn như ở Mỹ, các du học sinh Việt Nam thường đi từ năm lớp 11, sau khi học 2 năm phổ thông ở Mỹ mới được đăng ký vào học ĐH, CĐ. Nhưng, cũng có trường, học sinh chỉ phải học 1 năm (trong một năm ấy học sinh sẽ được học chương trình dự bị đại học, định hướng nghề…). Tuy nhiên, để được học tiếp lên ĐH buộc phải vượt qua những tiêu chí nhất định.

“Không có chuyện không cần bằng tốt nghiệp THPT ở Việt Nam là có thể vào thẳng đại học ở Mỹ. Điều này cũng tương tự ở các nước Úc, Anh, Newzeland - nhất là những trường danh tiếng. Nếu có thì chỉ ở những trường 'vớ vẩn', hoặc nói như cách các du học sinh hay gọi là 'trường cỏ' mà thôi”- bà Hường nhấn mạnh.

Ngay bản thân học sinh khi tốt nghiệp THPT, để được nhận vào một trường ĐH, cũng phải trải qua rất nhiều bài kiểm tra. Theo bà Hường, những nước này họ thích học sinh theo học từ cấp THPT tại nước sở tại. Rất hiếm học bổng cho cấp học phổ thông này, nếu có chỉ là giảm học phí khoảng 1.000 – 2.000 USD/năm (đối với Mỹ); 1.000 – 3.000 bảng (đối với Anh).

Để con tốt nghiệp đại học phải mất chục căn chung cư

“Trên thực tế, để có thể cho con theo học ở chương trình này, trung bình mỗi năm, gia đình phải chi ra 40.000 – 50.000 USD/năm (tương đương căn hộ nhỏ). Chương trình học kéo dài không chỉ trong vòng 1- 2 năm mà nhiều em cả học cấp 3 và học ĐH lên tới 8 năm nên chi phí đôi khi lên tới chục căn chung cư bình dân. Vì thế, với những trường hợp du học theo hình thức này chỉ giành cho những gia đình có điều kiện kinh tế tương đối ổn định, có những khoản tài chính tách biệt giành hẳn cho con đi học” – bà Hường nhấn mạnh.

Vì thế, bà Hường khuyến cáo, nếu các gia đình có ý định cho con du học từ sớm, nên có kế hoạch chuẩn bị kỹ càng, dài hơi bằng cách trang bị ngoại ngữ, kỹ năng sống và tính độc lập của con mình. Khả năng sống tự lập của trẻ cực kỳ quan trọng, bởi ở môi trường hoàn toàn xa lạ, mình trẻ phải tự bơi, trong khi đó nhiều trẻ ở nhà được bố mẹ lo hết mọi việc. Vì thế, du học sớm không giành cho những “cậu ấm, cô chiêu” quen sống trong nhung lụa.

“Nhiều gia đình không chỉ chuẩn bị về tiềm năng kinh tế. Trước khi cho con đi du học, vào mỗi dịp hè, họ thường cho con tham dự các trại hè được tổ chức ở nước ngoài. Mỗi năm, các con sẽ đi một nước để trẻ có tiếp xúc, làm quen và lựa chọn môi trường nào con thấy thích và phù hợp nhất. Thậm chí, có những gia đình còn trực tiếp đi thăm quan trước các trường con định học rồi mới đưa ra quyết định chính thức. Những trẻ từ nhỏ được học ở trường quốc tế tại Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với trẻ học tại hệ thống trường công lập” – bà Hương nhấn mạnh.

Theo Infonet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.