Du học sinh Việt Nam lo lắng sau khủng bố ở Paris

Gần một ngày sau vụ khủng bố tại thủ đô Paris, Pháp, cộng đồng sinh viên Việt Nam tại đây vẫn lo lắng và cảnh giác cao độ.

Gần một ngày sau vụ khủng bố tại thủ đô Paris, Pháp, cộng đồng sinh viên Việt Nam tại đây vẫn lo lắng và cảnh giác cao độ.

Đêm kinh hoàng của du học sinh

"Các vụ khủng bố xảy ra lúc gần 22h. Phần lớn các bạn sinh viên khi ấy đang ở nhà, chỉ một số ít đi chơi hoặc làm thêm", Nguyễn Văn Tuân, Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp chia sẻ với Zing.vn.

Lê Khiêm, sinh viên năm 2, trường ESCP Paris, là người có mặt ngay gần nhà hát Bataclan, nơi những kẻ khủng bố xả súng và bắt cóc con tin.

"Sau khi nghe tiếng bom, mọi người chạy tán loạn. Mình lao vào quán ăn gần đó cùng một số người Pháp và ẩn nấp đến tận 12h đêm thì thấy con tin chạy ra từ nhà hát. Nhiều người trong số họ chảy máu", Lê Khiêm kể lại.

Tiệm Sushi nơi Khiêm Lê lẩn trốn những kẻ khủng bố
Quán ăn nơi Khiêm lẩn trốn những kẻ khủng bố.

Cả đêm đó, chàng sinh viên trường ESCP mất ngủ vì bị ám ảnh. Nam sinh không quên nhắn tin về cho bố mẹ ở Việt Nam để họ khỏi lo lắng.

Khiêm cũng chia sẻ thêm, trường học nằm cạnh nơi xảy ra khủng bố và có rất nhiều sinh viên tham dự một buổi tiệc. Rất may những kẻ tấn công không biết điều này. Trường phải khoá cửa đến tận 4h30 sáng mới mở cho sinh viên về.

Ngay trong đêm xảy ra sự việc, Ban chấp hành Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp phát đi thông điệp cảnh báo tới các chi nhánh du học sinh Việt Nam ở khắp Paris. Thông điệp lưu ý sinh viên không tụ tập đông người, hạn chế đến những nơi công cộng và phải chủ động thông báo an toàn cho các chi hội.

Nhiều sinh viên Việt sống tại khu vực xảy ra khủng bố đã dùng ứng dụng Safety Check trên Facebook để thông báo rằng, mình vẫn bình an.

Lo lắng

Có con trai đang du học tại Paris, chị Minh Trang (Hà Nội) không giấu được sự lo lắng trước vụ khủng bố vừa xảy ra.

"Sáng dậy đọc thông tin, tôi lập tức gọi cho con thì không thấy nghe máy. Tôi tìm cách vào Facebook của con, thấy cập nhật 'tình trạng an toàn' mới thở phào", chị Trang chia sẻ.

"Vụ nổ súng gần sân vận động Stade de France đang diễn ra trận đấu Đức - Pháp. Chiều nay, mình vừa đi học qua đó. Ngày mai không biết có nên đi học hay không?", Triệu Tiến Đạt, du học sinh Việt Nam tại Đại học Sorbonne cho biết. ​

"Mình có mặt ở khu bị tấn công lúc 8h30, vừa về nhà thì 9h nghe tin có khủng bố. Giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ", một du học sinh khác chia sẻ.

Vì là cuối tuần nên các du học sinh vẫn chưa biết những ngày tới có phải nghỉ học hay không. Một số trường đã thông báo đóng cửa 2, 3 ngày. Tâm lý lo lắng bao trùm khiến nhiều sinh viên không còn tâm trí học hành.

Theo Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, hiện có khoảng 2.500 sinh viên Việt Nam đang học tại Paris. Trong đó, đáng lo nhất là những sinh viên sống gần cộng đồng người Hồi giáo, vốn được cảnh báo là khu vực nhiều bất ổn. Nguyễn Văn Tuân dự đoán, sắp tới, có thể những bạn này sẽ phải chuyển đi nơi khác để đảm bảo an toàn.

"Suốt đêm qua, điện thoại của mình và các bạn du học sinh khác liên tục nhận những cuộc gọi của bố mẹ và người thân ở Việt Nam. Mình muốn nhắn gửi tới mọi người là đừng quá lo lắng. Du học sinh ở đây sẽ cố gắng tự lo", Nguyễn Văn Tuân nói.

Đêm 13/11, những kẻ khủng bố tấn công thủ đô Paris tại 7 địa điểm khác nhau. Ít nhất 158 người thiệt mạng.

Theo công tố viên Paris, 8 kẻ tấn công đã chết, trong đó có 7 kẻ đánh bom tự sát. Ít nhất hai trong số chúng bị giết khi cảnh sát đột kích nhà hát Bataclan, một tên chết trong vụ đánh bom ở sân vận động Stade de France.

Nhà chức trách Pháp chưa thể xác định chính xác số kẻ tấn công trong hàng loạt vụ khủng bố.



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.