Du học sinh làm thêm 'chui', lương rẻ mạt và nhiều rủi ro

Rào cản ngôn ngữ, thiếu kỹ năng giao tiếp và kinh nghiệm sống là những yếu tố khiến du học sinh phải chịu thiệt thòi khi làm thêm nơi đất khách.

Rào cản ngôn ngữ, thiếu kỹ năng giao tiếp và kinh nghiệm sống là những yếu tố khiến du học sinh phải chịu thiệt thòi khi làm thêm nơi đất khách.

Chia sẻ tại triển lãm When the birds fly home do các du học sinh vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều bạn trẻ cho biết, công việc phổ biến nhất của du học sinh Việt Nam là chạy bàn, phụ bếp cho các nhà hàng châu Á tại Australia và nhiều nước khác trên thế giới.

Những nơi này thường tuyển nhân viên làm "chui", trả bằng tiền mặt và không trả đúng mức lương tối thiểu quy định.

Bạn Nguyễn Khôi khuyên các du học sinh cần xác định mục tiêu đi làm thêm của mình trước khi lựa chọn công việc. Ảnh: Triển lãm When the birds fly home.

Mặt trái của việc làm thêm

Du học sinh không được hưởng quyền lợi bảo hiểm lao động mà chỉ được trả tiền theo giờ. Họ cũng không có hợp đồng, chỉ thỏa thuận miệng giữa hai bên. Hình thức làm thêm kiểu này được gọi là casual-job.

Trong khi đó, những công việc làm thêm đích thực (part-time job), người làm nhận được các quyền lợi như tích quỹ lương hưu, có bảo hiểm lao động và được trả lương tối thiểu đúng quy định. Vấn đề ở chỗ công việc này đòi hỏi khá cao về kỹ năng giao tiếp.

Theo chia sẻ của nhiều du học sinh Việt Nam, khi mới ra nước ngoài, rất ít người có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của dạng part-time job. Vì vậy, đa số du học sinh thường chọn làm thêm casual-job, làm theo giờ và nhận tiền mặt với mức lương ít ỏi, thấp hơn nhiều so với mức đáng ra các bạn được nhận.

Chia sẻ về thực trạng này, Thanh Huyền, du học sinh tại Australia, cay đắng nói: “Chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn. Nếu chúng tôi không làm sẽ có người khác nhận làm ngay lập tức. Vì thế, biết kiểu làm casual-job có nhiều rủi ro và khổ cực, chúng tôi vẫn phải lao vào để có thêm chút thu nhập trang trải cuộc sống”.

Việc làm thêm "chui" không những khiến các bạn du học sinh chịu thiệt thòi về tiền lương, quyền lợi lao động, mà còn ẩn chứa những rủi ro lớn.

Du học sinh có thể gặp rắc rối, ảnh hưởng tiêu cực việc học khi đầu tư quá nhiều thời gian đi làm thêm. Nghiêm trọng hơn, du học sinh có thể bị đuổi học, trục xuất về nước khi bị phát hiện làm "chui".

Nên trang bị kĩ năng bảo vệ mình

Từng có nhiều năm làm thêm ở các nhà hàng khi du học tại Australia, Hoàng Linh, chia sẻ: “Đa số sinh viên Việt Nam không được trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể lựa chọn công việc phù hợp. Đặc biệt, vấn đề về rào cản ngôn ngữ khiến các bạn phải phụ thuộc nhà hàng, cửa hàng nhỏ lẻ”.

“Nắm được điểm yếu đó, các cơ sở kinh doanh này thường làm khó du học sinh và buộc họ phải lao động trong môi trường nhiều áp lực, vất vả với đồng lương rẻ mạt”, Linh nói.

Đưa ra lời khuyên về điều này, TS Đặng Hoàng Giang, người Áo gốc Việt gắn bó với du học sinh ở nước ngoài, nói: “Các bạn trẻ cần trang bị đầy đủ kỹ năng cho bản thân trước khi du học. Điều đó sẽ giúp các bạn luôn trong tư thế chủ động và có thể làm chủ được các lựa chọn của mình”.

Bên cạnh việc kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, các bạn trẻ cần làm rõ mục tiêu đi làm thêm của bản thân là gì trước khi lựa chọn công việc cho mình.

Nguyễn Khôi, cựu du học sinh Mỹ cho rằng: “Việc đi làm thêm ở nhà hàng, khách sạn có thể giúp có thêm thu nhập ngắn hạn, giải quyết được vấn đề tài chính trước mắt, nhưng không giúp ích được nhiều trong quá trình học tập lâu dài và xin việc sau này. Bởi vì, các công việc làm thêm này thường không liên quan ngành học”.

Những bạn đã và đang du học như Khôi đều cho rằng: Đi làm thêm có thể là trải nghiệm với các hoạt động xã hội khiến quãng thời gian du học trở nên thú vị hơn, hay đơn giản là giúp bạn trẻ có thêm tiền trang trải cuộc sống. Dù bạn có mục đích gì khi đi làm thêm, đừng quên trang bị cho mình đầy đủ kỹ năng để có thể tự bảo vệ bản thân nơi đất khách quê người.

Theo Zing

việc làm

du học sinh

làm thêm

tiền công


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.